Các giải pháp về quản lý nước thải

Một phần của tài liệu Tiểu luận quản lý chất thải rắn và nước thải hướng tới phát triển đô thị bền vững (Trang 25 - 30)

1 Khái niệm môi trường, môi trường đô thị

3.2 Các giải pháp về quản lý nước thải

Tổ chức thoát nước cho các đô thị cần dựa trên từng điều kiện cụ thể. Nguyên tắc tổ chức thoát nước cho các đô thị một cách tổng quát được đề xuất như sau:

- Đối với các khu vực trong đô thị hiện có: vẫn sử dụng hệ thống cống thoát nước chung, với các tuyến cống bao thu gom các loại nước thải và nước mưa đợt đầu, không cho chảy trực tiếp vào sông, hồ, kênh mương mà dẫn bằng các tuyến cống chính về các trạm xử lý nước thải. Trên các tuyến cống chính này, gần nguồn tiếp nhận, để giảm chi phí vận chuyển và xử lý nước thải, bố trí các giếng tràn tách hỗn hợp nước mưa đợt sau và một phần nước thải đã được pha loãng, tràn qua đập tràn chảy ra nguồn tiếp nhận. Tuỳ theo điều kiện tự nhiên, mật độ dân cư, quỹ đất, nhu cầu tái sử dụng nước thải ... mà có thể áp dụng mô hình thoát nước tập trung hay phân tán, với công nghệ hiện đại hay chi phí thấp.

- Đối với các khu đô thị xây dựng mới, xây dựng hệ thống thoát nước riêng, xử lý nước thải đạt yêu cầu trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

- Trong giai đoạn chưa có điều kiện xây dựng đầy đủ các tuyến cống thoát nước riêng và trạm xử lý nước thải, vẫn phải coi trọng và phát huy vai trò của bể tự hoại để xử lý nước đen, hay nước đen và nước xám từ các hộ gia đình, nhà chung cư, cơ quan, cơ sở dịch vụ... Bể tự hoại phải được thiết kế, xây dựng và quản lý đúng quy cách.

- Đối với các đô thị miền núi, có độ dốc dọc đường lớn, thuận lợi cho việc thoát nước, nên sử dụng hệ thống thoát nước riêng. Các thị trấn, các khu vực ven đô, có thể áp dụng loại hệ thống thoát nước riêng giản lược, với đường kính nhỏ, chôn nông dọc vỉa hè, sơ đồ đấu nối xuyên tiểu khu, cùng với các kênh, mương,

cống sẵn có để thoát nước bề mặt, sẽ giảm thiểu tối đa chi phí xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước.

- Đối với các đô thị vùng đồng bằng, độ dốc cống nhỏ, cần triệt để tận dụng các mặt nước đô thị làm hồ điều hoà, kênh mương dẫn nước và giảm độ sâu chôn cống.

- Đối với các đô thị ven biển, địa hình bằng phẳng, khó tạo được độ dốc cống thuận lợi, lại ít có các sông mương và hồ điều tiết, do điều kiện địa chất phần lớn là cát và cát pha. Ở các đô thị này, có thể lợi dụng nước triều lên xuống hàng ngày, xây dựng các cống tự động đóng/mở theo mực nước triều để thoát nước và thau rửa hàng ngày hệ thống cống.

- Cố gắng áp dụng các giải pháp thoát nước bền vững càng sớm càng có lợi. Lồng ghép phương thức này với quy hoạch phát triển không gian đô thị; quản lý chặt chẽ cao độ san nền, tiêu thoát nước của các khu vực đô thị mới phát triển; đảm bảo sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng giữa thoát nước với hệ thống thủy văn đô thị và toàn lưu vực, kể cả hệ thống thủy nông, tiêu thoát lũ, điều tiết hồ chứa thủy điện ở thượng lưu và hạ lưu...

Trong đô thị, áp dụng các giải pháp như tạo các hồ điều tiết, các kênh mương hở, tăng mật độ cây xanh, vườn hoa, công viên, tạo vùng trũng xanh thấm nước dọc đường giao thông...

Thu gom và tái sử dụng nước mưa trong đô thị

Các diện tích công cộng lớn như quảng trường, bãi đỗ xe, vỉa hè, thậm chí đường giao thông - như một số nước đã làm, phải sử dụng các vật liệu cho nước bề mặt thấm xuống, qua lớp sỏi đệm ở dưới rồi mới tới được các đường ống ngầm thu nước. Hai bên và giữa đường cao tốc phải thiết kế lõm xuống, trồng cỏ và tạo các bãi thấm lọc tự nhiên, vừa làm chậm dòng chảy, vừa cho phép làm sạch nước bề mặt khỏi cặn, kim loại nặng, dầu mỡ..., chứ không làm gồ lên và dồn nước mưa ngay xuống cống. Hiện có nhiều giải pháp thích hợp có thể giảm thiểu sự úng ngập mà mỗi hộ dân có thể đóng góp sức vào đó như làm các bể chứa thu nước mưa tại mỗi gia đình, mỗi tòa nhà. Đó cũng là giải pháp quan trọng khi mà nhiều đô thị còn đang thiếu nước sạch. Nước trữ có thể dùng để tưới đường, rửa cây, cứu hỏa... hay cho thấm xuống bổ cập cho nước ngầm. Trên thế giới đã có nhiều nước phát triển các mô hình khu đô thị sinh thái rất thành công và ngày càng phổ biến, trong đó phương thức tiếp cận thoát nước đô thị bền vững, thu gom và tái sử dụng nước mưa được áp dụng, lồng ghép hài hòa với các giải pháp quy hoạch đô thị, kiến trúc và kỹ thuật hạ tầng khác.

Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò và trách nhiệm làm chủ của cộng đồng, của người dân đô thị. Việc xây dựng và duy trì chất lượng đô thị phụ thuộc một phần quan trọng trong ý thức của người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Do đó, cần có giải pháp tích cực để cộng đồng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý đô thị được cụ thể hóa ngay từ trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng của đô thị.

KẾT LUẬN

Ðô thị hóa là một tất yếu trong quá trình phát triển của đất nước ta. Tuy vậy, nếu đô thị hóa theo hướng tự phát không có sự quản lý, thiếu quy hoạch đồng bộ thì nảy sinh nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp chất lượng cuộc sống người dân đô thị. Ðể quá trình đô thị hóa phát triển một cách ổn định và bền vững thì đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhưng trước hết và quan trọng nhất là làm tốt công tác quy hoạch tổng thể đô thị và thực hiện quy hoạch này. Các chiến lược, chính sách liên quan quy hoạch đô thị phải được thực hiện với tầm nhìn lâu dài hàng chục năm, từng bước tạo thành mạng lưới đô thị hoàn chỉnh. Chất lượng quá trình đô thị hóa phụ thuộc rất lớn khả năng quy hoạch và tổ chức không gian đô thị của bộ máy quản lý nhà nước, của cán bộ

lãnh đạo chính quyền các cấp. Ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kinh tế và xã hội trong đó coi trọng phát triển hệ thống giao thông công cộng, nhất là các phương tiện hiện đại, ít hoặc không gây ô nhiễm môi trường là giải pháp trọng tâm để giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Ðối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì cần phát triển các đô thị vệ tinh để giảm tải sức ép cho vùng đô thị trung tâm đi đôi việc kiểm soát và quản lý và quan tâm đối tượng người nhập cư từ nông thôn ra thành thị. Tăng cường đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình xã hội như bệnh viện, trường học, công trình văn hóa, cơ sở xử lý chất thải rắn, nước thải sinh hoạt... Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về nếp sống văn minh, gia đình văn hóa mới, môi trường đô thị. Kiểm tra và giám sát chặt chẽ chủ đầu tư xây dựng các khu đô thị mới bảo đảm tuân thủ quy hoạch...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Quản lý nhà nước về khoa học – Công nghệ và Tài nguyên – Môi trường, Học viện Hành chính Quốc gia, NXB. Giáo Dục, 2006

2. Tài liệu bồi dưỡng về Quản lý hành chính nhà nước - Phần III Quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, 2008.

3. Đạo đức sinh thái và giáo dục đạo đức sinh thái, PGS,TS Vũ Trọng Dung, NXB. Chính trị Quốc gia, 2009.

4. Giáo trình quản lý nhà nước về đô thị, Học viện Hành chính, NXB. Giáo Dục, 2005.

Một phần của tài liệu Tiểu luận quản lý chất thải rắn và nước thải hướng tới phát triển đô thị bền vững (Trang 25 - 30)

w