Đặc điểm dung thông giữa các tông phái khác nhau trong Phật giáo

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của phật giáo thời Ngô Đinh Tiền Lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử Việt Nam (Trang 78 - 83)

8. Kết cấu của luận vă n

2.2.3 Đặc điểm dung thông giữa các tông phái khác nhau trong Phật giáo

Phật giáo có nhiều tông phái khác nhau trong đó Trung Quốc có mười tông phái cơ bản. Tuy nhiên khi truyền vào Việt Nam chủ yếu nổi trội chỉ có ba tông phái: Thiền Tông, Mật tông và Tịnh độ tông. Tại Việt Nam cho tới nay do sự hỗn dung, dung thông giữa chúng người ta cũng khó có thể xác định đặc điểm riêng của từng tông phái. Tuy nhiên xét trong giai đoạn Ngô – Đinh –Tiền Lê thì chủ yếu Thiền tông thiên vọng với Mật tông và có ít nhiều dung hợp với Tịnh Độ tông

Thứ nhất: Thiền tông thiên vọng với Mật tông :

Phật giáo giai đoạn này chịu nhiều ảnh hưởng của Bắc Tông, trong đó Thiền tông nổi trội. Thiền tông là tông phái Phật giáo Đại thừa xuất phát từ Trung Quốc. Thiền tông hình thành và lan truyền trong khoảng thế kỉ thứ VI – VII, khi Bồ – Đề – Đạt – Ma đưa phép Thiền của đạo Phật vào Trung Quốc cùng với sự hấp thụ một phần nào yếu tố của đạo Lão. Nơi đây, Thiền tông trở thành một tông phái lớn, với mục đích là thực hành Thiền, hành giả trực nhận được bản thể của sự vật và đạt giác ngộ được chân lý như Phật Thích ca mâu ni đã đạt được dưới gốc cây Bồ đề. Tông phái này được đưa vào Việt Nam chủ yếu có phần từ Trung Quốc, có phần nhỏ từ Nhật Bản nhưng đều có nguồn gốc ở Thiền Ấn Độ.

73

Thiền tông khởi nguyên từ Ấn Độ, được truyền đến đời thứ 28 là Bồ - Đề – Đạt – Ma. Ngày nay, người ta không còn tư liệu gì cụ thể về lịch sử các vị Tổ Thiền tông Ấn Độ, và thật sự thì điều đó không quan trọng trong giới thiền sư vì chú trọng vào thực hành Thiền.

Phật giáo với phép “thiền” truyền vào Việt Nam từ rất sớm, trước cả Trung Quốc với trung tâm Phật giáo quan trọng tại Luy Lâu. Và theo đó, Thiền tông Ấn Độ cũng được truyền bá vào Việt Nam trước tiên, với các thiền sư như Mâu Tử, Khương Tăng Hội. Họ đã nổi danh tại Trung Quốc từ trước thời Bồ – Đề – Đạt – Ma. Họ đều từng có nhiều năm tu tập tại Việt Nam trước khi truyền đạo tại Trung Quốc, chứng minh rõ ràng cho sự phát triển rực rỡ của Thiền tông tại Việt Nam ở thế kỷ thứ II và thứ III.

Theo Bắc Tông, dòng thiền đầu tiên của Việt Nam đó là dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền vào nước ta từ năm 580. Theo Thiền uyển tập anh “Thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi là dòng dõi Bà La Môn, gốc ở Nam Thiên Trúc, vân du qua Trung Hoa; vào năm Nhâm Ngọ ( 562) niên hiệu Đại Kiến thứ sáu nhà Trần thì đến Trường An. Vào năm 574 khi Phật giáo bị Võ Đế đàn áp, ông đi về đất Nghiệp ( Hồ Nam). Hồi đó, tổ thứ ba của Thiền Tông Trung Hoa là Tăng Xán đang bị nạn ở đây, ẩn tại núi Tư Không. Khi Tỳ Ni Đa Lư Chi gặp tổ Tăng Xán, thấy phong độ phi phạm, liền chắp tay ba lần, tổ vẫn ngồi yên không nói năng gì. Trong lúc đứng chờ suy tư, tâm bỗng mở ra như có chỗ sở đắc, ông liền lạy xuống ba lạy. Tổ sư cũng chỉ gật đầu ba cái mà thôi. Ông lùi lại ba bước, thưa rằng: đệ tử từ trước tới nay chưa có cơ hội, xin hòa thượng từ bi cho đệ tử được theo hầu bên tả hữu, Tổ nói: ông mau mau đi về phương Nam mà tiếp xúc với thiên hạ, không nên ở lâu tại đây. Ông liền từ biệt tổ đi về phương Nam, ở lại chùa Chế Chỉ ở Quảng Châu. Đây là vào khoảng niêm hiệu Đại Đế thứ sáu, ông dịch được một số kinh như Tượng Đầu và Báo Nghiệp Sai Biệt. Đến tháng ba năm Canh Tý niên hiệu Đại Tường thứ hai (580), vào đến nước ta, ở lại chùa này (Pháp Vân) lại dịch thêm kinh Tổng

74

Trì” Qua đây cho thấy ngay từ thế kỷ VI Thiền tông tại Việt Nam đã nghiêng về kết hợp với Mật tông.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền thừa qua mười chín đời. Tư tưởng của dòng thiền này bắt nguồn từ Kinh Bát Nhã, Tam Luận và Hoa Nghiêm có khuynh hướng thiên về Mật giáo, theo tinh thần bất lập văn tự, chú trọng đến truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế để giúp dân, biết kết hợp sử dụng kiến thức phong thủy sấm vĩ. Sấm vĩ là sự suy trắc về tương lai trên cơ sở luật hoán chuyển âm dương, ngũ hành tương khắc vận chuyển và đã kết hợp với kinh Tổng trì.

Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi chịu ảnh hưởng của Tăng Xán khá sâu đậm; sự ảnh hưởng này thấy rõ trong lời ông dặn lại đệ tử Pháp Hiền trước khi viên tịch: “Tâm ấn của chư Phật không lừa dối ta đâu, tâm ấn ấy tròn đầy như thái hư, không thiếu không dư, không đi không tới, không được không mất, không nhất nguyên, không đa nguyên, không thường không đoạn, vốn không sinh ra cũng không diệt mất…” [51, tr150 – 151].

Tỳ Ni Đa Lưu Chi là một trong những người dùng danh từ tâm ấn sớm nhất trong lịch sử thiền, mà danh từ này đã phát xuất từ các kinh điển của Mật tông. Kinh Đại Nhật, kinh căn bản của Mật Tông, nói như sau về tâm ấn: “Đối với mọi lời giáo huấn của Phật không gì là không nắm được tinh yếu; nếu có thể giữ gìn được tâm ấn ấy để mở rộng tất cả các pháp môn, đó gọi là người đã thông đạt được tam thừa”. Tâm ấn ở đây là tinh yếu mật ý của kinh Đại Nhật cơ bản của Mật tông.

Chính sự kết hợp của Mật tông, sấm vĩ, phong thủy đã là những động cơ đẩy mạnh vai trò nhập thế xã hội của Phật giáo trong những thế kỷ đầu tiên giành được độc lập. Điều này được thể hiện khá rõ trong sự thực hành trì chú Mật tông trong thời Đinh – Tiền Lê. Giáo sư Hà Văn Tấn (trong tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 76 tháng 7 năm 1965 xuất bản tại Hà Nội) cho biết : Vào năm 1963, tại làng Trường Yên thuộc kinh đô Hoa Lư cũ của Nhà Đinh,

75

người ta đào được một cây bia đá, trên bia khắc những câu kệ và Chú Đà La Ni, dựng vào năm 973 thời Đinh. Bia này là một trụ đá có tám mặt, mỗi mặt rộng sáu phân rưỡi. Trên mỗi mặt bia đều có khắc chữ Hán, bắt đầu bằng câu “Phật Đỉnh Tối Thắng Già Cú Linh Nghiệm Đà La Ni” ghi là do Tinh Hải Quân Tiết Chế Nam Việt Vương Đinh Liễn tạo lập.

Cũng đã phát hiện một kinh tạng dựng năm 995 thời Lê Đại Hành với một bài kệ nhắc đến Phật đỉnh Đà La Ni:

Chư thiên thường văn Phạm ngữ thanh Văn niệm Phật đỉnh Đà La Ni

Tắc đắc cụ túc trai giới…

Những tài liệu trên cho biết sự thực hành trì chú của Mật giáo rất được phổ biến thông qua các triều đại Đinh và Tiền Lê sử còn cho biết.

Sách cũ cũng đã ghi lại rằng thủa đầu lập quốc, các thiền sư danh tiếng như Pháp Thuận, Khuông Việt, Vạn Hạnh đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia. Họ đã sử dụng những môn thuật sấm vĩ và phong thủy trong các cuộc vận động này, như “tuyên truyền” về nền độc lập lâu dài, về vận số của một triều đại, về long mạch quốc gia và sự trù ếm nó của người Hán tộc phương Bắc, nay các sử liệu đã được công khai.

Như vậy các cột kinh ở Hoa Lư có nội dung là hai trong bốn loại trì chú của Mật Tông. Loại trì chú Đa La Ni là sự tiêu trừ nghiệp chướng bản thân, loại trì chú thứ hai sẽ tiêu trừ nghiệm trướng oan gia và dục vọng tình ái kiếp trước. Loại trì trú thứ ba là diệt trừ kẻ thù ngoài ta, còn trì chú thứ tư là sự ban ân huệ cầu được ước thấy. Như đã biết thì Nam Việt Vương Đinh Liễn cho dựng một trăm cột kinh để nhằm “cứu rỗi” linh hồn sau những biến cố quan trọng có liên quan tới chính mình.

Điều này chỉ có thể lý giải rằng khi các nhà thiền sư trong giai đoạn này vừa là học Thiền và vừa học trì chú kinh điển Mật tông. Sự kết hợp giữa

76

Thiền và Mật đã được giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định khi nghiên cứu về cột kinh Hoa Lư do Đinh Liễn cho dựng thời Đinh.

Bên cạnh sự kiện mà chúng ta có được thông qua bài báo của giáo sư Nguyễn Tài Thư và Lê Mạnh Thát cho biết thì đã có những nhà sư trong giai đoạn Ngô – Đinh – Tiền Lê niệm kinh Đà La Ni. Một kinh quan trọng của Mật tông. Ví dụ như thiền sư Ma Ha, thiền sư Khuông Việt đều chú trọng kinh Đà La Ni.

Thứ hai thiền phái Vô Ngôn Thông chịu ảnh hưởng của Mật Tông: Ngô Chân Lưu là thiền sư truyền thừa của phái Vô Ngôn Thông. Trong thời gian làm Tăng Thống và Khuông Việt đại sư, ngài đã ủng hộ và hướng dẫn Đinh Bộ Lĩnh, Nam Việt Vương Đinh Liễn và cả gia đình cũng như triều đình tu theo Phật giáo, lấy đức trị dân, hướng theo tránh pháp. Nhất là ủng hộ Đinh Liễn khắc các tràng kinh Tổng Trì Đà La Ni và Chú Lăng Nghiêm là minh chứng cho sự hoằng hóa Đạo Phật theo Thiền và Mật của Khuông Việt. Và rõ nhất là ông có công trong việc xây dựng chùa chiền, khắc kinh, tạc tượng tôn thờ, với các tràng kinh đã khắc để lại làm tài liệu nghiêm cứu, học tập và tu dưỡng cho Tăng già thời Ngô – Đinh – Tiền Lê.

Dưới thời vua Lê Đại Hành dưới sự ảnh hưởng của các dòng thiền tông: Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông với các thiền sư như Pháp Thuận và Khuông Việt thì vua Lê Đại Hành đã cho xây dựng chùa Nhất Trụ để tôn thờ Phật tổ, trụ Kinh khắc Phật Đỉnh Tôn Thắng Đa La Ni và Tâm Chú, tại Hoa Lư năm 995 để cầu nguyện cho đất nước thanh bình, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Đời Tiền Lê, đặc biệt hơn nữa là chú trọng công tác thỉnh Đại Tạng Kinh năm 1007. Vua Lê Long Đĩnh đã sai em Lê Minh Xưỡng cùng Hoàng Thanh Nhã sang nước Tống thỉnh Đại Tạng Kinh làm tài liệu nghiên cứu, học tập cho giới xuất gia và Phật tử Việt Nam thời bấy giờ, góp phần vào kho tàng văn hóa bản địa một cách thiết thực và nó còn ý nghĩa cho những giai đoạn sau này, là cơ sở quan trọng cho Phật giáo thời Lý – Trần.

77

Tóm lại: Những phân tích ở trên cho ta thấy đặc điểm dung thông đã có tiền đề từ trước đó và tiếp tục được làm rõ trong giai doạn Ngô – Đinh –Tiền Lê và được nở rộ trong giai đoạn Lý – Trần. Chính tư tưởng dung thông đã tạo cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, giàu bản sắc, đầy sức sống. Tạo ra nội lực để dân tộc ta bước ra khỏi bóng tối, đứng lên xây dựng một thời đại mới, một kỷ nguyên mới với vai trò Phật giáo được đề cao. Mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc đó là kỷ nguyên mà dân tộc Việt Nam đã hiên ngang đứng lên khẳng định độc lập chủ quyền của mình đối với các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Hoa.

Một phần của tài liệu Một số đặc điểm của phật giáo thời Ngô Đinh Tiền Lê và ý nghĩa của nó đối với lịch sử Việt Nam (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)