III. Cơ Cấu Thời Gian Với Sự Vật
2. Quan niệmsự vật mộtchiều
Tức là chiều tĩnh mà thiếu chiều động. Do đó cũng gọi là quan niệm nhất khối (monolithe) ròng với nguyên lý đồng nhất A là A, một cái A tinh ròng không còn để chỗ nào cho B, y như Monade của Leibnitz: sans porte ni fenêtre, không cửa ra vào, không cả cửa sổ nữa, nên bít hẳn mối liên giao. Thật ra chẳng cứ Monade của Leibnitz mới thiếu cửa, nhưng đó là lệ chung của mọi nền triết học thuần lý. Sự vật được quan niệm như đối tượng và chiếm một không gian nhất định, thiếu thời gian nên thiếu luôn mối liên hệ nội tại và hỗ tương, mà chỉ là quan niệm kiểu cơ khí, trong đó máy phát sinh lực truyền vào các bánh xe, theo một chiều, chứ bánh xe không có gây lại một ảnh hưởng nào cả.
Quan niệm cơ khí là một khía cạnh của quan niệm một chiều, nó đi ngược hẳn lại quan niệm cơ thể hai chiều, hay nói theo Trương Tái là nhất lưỡng tính: unité bipolaire tức là âm dương gắn bó đến độ làm nên một; trong âm có căn của dương và trong dương có căn của âm. Như thế mối liên hệ không phải ở ngoại diện, nhưng là nội tại làm nên một cơ thể với lối tương ứng, tương cầu, tương sinh, tương nhập. Nếu xem ngoài chỉ thấy có đối kháng, phải xem trong mới nhận ra mối hổ giao, bổ túc, tương hòa. Đó không còn là câu kết luận thuần lý nữa nhưng là những sự kiện được khoa học chứng
minh xuyên qua điện lực với giây nóng giây lạnh, qua từ điện với cực tính, cực tiêu và nay với nguyên tử: âm điện tử và dương điện tử để cuối cùng kết tinh lại trong Tương đối thuyết với các loại trường tức là các mối liên hệ. Tất cả chứng minh cách huy hoàng câu Kinh Dịch: "nhất âm nhất dương chi vị đạo". Sở dĩ phải nhấn mạnh điểm này, vì thường người ta chỉ biết thâu nhận khám phá khoa học một cách khách quan, mà không rút tỉa ra được những kết luận tương xứng trong lãnh vực triết lý, nên nhân loại chưa có được một triết lý cân xứng với đà tiến của khoa học.