Công ty có 03 phân xưởng sản xuất chính, mỗi phân xưởng sản xuất các mặt hàng cùng tính chất, và hoạt động của mỗi phân xưởng là độc lập với nhau. Mỗi phân xưởng sản xuất một số loại thuốc nhất định, đảm nhiệm tất cả các giai đoạn từ giai đoạn chuẩn bị đến giai đoạn nhập kho thành phẩm. Quá trình sản xuất được chuyên môn hóa, trong thời gian nhất định trên dây chuyền sản xuất chỉ tạo ra một loại sản phẩm duy nhất, sau khi hoàn thành xong sản phẩm đó mới chuyển sang sản xuất sản phẩm khác. Mặt khác, mỗi sản phẩm cần những loại nguyên vật liệu khác nhau, với đặc điểm kinh tế riêng biệt, có định mức vật tư, các công đoạn sản xuất khác nhau. Do đó việc Công ty xác định đối tượng và phương pháp hạch toán chi phí sản xuất là từng giai đoạn công nghệ và đối tượng tính giá thành sản phẩm là từng thành phẩm cụ thể là phù hợp với quy trình công nghệ và tình hình thực tế ở Công ty. Đồng thời việc tập hợp chi phí và tính giá thành cho từng sản phẩm giúp cho việc theo dõi tình hình sản xuất, chi phí của sản phẩm chi tiết, dễ kiểm tra, tổng hợp theo các chỉ tiêu tài chính phục vụ cho quá trình quản lý và ra quyết định sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nào phù hợp cũng như điều chỉnh các chi phí sản xuất một cách hợp lý.
Việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành ở Công ty được tiến hành đều đặn hàng tháng. Giữa kế toán giá thành và các phần việc kế toán có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với nhau. Việc phân công trách nhiệm giữa các phân xưởng với kế toán giá thành trong việc hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm như hiện nay là hợp lý đáp ứng được yêu cầu thông tin cho lãnh đạo của Công ty.
- Công ty đã lập định mức tiêu hao về nguyên vật liệu, về các chi phí khác tương đối chặt chẽ, điều đó giúp công ty chủ động trong quản lý chi phí sản xuất, phát hiện những khoản chi phí bất hợp lý, kém hiệu quả một cách kịp thời.
- Công ty tổ chức hạch toán chi phí sản xuất về cơ bản theo 3 khoản mục là: chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung và chi tiết cho từng phân xưởng hoặc theo từng yếu tố là phù hợp với chế độ quy định của nhà nước và phù hợp với tình hình thực tế ở Công ty. Việc sử dụng và mở sổ chi tiết cho sản phẩm là hợp lý.
- Các khoản mục chi phí được phân chia khá phù hợp. Chi phí nguyên vật liệu trực tiếp được chi tiết cho từng sản phẩm, với công thức tính dễ hiểu, dễ thao tác trên máy, tăng tốc độ hạch toán. Chi phí sản xuất chung được tập hợp chung cho toàn bộ Công ty sau đó được phân bổ cho từng sản phẩm theo phân xưởng và từng sản phẩm. Do chi phí sản xuất chung liên quan đến nhiều nơi sử dụng và khó xác định cụ thể cho từng phân xưởng nên việc hạch toán phí sản xuất chung cho toàn doanh nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, kiểm tra để xác định nguyên nhân cũng như mức độ tác động của chi phí sản xuất chung đến giá thành sản phẩm để đề ra các biện pháp tác động thích hợp.
Công ty áp dụng phương pháp tính giá thành là phương pháp trực tiếp. Đây là phương pháp đơn giản, dễ làm, phù hợp với đặc điểm sản xuất sản phẩm, đặc điểm quy trình công nghệ và tình hình thực tế của Công ty.
Công ty áp dụng kỳ tính giá thành là tháng. Công ty có chu kỳ sản xuất ngắn, hoạt động sản xuất liên tục, khối lượng sản phẩm sản xuất ra trong tháng là rất lớn, cần có sự theo dõi thường xuyên. Việc lựa chọn kỳ tính giá thành là tháng giúp cho việc theo dõi thông tin về sản phẩm được nhanh chóng, kịp thời.
2.4.2 Những hạn chế
Bên cạnh những ưu điểm về tổ chức công tác kế toán ở công ty cần được phát huy cũng còn có những hạn chế cần phải hoàn thiện.
2.4.2.1. Dưới góc độ kế toán tài chính
Thứ nhất: Tất cả các chi phí trong quá trình mua vật liệu về nhập kho ngoài trị giá mua nguyên vật liệu thì chi phí thu mua; vận chuyển; bốc dỡ không tính vào trị giá nguyên vật liệu nhập kho mà công ty tính vào chi phí quản lý. Điều đó đã không phản ánh chính xác trị giá nguyên vật liệu nhập kho ảnh hưởng đến trị giá vốn xuất kho nguyên vật liệu. Dẫn đến việc tập hợp chi phí nguyên vật liệu trực tiếp và tính giá thành chưa chính xác ảnh hưởng đến việc ra quyết định của nhà quản trị. Bên cạnh đó việc kiểm kê nguyên vật liệu còn lại cuối kỳ còn chậm, do vậy phát sinh trường hợp trong kỳ đã sản xuất hết sản phẩm đó mới phát hiện thừa nguyên vật liệu của sản phẩm đó. Kế toán sẽ tiến hành nhập lại và ghi giảm chi phí sản xuất chung để phân bổ cho các sản phẩm khác là không hợp lý.
Thứ hai: Đối với vật liệu khác như các loại như: Bao bì, bìa cacton, giấy gói, nhãn tem, lọ nhựa, lọ thuỷ tinh... kế toán ghi nhận vào công cụ dụng cụ, như vậy không phù hợp với việc phân loại và ghi nhận vào chi phí nguyên vật liệu trực tiếp.
Thứ ba: Hạch toán công cụ dụng cụ: Toàn bộ công cụ dụng cụ xuất dùng trong kỳ cho hoạt động sản xuất bao gồm cả công cụ dụng cụ có giá trị lớn, kế toán ghi nhận toàn bộ vào chi phí trong kỳ, mà không tiến hành phân bổ. Như vậy ảnh hưởng đến việc xác định giá thành không chính xác.
Thứ tư: Về việc hạch toán sản phẩm hỏng
Trong quá trình sản xuất sản phẩm ở Công ty cổ phẩn dược vật tư y tế Thanh Hoá sản phẩm hỏng phát sinh là tất yếu. Mặc dù công ty đã xây dựng định mức cho sản phẩm hỏng nhưng hầu hết không theo dõi hoặc không đề cập đến vấn đề này trong quá trình hạch toán, không phân biệt để hạch toán
cho sản phẩm hỏng trong định mức và ngoài định mức. Mọi chi phí phát sinh cho sản phẩm hỏng đều được tập hợp vào giá thành sản phẩm hoàn thành, làm cho giá thành không phản ánh đúng bản chất của chi phí cấu thành nên sản phẩm, hơn nữa không quy rõ trách nhiệm về sản phẩm hỏng cho một cá nhân nào nên không thể làm giảm số lượng sản phẩm hỏng trong sản xuất được.
Thứ năm: Hiện nay Công ty phân bổ chi phí sản xuất chung theo chi phí nguyên vật liệu trực tiếp. Tuy nhiên, trong ngành sản xuất dược phẩm chi phí sản xuất chung chiếm tỷ lệ tương đối cao trong tổng chi phí sản xuất sản phẩm và trong chi phí sản xuất chung, tỷ trọng khấu hao tài sản cố định không phải là nhỏ. Chính vì vậy, sử dụng tiêu thức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp để phân bổ chi phí sản xuất chung là chưa hợp lý.
2.4.2.2. Dưới góc độ kế toán quản trị
Thứ nhất: Thông tin kế toán công ty cung cấp mới chỉ dùng chủ yếu để phục vụ cho các đối tượng bên ngoài, các luồng thông tin này chưa thực sự hữu ích cho các nhà quản trị trong việc ra các quyết định kinh doanh. Bởi thông tin cung cấp đa phần là thông tin tổng thể về hoạt động kinh doanh trong quá khứ mà chưa phản ánh được xu thế biến động trong tương của chi phí và những nguyên nhân gây ra những biến động này. Nói cách khác công ty mới chỉ chú trọng đến công tác kế toán tài chính mà chưa chú trọng nhiều đến kế toán quản trị.
Thứ hai: Việc phân loại chi phí sản xuất chưa hướng tới kế toán cung cấp thông tin cho yêu cầu kế toán quản trị doanh nghiệp. Cần phân loại chi phí theo cách ứng xử của chi phí (định phí, biến phí, chi phí hỗn hợp) hoặc phân loại chi phí thành chi phí kiểm soát được và chi phí không kiểm soát được... để có những phân tích, đánh giá chính xác những khoản chi phí nào có thể tiết kiệm, những khoản chi phí nào không thể cắt giảm để có những quyết định hiệu quả trong quản lý chi phí sản xuất và dự toán chi phí sản xuất.
Thứ ba: Việc lập dự toán và định mức các khoản chi phí chưa được quan tâm đúng mức, mặc dù hệ thống dự toán trong công ty đã được thiết lập, tuy nhiên chưa chi tiết thành từng đối tượng cụ thể vì vậy chưa giúp được các nhà quản trị nắm được khái quát về tình hình chi phí và giá thành sản phẩm, từ đó lập kế hoạch sản xuất cũng như huy động các nguồn lực cần thiết, mới chỉ đáp ứng yêu cầu của kế toán tài chính và chưa đáp ứng yêu cầu của kế toán quản trị. Ngoài ra không có tiêu chuẩn để kiểm tra việc thực hiện các định mức chi phí như định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, định mức chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung nên công ty chưa có những biện pháp điều chỉnh sản xuất kịp thời cho phù hợp với thực tế và tiết kiệm chi phí. Do vậy hệ thống dự toán chưa phục vụ cho công tác kế toán quản trị.
Thứ tư: Hệ thống tài khoản, sổ kế toán mới chỉ dừng lại ở việc ghi chi tiết tập hợp số liệu thông tin về quá trình thực hiện và phục vụ cho việc theo dõi chi phí giá thành sản phẩm mà chưa phù hợp với việc phân tích chi phí theo định phí, biến phí để từ đó có thể phân tích chênh lệch giữa chi phí thực tế và định mức. Ngoài ra những thông tin trên chứng từ hầu hết là những thông tin về chi phí thực tế và chưa phản ánh được thông tin về chi phí định mức hoặc dự toán chi phí sản xuất sản phẩm. Đồng thời thông tin trên chứng từ chỉ phản ánh những thông tin trong quá khứ, chứng từ chưa có tính chất thông tin nhanh, kịp thời và không mang tính dự báo.
Thứ năm: Vào cuối kỳ, kế toán Công ty chỉ lập các báo cáo phục vụ cho kế toán tài chính mà rất ít lập báo cáo kế toán quản trị do vậy chưa cung cấp đủ thông tin phục vụ cho các nhà quản trị trong điều hành quản lý hoạt động sản xuất.
2.4.3. Nguyên nhân của thực trạng trên
* Nguyên nhân từ phía Nhà nước và các cơ quan chức năng.
Hệ thống kế toán doanh nghiệp hiện nay vận hành theo chế độ kế toán thống nhất, do Nhà nước ban hành mà chế độ kế toán hiện nay mới chỉ đề cập chủ yếu đến nội dung của kế toán tài chính. Mặc dù Bộ tài chính đã có thông
tư hướng dẫn về thực hiện kế toán quản trị trong các doanh nghiệp, nhưng đây vẫn là vấn đề mới mà các doanh nghiệp bước đầu thực hiện do vậy các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng. Hơn nữa trong điều kiện hiểu biết của chúng ta về kế toán quản trị trong nền kinh tế thị trường còn nhiều hạn chế và cũng chưa hoàn toàn thống nhất. Đây cũng chính là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng triển khai chế độ kế toán doanh nghiệp nói chung và kế toán quản trị nói riêng còn nhiều hạn chế.
* Nguyên nhân từ phía Công ty:
Thực trạng chung của các doanh nghiệp hiện nay nói chung và công ty cổ phần dược vật tư y tế nói riêng là chỉ coi trọng đến công tác kế toán tài chính. Bên cạnh đó các nhà quản lý chưa có thói quen sử dụng các báo cáo kế toán vào quyết định quản lý, giao dịch kinh tế, năng lực khai thác sử dụng thông tin trên các báo cáo kế toán còn hạn chế nên các nhà quản trị doanh nghiệp phần nào đã coi nhẹ vị trí của tổ chức kế toán trong hệ thống công cụ quản lý, đặc biệt là tổ chức kế toán quản trị. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chưa tạo điều kiện để cán bộ kế toán được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn nên không tránh khỏi những hạn chế trong nắm bắt chính sách tài chính, chế độ kế toán hiện hành.
Như vậy, có thể nhận thấy hệ thống kế toán chi phí sản xuất của công ty cổ phần Dược vật tư y tế Thanh Hoá hiện nay tuân thủ theo yêu cầu của chế độ quy định, phục vụ cho hệ thống kế toán tài chính là chủ yếu, còn thiếu đi những yếu tố cơ bản của một hệ thống kế toán quản trị chi phí như việc phân loại chi phí sản xuất chưa hướng tới việc cung cấp thông tin cho nhà quản lý, lập dự toán chi phí kinh doanh, lập báo cáo kế toán quản trị... đây cũng là tình trạng chung của các doanh nghiệp Việt nam trong giai đoạn hiện nay.
Chương 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN KẾ TOÁN CHI PHÍ SẢN XUẤT VÀ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM TẠI CÔNG TY
CỔ PHẦN DƯỢC VẬT TƯ Y TẾ THANH HÓA
3.1. Sự cần thiết hoàn thiện kế toán kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty cổ phần Dược vật tư y tế Thanh Hoá
Trong nền kinh tế thị trường, cạnh tranh để tồn tại và phát triển giữa các doanh nghiệp là một tất yếu khách quan. Bởi vậy doanh nghiệp luôn phải hoàn thiện mình: Năng động, sáng tạo, đổi mới công nghệ, trau dồi kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiệu quả nhất, phát huy những tiềm năng và nắm bắt thông tin kịp thời để nhanh chóng hoà nhập với xu thế giới.
Đối với doanh nghiệp kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm góp phần cung cấp thông tin đầy đủ cho việc tính toán hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn đúng đắn về thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để đưa ra các chính sách thích hợp tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, giúp cho nhà lãnh đạo doanh nghiệp định hướng kinh doanh tạo tiền đề cho sự phát triển.
Trong quá trình nghiên cứu thực tế công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại công ty Cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hoá, mới chỉ là những thông tin mang tính chất tổng hợp, thiên về kế toán tài chính nhằm cung cấp cho các đối tượng bên trong và bên ngoài công ty. Thông tin kế toán chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm cung cấp cho nội bộ doanh
nghiệp nhằm phục vụ cho các quyết định kinh doanh, định hướng kinh doanh trong tương lai hoàn toàn chưa được chú trọng đến. Hệ thống kế toán quản trị chi phí không đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhà quản lý, từ đó dẫn đến việc các quyết định kinh doanh của họ hầu như chưa dựa vào các thông tin do hệ thông kế toán cung cấp. Do đó, yêu cầu hoàn thiện hơn công tác kế toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm nhằm mục đích cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác yêu cầu của kế toán tài chính đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho kế toán quản trị là rất cần thiết trong công ty.
3.2. Quan điểm định hướng và yêu cầu của việc hoàn thiện kế toán kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hoá
3.2.1. Quan điểm định hướng hoàn thiện kế toán kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm ở công ty cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hoá
Việc hoàn thiện kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm trong công ty cổ phần dược vật tư y tế Thanh Hoá hiện nay là hết sức cần thiết nhưng cần dựa trên các quan điểm định hướng sau:
- Tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc của kế toán quốc tế đã được thừa