CHƯƠNG 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, ĐÌNH CÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Phân tích tranh chấp lao động ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)

ĐỘNG, ĐÌNH CÔNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Để hạn chế phát sinh các vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công, ảnh hưởng đến hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ổn định việc làm và đời sống của người lao động, vấn đề đặt ra là phải thực hiện các biện pháp để xử lý tốt ở giai đoạn “tiền tranh chấp”, tạo ra một môi trường lao động bằng biểu hiện của sự hợp tác nơi làm việc. Để thực hiện được yêu cầu trên, những việc cần tập trung là :

1. Trước hết chủ doanh nghiệp phải cam kết và công khai thực hiện đúng các thoả thuận với công nhân dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý lao động địa phương.

2. Tăng cường và củng cố hoạt động của công đoàn cơ sở: Ban chấp hành công đoàn phải thường xuyên theo dõi tư tưởng công nhân lao động, phát hiện vấn đề, báo cáo nhanh, có biện pháp xử lý hiệu quả. Mặt khác, phải kịp thời giải quyết những đơn thư khiếu nại, thắc mắc của công nhân, tích cực ổn định sản xuất. Tổng Liên đoàn Lao động và Liên đoàn Lao động các tỉnh phải có kế hoạch chỉ đạo công đoàn cơ sở trực thuộc nắm chắc tình hình quĩ tiền lương, tiền thưởng để tham gia với người sử dụng lao động có kế hoạch trả lương, trả thưởng đầy đủ, kịp thời cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp. Đồng thời tham gia với người sử dụng lao động xây dựng qui chế thưởng theo qui định tại nghị định 114/2003/NĐ-CP của Chính Phủ.

Quan tâm đến việc phát triển và củng cố tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phát huy vai trò của công đoàn nhằm tập hợp, giáo dục, rèn luyện đội ngũ công nhân lao động về mọi mặt, đặc biệt là hiểu biết về pháp luật, rèn luyện tác phong công nghiệp, ý thức chấp hành nội quy kỷ luật lao động, nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người lao động trong quá trình lao động.

Muốn thực hiện được nhiệm vụ của Công đoàn cơ sở trong việc tập hợp, tuyên truyền đội ngũ công nhân lao động hiểu biết về pháp luật và làm tốt vai trò là người đại diện, bảo vệ lợi ích của Công nhân viên chức lao động,

trước hết đòi hỏi người cán bộ công đoàn phải nắm vững kiến thức về pháp luật, đặc biệt là Luật Lao động, Luật Công đoàn.

3. Người sử dụng lao động cần dành thời gian thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Ban Giám đốc, công nhân và công đoàn để nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, thắc mắc của công nhân lao động và chia sẻ, thông cảm với họ, xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp được ổn định. Nếu các doanh nghiệp cho rằng mình chỉ cần thực hiện các chính sách lao động một cách hợp pháp mà không cần hợp lý, hợp tình thì trong quan hệ lao động sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn.

4. Tuyên truyền, giáo dục người lao động sau đình công, phân tích những vấn đề đúng, sai trong quá trình đình công để người lao động hiểu và có hành động đúng. Giải thích để công nhân hiểu tất cả những cuộc đình công đều không đúng trình tự, quy định của pháp luật, loại bỏ những kiến nghị phi lý mà doanh nghiệp không thể đáp ứng được.

5. Hướng dẫn công đoàn cơ sở xây dựng, thương lượng ký kết thoả ước lao động với chủ doanh nghiệp: Công đoàn cấp trên cơ sở phải đôn đốc, hướng dẫn cho công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thương lượng, xây dựng và ký kết thoả ước lao động tập thể. Đây là một văn bản quy định cụ thể quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động tại mỗi doanh nghiệp, có tác dụng ngăn ngừa phát sinh tranh chấp và là cơ sở để giải quyết khi tranh chấp lao động xảy ra.

6. Người sử dụng lao động cần nhận thấy trách nhiệm của doanh nghiệp để điều chỉnh thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.

7. Doanh nghiệp phải xây dựng thang bảng lương với số lượng & khoảng cách giữa các bậc lương một cách hợp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường cung cầu lao động. Đồng thời các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng công đoàn cần bàn bạc, thống nhất việc nâng lương tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ phải chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội thanh tra việc xây dựng thang bảng lương, thời hạn nâng lương và việc thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp. Đồng thời, sửa lại

thông tư 13, 14 theo hướng quy định thang, bậc lương, khoảng cách giữa các bậc phải rõ ràng, cụ thể.

8. Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa việc trang bị kiến thức pháp luật lao động cho người lao động & người sử dụng lao động, đặc biệt cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý lao động. Đồng thời cùng với các cấp, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để chủ doanh nghiệp nước ngoài tôn trọng những cam kết khi đầu tư vào Việt Nam, còn công nhân lao động thì hiểu rõ hơn về lộ trình tăng lương của Chính phủ giữa các thành phần kinh tế, những quy định khác liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mình, để cùng chia sẻ, chấp hành.

9. Tổ chức ILO khuyến cáo muốn hạn chế tối đa tranh chấp lao động nên giải quyết theo cơ chế ba bên ở cấp quốc gia, nếu chỉ có hai người chủ và thợ thì sẽ không tốt. Trong mối quan hệ ba bên, luôn tạo thế cân bằng (tương đối) và quyền lợi, trách nhiệm không chỉ của người sử dụng lao động, người thợ mà còn của cả Nhà nước trong việc điều hoà mối quan hệ chung. Trong xu thế hội nhập, chúng ta cần có quan điểm khoa học về cơ chế ba bên, phải tôn trọng "tính tự nhiên" của nó và phải xác lập, vun đắp nó bằng những quy định đồng bộ và toàn diện, tránh để cơ chế 3 bên trở thành "có cũng như không"!

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, tranh chấp lao động nói chung và tranh chấp lao động về tiền lương nói riêng phát sinh theo chiều hướng ngày một gia tăng và ngày càng có ảnh hưởng khá lớn tới các lĩnh vực kinh tế. Nó không chỉ có tác động rất lớn tới bản thân và gia đình người lao động mà nhiều khi còn tác động lớn đến an ninh công cộng, đời sống kinh tế và chính trị toàn xã hội. Điều này cũng rất dễ hiểu, người lao động và gia đình họ trông cậy vào thu nhập ổn định từ lao động của họ. Còn sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, chính trị xã hội lại phụ thuộc vào sự ổn định phát triển của nền sản xuất và sự ổn định chung trong đời sống của người lao động. Tranh chấp lao động nhất là tranh chấp lao động tập thể một khi đã xảy ra sẽ là yếu tố có khả năng phá bỏ những ổn định, phát triển đó. Như vậy, đến đây ta có thể hình dung được tầm quan trọng của sự hiểu biết về luật lao động để có thể ngăn chặn và hạn chế được tranh chấp lao động. Chỉ có như vậy thì gia đình, bản thân mỗi người lao động mới có cuộc sống ổn định và xã hội cũng sẽ ổn định để vững bước trên con đường phát triển.

Một phần của tài liệu Phân tích tranh chấp lao động ở việt nam hiện nay (Trang 25 - 28)