Bên cạnh cốt truyện và tình tiết, giọng điệu của truyện ngắn huyền ảo cũng là một phương diện rất đáng bàn. Mặc dầu cốt truyện kỳ lạ đang diễn ra, nhà văn kể chuyện bằng một giọng điệu nhẹ tênh, phớt lờ.
Asturias có một truyện ngắn nổi tiếng mang tên Hoan ăn kiến. Truyện kể về nhân vật Tôi mắc một chứng bệnh kì lạ: chứng bệnh ăn giấc ngủ. Mỗi đêm anh ta ăn giấc ngủ của mình và anh ta biết rằng những ai ăn giấc ngủ sẽ trở thành đất như những người đã chết. Điều đó khiến anh ta cảm giác như mình bị nghiền nát. Một ngày nhân vật Tôi gặp người chồng đi săn khỉ để cứu cô vợ cũng rơi vào tình trạng ăn giấc ngủ. Để cứu sống, chỉ có cách dùng máu khỉ tưới lên người đó. Tôi cùng với người chồng trở về nhà, nhưng không may thay, cô vợ chỉ còn là một đống đất hình người, bị hàng nghìn, hàng nghìn con kiến đỏ đào thủng lỗ chỗ…
Trong truyện ngắn, sự việc ăn giấc ngủ và bị trở thành đất rất kì dị và đáng sợ. Nhưng điều này dường như không gây nên cảm giác phi lý nơi nhân vật. Các nhân vật trong truyện không cảm thấy khó hiểu và hoài nghi về tình trạng đó. Họ chấp nhận như một sự thật. Điều này khá gần với tác phẩm Biến
dạng của F. Kafka. Khi bị biến thành một con bọ, Samsa không cảm thấy
việc này kì dị. Gia đình anh ta cũng thế. Các nhân vật chấp nhận sự thật và tìm cách giải quyết tình trạng bi đát đó.
Ở Hoan ăn kiến, kết thúc truyện ngắn, người chồng đáng thương không muốn lìa xa vợ. Anh ta nuôi ý định phải thay hình đổi dạng, thôi không làm người nữa để biến thành một con gấu vàng có mõm dài. Con gấu sẽ liếm đất mùn
của tổ kiến, đào thành một cái rãnh thò lưỡi vào trong, để cho đám kiến bám vào. Anh ta sẽ ăn hết kiến và cô vợ sẽ trở lại làm người [66, 133].
Ta sẽ nhận thấy hai vấn đề song hành: Nhân vật chấp nhận tai họa và tìm cách xoay xở, người kể chuyện thì tin cậy vào độ chính xác và kể lại sự việc thản nhiên. Không ai có cảm giác về sự bất thường và bí ẩn. Cách kể chuyện bình thản ở ngôi thứ ba này khiến phong cách của Asturias và những nhà văn huyền ảo khác Fuentes, Marquez và Llosa gần gũi nhau.
Giọng điệu kể chuyện đã tạo thành nét đặc trưng cho dòng văn chương huyền ảo.
Theo nghiên cứu của Lê Nguyên Long, giọng điệu trở thành một tiêu chí quan trọng để xác định các loại hình truyện: Truyện cổ tích thường bắt đầu bằng “ngày xửa ngày xưa” và dẫn dắt người đọc thoát tục, bước vào thế giới thần kì. Người đọc và tác giả “đồng lõa” chấp nhận tất cả được kể là sự thật trong không khí hoang đường xa xưa. Văn xuôi hiện thực lại khác, người kể chuyện thường xuyên xác nhận sự thật, miêu tả tỉ mỉ, chân xác nhằm tạo nên một “cam kết chân thực” với độc giả. Câu chuyện trong văn chương hiện thực không có bóng dáng của những điều hoang đường.
Trong khi đó, đến Hoffmann, Poe, Maupassant… truyện ngắn bắt đầu có nhiều thủ thuật đưa người đọc vào một trò chơi lạ lùng, không rõ nghĩa. Không có sự cam kết, tình trạng phân vân lưỡng lự càng cao càng tốt.
Maupassant thường sử dụng nhân vật mang nét hoảng loạn, chấn thương về tinh thần. Mặc dù câu chuyện được kể lại mạch lạc và đầy hấp dẫn, nhưng giọng điệu truyện thì băn khoăn và hoảng hốt tạo nên một giọng kể rùng rợn.
E. Poe còn bắt đầu bằng giọng khách quan khoa học. “Người kể chuyện bàn
luận những vấn đề triết học siêu hình, luân thường đạo lý để rồi tính khách quan và lý trí này bị lấn át bởi sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ của cái siêu nhiên hư huyễn” [46]. Giọng điệu kể chuyện luôn liên hệ với hiện thực khách
quan và ngày càng hoang mang trước những gì nhìn thấy.
Trong khi đó, truyện huyền ảo đã làm một cuộc thay đổi ngoạn mục, không
xác nhận sự nói dối và cũng không thuyết phục sự tin tưởng của độc giả.
Truyện ngắn huyền ảo lướt qua thản nhiên giữa những ranh giới đó. Tác giả kể những câu chuyện khó tin với thái độ điềm nhiên như không. Sự việc thì phi thường, nhưng lời kể chuyện rất bình thường. Đây là điều kiện tuyệt hảo để cái huyền ảo xuất hiện.
Nói như Marquez, tác giả kể chuyện với một gương mặt không thay đổi sắc thái, “gương mặt tỉnh bơ như một viên gạch”. Hay như Borges, tác giả kể bằng thái độ “vô ngôn” hoặc kiệm lời. Đó là những cách viết tinh tế, chứa đựng nhiều khoảng trống, những điều ngập ngừng không nói, mặc dù tác giả hiểu rất rõ.
Giọng điệu thản nhiên sự phớt lờ của truyện ngắn hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh, một phần xuất phát từ niềm tin đậm chất châu lục. Cư dân bản địa vốn tin vào bản hiệp ước, một sự giao thoa đặc biệt giữa con người và thế giới siêu nhiên. Hơn nữa, sự thản nhiên này là một nét tinh thần của con người hậu bán thế kỉ XX: vượt qua ngưỡng sợ hãi, đi đến sự chấp nhận cái bất thường một cách thú vị.
Mặc dầu không mang cảm giác thắc mắc hoang mang, giọng điệu của truyện ngắn Mỹ Latinh đôi lúc ngậm ngùi, bi đát trước ngẫu nhiên, bất thường. Borges và Marquez kế thừa từ F. Kafka những nghịch dị trong giọng kể: vừa hài hước, vừa u buồn. Một số truyện ngắn chen vào những nhận định châm biếm hài hước một cách kín đáo. Cụ già với đôi cánh khổng lồ chứa đầy những nhận định dí dỏm:
“Sự cẩn trọng của cha xứ là vô ích. Tin tức về vị thần bị nhốt trong nhà
Pêlado được lan truyền rất nhanh đến mức chỉ sau đó mấy giờ, sân nhà Pêlado bỗng trở thành một cái chợ ồn ào buộc cả đội quân lê tuốt trần phải đến dẹp đám đông kẻo họ làm đổ mất nhà… Trong hoàn cảnh ồn ào chen lấn đến ngột thở kia, Pêlado và Elixenda cực kì sung sướng vì chưa đầy một tuần, bọn họ đã thu được rất nhiều tiền bạc nhét chặt vào các phòng ngủ và hàng người chờ xếp hàng đến lượt vào xem vẫn dài lê thê kéo đến tận chân trời” [50, 142].
Một giọng kể hấp dẫn và hài hước, xen lẫn những lời bình luận thi vị. Tác giả làm như đang kể một câu chuyện nhẹ nhàng và đời thường. Nhưng bên dưới giọng điệu hài hước kia là câu chuyện “cười ra nước mắt” về sự phá sản của tình thương con người. Giọng thản nhiên, che giấu nhiều trăn trở đã khiến Marquez thực hiện được một ẩn ý quan trọng: nhường quyền suy nghĩ và đánh giá lại cho người đọc.
Peter Vail trong Điệu Tango phương Nam còn phát hiện một sự độc đáo: văn chương huyền ảo Mỹ Latinh mang dòng máu tuôn trào nhưng phong cách truyện thì lại là một “understatement” mẫu mực: phớt lờ, dịu nhẹ, kiềm chế.
Điều này đối lập với biên độ say sưa đầy tính thuyết phục, hùng biện của văn chương nước Nga. Dostoievski và L. Tolstoy tiêu biểu cho phong cách kể chuyện hấp dẫn và đầy những biện giải, những hùng biện tư tưởng. Trong khi đó, văn chương Mỹ Latinh chất phát hơn, giọng điệu phớt lờ và dịu nhẹ hơn. Cách kể chuyện kiềm chế đầy ẩn ý của Borges, Marquez và những nhà huyền ảo xuất sắc khác, theo Peter Vail, là cách nâng quyền lợi của độc giả lên, khiến vai trò của chủ thể và khách thể văn chương ngang bằng nhau. Độc giả không được dẫn dắt, tự anh ta nhận thấy sự chông chênh trong tình thế phân vân lưỡng lự của mình. [Điệu tango phương Nam, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 1 - 1999] [92]
Thủ pháp hiện đại của Mỹ Latinh tiệm cận với thành tựu văn chương thế giới. Kiểu đọc thưởng thức theo lối đồng cảm, đồng tình với tác giả đã không còn nữa. Kịch phi lý, tiểu thuyết mới, truyện ngắn hiện thực huyền ảo đều đòi hỏi một cách đọc trí tuệ và chủ động. Sự thản nhiên của truyện ngắn Mỹ Latinh góp vào sứ mệnh nâng tầm đón đợi ở độc giả, trao cho họ niềm hạnh phúc được tham gia vào câu chuyện.
Giọng điệu nhẹ tênh, không “thề thốt” cũng không “cam kết” này còn là một đặc điểm của văn chương thế kỉ XX, giao thoa giữa tinh thần hiện đại và hậu hiện đại. Nói như Italo Calvino, cuộc đời vốn đã trĩu nặng, giọng điệu thản nhiên lại mang đến một nhiệt hứng mới, một đặc tính nhẹ cho văn chương thế kỉ mới, như là cách phản ứng lại tính nặng của cuộc đời.