Những kết quả, thành công
Từ năm 2008 đến nay, dưới tác động của nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập sâu rộng với quốc tế, đặc biệt năm 2008 suy thoái và lạm phát tăng cao, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khối gặp không ít khó khăn, song được sự quan tâm chỉ đạo của Ban thường vụ Đảng uỷ khối Doanh nghiệp tỉnh, Ban thường vụ tỉnh Đoàn Tuyên Quang, tập thể cán bộ ĐVTN Đoàn khối đã nỗ lực phấn đấu, đoàn kết vượt qua khó khăn thử thách giành được nhiều kết quả, bảo đảm cả về bề rộng và chiều sâu trên các mặt hoạt động.
Các cơ sở Đoàn đã phối hợp với cấp uỷ, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phổ biến tới từng ĐVTN các chỉ thị nghị quyết của Đảng và của Đoàn cấp trên, trang bị cho ĐVTN những kiến thức về pháp luật nhất là luật lao động, luật doanh nghiệp, quy định, nội quy công ty, những kỹ năng sống, phương pháp phòng tránh tai tệ nạn xã hội… Qua đó nhận thức, ý thức tự giác của đoàn viên
ngày càng được nâng cao. Đoàn viên thanh niên các doanh nghiệp đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”:
Được nghiên cứu nhiều chuyên san, chuyên đề, sách báo về Hồ Chủ tịch, được tham gia nhiều hội thi tìm hiểu về các vị tiền bối cách mạng, về quê hương, đất nước, từ đó khơi dậy trong mỗi ĐVTN tình yêu Tổ Quốc, lý tưởng sống cao đẹp, nâng cao ý thức trong việc xây dựng và thực hiện “Văn hóa doanh nghiệp”.
Các cơ sở Đoàn trong khối đã thực hiện tốt phong trào “Xung kích phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân lập nghiệp” mà cụ thể là số lượng, chất lượng các công trình thanh niên phần việc thanh năm sau cao hơn năm trước, tại một số diễn đàn thanh niên quan trọng của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn, Đoàn khối Doanh nghiệp đều vinh dự có đại biểu tham dự.
Tuy sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn nhưng với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, công tác đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện của Đoàn khối Doanh nghiệp vẫn được thực hiện tốt, tổng số tiền quyên góp ủng hộ các quỹ từ thiện tại chính các doanh nghệp và ủng hộ các hoạt động tập trung của Đoàn khối lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó, ĐVTN đã được nâng cao ý thức trách nhiệm trong cuộc sống và với cộng đồng xã hội. Các hoạt động văn hoá, thể thao được duy trì thường xuyên tạo khí thế thi đua sôi nổi trong đoàn viên thanh niên, tạo sân chơi bổ ích, môi trường sống lành mạnh, góp phần tích cực vào việc hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng luôn được các cơ sở Đoàn quan tâm thường xuyên bằng các hoạt động thiết thực: tặng quà, liên hoan văn nghệ nhân các ngày lễ, tết của thiếu nhi. Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban thường vụ Đoàn khối đặc biệt chú trọng công tác xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh, mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên, tích cực tham gia xây dựng
Đảng và chính quyền nhân dân nên kết quả thi đua từ năm 2008 đến nay không có cơ sở Đoàn và đoàn viên yếu kém, có 50% Bí thư Đoàn cơ sở giữ chức vụ từ Trưởng phòng ban trở lên trong các doanh nghiệp. Ban thường vụ Đoàn khối luôn tìm và nghiên cứu, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức hoạt động qua đó từng bước nâng cao chất lượng tham mưu, chỉ đạo của Đoàn.
Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Đoàn và PTTN các cơ sở Đoàn trong khối từ năm 2008 đến nay vẫn còn những hạn chế trong chỉ đạo cũng như trong việc triển khai thực hiện chương trình công tác:
Thứ nhất, hoạt động Đoàn ở một số cơ sở chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ của doanh nghiệp, việc tổ chức sinh hoạt không đều do nội dung, hình thức còn đơn điệu chưa hấp dẫn, ít bàn bạc thảo luận đến những vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống đoàn viên thanh niên. Cán bộ Đoàn chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên thanh niên để phản ánh và đề xuất với cấp uỷ đảng và lãnh đạo đơn vị giải quyết. Công tác tập hợp đoàn kết thanh niên cũng như việc triển khai các phong trào hoạt động tại cơ sở chưa kịp thời, chưa động viên được đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia. Một bộ phận đoàn viên thanh niên ít quan tâm đến hoạt động Đoàn và có thái độ thờ ơ với các hoạt động tập thể.
Thứ hai, công tác tuyên truyền giáo dục của một số cơ sở chưa được coi trọng đúng mức, nội dung chưa thiết thực và bảo đảm tính định hướng tư tưởng, hấp dẫn đoàn viên thanh niên. Việc quán triệt Nghị quyết, văn bản của cấp trên chưa được phổ biến rộng rãi đến đoàn viên thanh niên. Ban chấp hành Đoàn ở một số cơ sở, nhất là người đứng đầu còn thiếu năng động, chưa tham mưu kịp thời cho cấp uỷ đảng và lãnh đạo đơn vị các chương trình hoạt động của Đoàn. Nhiều đoàn viên, thanh niên, người lao động chưa nắm chắc pháp luật và các quy định của doanh nghiệp do đó chưa thực hiện đầy đủ việc làm chủ cả về
nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Việc tổ chức Đại hội cơ sở ở một số đơn vị còn chậm so với kế hoạch.
Thứ ba, một số cơ sở Đoàn từ cán bộ Đoàn đến đoàn viên thanh niên đều chưa nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn trong việc tập hợp, huy động lực lượng giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm phục vụ chính lợi ích của đoàn viên thanh niên.
Nguyên nhân hạn chế
- Nguyên nhân khách quan:
Một là, nền kinh tế, tài chính thế giới và trong nước ngày càng có nhiều chuyển biến mau chóng, phức tạp, do vậy các doanh nghiệp phải thường xuyên có sự điều chỉnh cơ chế, chiến lược kinh doanh để theo kịp sự chuyển biến đó dẫn đến việc kiện toàn tổ chức, quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo tạo nguồn bổ sung cho đội ngũ cán bộ đoàn thể chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến hiệu quả hoạt động Đoàn chưa cao, thiếu tính ổn định.
Hai là, tác động trái chiều của kinh tế thị trường đã làm gia tăng sức ép lên cộng đồng nói chung và người lao động nói riêng, làm thay đổi một số chuẩn mực đạo đức, giá trị vật chất được đề cao quá mức, nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh và sự ngộ nhận về lối sống hiện đại đã khiến không ít ĐVTN hoặc sống buông thả, thích hưởng thụ, không có ý thức và lý tưởng phấn đấu, hoặc quá chú trọng việc làm ăn kinh tế khiến họ không còn thời gian dành cho các công việc tập thể, nếu có thì cũng qua loa hình thức, một số không quan tâm đến cộng đồng xã hội và không muốn tham gia các hoạt động đoàn thể hoặc có nhận thức chưa thực sự sâu sắc và đầy đủ về vai trò của Đoàn, thậm chí phủ nhận vai trò đoàn kết, tập hợp và giáo dục của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Mặt khác, tệ nạn tham nhũng, cửa quyền của một số cán bộ, đảng viên, sự yếu kém trong quản lý Nhà Nước ở
một số nơi đã làm giảm lòng tin của một bộ phận ĐVTN vào Đảng, Nhà nước khiến họ không gắn bó với các hoạt động Đoàn thể.
Ba là, thời đại công nghệ thông tin phát triển vượt bậc đem đến cho ĐVTN cơ hội tiếp cận với thông tin đa dạng về nguồn, phong phú về nội dung và hình thức với nhiều mục đích khác nhau, điều đó góp phần nâng cao hiểu biết, kỹ năng học hỏi cho thế hệ trẻ, song hệ luỵ của nó là khiến cho một số ĐVTN đôi khi không biết phân biệt, sàng lọc, tiếp cận nên tiếp thu tất cả mọi thông tin kể cả thông tin của các thế lực thù địch, chống phá cách mạng, do đó suy nghĩ và nhận thức của họ bị xáo trộn, họ không xác định rõ mục tiêu sống và phấn đấu, họ hoài nghi lịch sử, phủ nhận công lao ông cha, và đương nhiên không coi trọng tổ chức Đoàn, không muốn tham gia các hoạt động của Đoàn.
- Nguyên nhân chủ quan:
Thứ nhất, một số cấp uỷ đảng và lãnh đạo doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới thanh niên và công tác thanh niên, lãnh đạo chỉ đạo thiếu thường xuyên, sâu sát, nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, thiếu quyết tâm và các biện pháp cụ thể trong khi đó cán bộ Đoàn cơ sở là kiêm nhiệm, không có điều kiện đầu tư nhiều thời gian công sức cho hoạt động Đoàn, năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ làm công tác lãnh đạo Đoàn cơ sở còn hạn chế, do vậy hoạt động Đoàn tại doanh nghiệp bị mờ nhạt.
Thứ hai, các cấp bộ Đoàn chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn hoạt động công tác Đoàn và phong trào thanh niên trong các loại hình doanh nghiệp, do đó hạn chế quá trình đổi mới phương thức hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên trong doanh nghiệp.
Thứ ba, về cán bộ Đoàn khối: Lực lượng quá mỏng (chỉ có 2 cán bộ chuyên trách) để đảm bảo triển khai và quản lý các hoạt động của 53 tổ chức cơ sở Đoàn với gần 3.000 ĐVTN trong khối Doanh nghiệp, các doanh nghiệp
không tập trung, đóng trên các huyện, thành phố của tỉnh, vì thế ít có điều kiện đi sâu, đi sát cơ sở, cùng với cơ sở tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cũng như trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ và khảo sát, phát triển tổ chức.
Thứ tư, kinh phí hoạt động của Đoàn khối: Hiện nay ngân sách Nhà nước cấp cho việc tổ chức các hoạt động trong năm còn hạn hẹp đã hạn chế đến việc tổ chức các hoạt động phong trào.