Ở Việt Nam, công sản được quan niệm là tài sản công- tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Điều 17 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 quy định :”đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, nguồn lợi ở vùng biển, thềm lục địa và vùng trời, phần vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào các xí nghiệp, công trình thuộc các ngành và lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật, ngoại giao, quốc phòng, an ninh cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước đều thuộc sở hữu toàn dân”.
Các cơ quan nhà nước, các tổ chức cũng như mọi công dân Việt Nam đều có quyền và nghĩa vụ quản lý, bảo vệ công sản theo đúng chế độ do Nhà nước quy định. Mọi sự vi phạm vào tài sản công đều phạm tội xâm phạm tài sản quốc gia, tài sản xã hội chủ nghĩa.
Công sản bao gồm tất cả các tài sản (động sản và bất động sản) thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý để sử dụng vào mục đích phục vụ lợi ích của Nhà nước , lợi ích của toàn dân.
Công sản có những đặc trưng chủ yếu sau đây:
- Về sở hữu, công sản là tài sản thuộc sở hữu toàn dân mà Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu.
- Về mục đích sử dụng, công sản được sử dụng vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân.
- Về chế độ quản lý, công sản được quản lý theo quy định của Nhà nước. Ở tầm vĩ mô, công sản được quản lý thống nhất theo pháp luật của Nhà nước.
Về quản lý sử dụng (quản lý vĩ mô) công sản được Nhà nước giao cho các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân quản lý sử dụng có thời hạn theo chế độ của Nhà nước.
Mọi sự nhượng, bán, cho thuê,…công sản đều phải đúng quy định của pháp luật.