Báo Nhân Dân là cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản Việt Nam, là diễn đàn của nhân dân. Vì vậy, đội ngũ phóng viên luôn là người có ý thức trách nhiệm cao đối với các vấn đề chính trị, vấn đề quản lý xã hội. Đối với công việc, họ luôn nhiệt tình, năng động, sáng tạo, sẵn sàng đi lấy tin bài, lấy ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Bên cạnh đó, nhà báo không ngừng trau dồi kiến thức bản thân về chính trị, tư tưởng, văn hóa, chủ động tìm tài liệu, bồi dưỡng nghiệp vụ đồng thời gần gũi với nhân dân để tìm hiểu, đi sâu vào khai thác đời sống xã hội nhằm thể hiện nó trên các trang báo một cách tỉ mỉ, cụ thể, trau chuốt nhất.
Một vài khó khăn trong việc thực hiện quản lý xã hội của Báo Nhân Dân
Khó khăn đầu tiên đó là việc phân bố, cung cấp thông tin cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn rất hạn chế. Ở một số dân tộc và vùng xa còn nhiều người dân chưa biết chưa, và chưa tiếp xúc quen với báo chí. Hơn thế, ở những vùng như vậy, báo chí có phát hành cũng được ít người mua và đón đọc. Người dân vùng thiểu số vì thế lại càng ít cơ hội được tiếp xúc với thông tin, chính sách quản lý của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai, báo in hiện nay đang có xu hướng giảm dần và thay vào đó là báo mạng điện tử và truyền hình là phổ biến. Do đó, việc mua và tìm đọc báo
của người dân cũng giảm dần. Thông tin trên báo in khá hạn chế, tin bài chỉ cập nhật trong ngày hôm trước qua các khâu, các bước và đến với công chúng trong ngày hôm sau. Tin bài phải dàn trải cho nhiều phần và lĩnh vực nên có nhiều bài báo chưa thực sự sâu sắc, tỉ mỉ. Nhiều tin cần cập nhật ngay đến nhân dân thì cần qua duyệt bài mới đăng tin, nhiều khi không phản ánh kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. Đây có thể nói là một trong những khó khăn mà báo in nói chung đều phải đối mặt, không chỉ với Báo Nhân Dân.
Một số giải pháp nâng cao chức năng quản lý xã hội của Báo Nhân Dân và báo chí Việt Nam nói chung
Gần 66 năm tồn tại và phát triển, Báo Nhân Dân luôn thể hiện tốt vai trò là cơ quan ngôn luận của Đảng, đã đạt được những hiệu quả nhất định trong công tác tuyên truyền. Trong quá trình ấy, tờ báo đã gặp nhiều thuận lợi cũng như không ít khó khăn. Những thuận lợi vẫn đang đợi phát huy, đồng thời cũng không ngừng khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng tác phẩm và hiệu quả quản lý xã hội của mình. Cùng với Báo Nhân Dân, hệ thống báo chí của Việt Nam cũng có thực trạng chung và cần có giải pháp cụ thể để hoàn thiện hơn nữa và nâng cao hiệu quả quản lý xã hội của nền báo chí Việt. Các tờ báo của Việt Nam nói chung cùng với Báo Nhân Dân cùng phải nỗ lực không ngừng, khắc phục khó khăn thông qua một số giải pháp nhất định.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đầu tiên là ở đội ngũ ban lãnh đạo, người lãnh đạo phải là người gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Phối hợp chặt chẽ với các cấp, ban ngành, công đoàn và nhân dân để xây dựng quy chế quản lý, điều hành hoạt động đơn vị cụ thể tổ chức phát động phong trào thi đua trong toàn bộ công nhân viên chức. Đồng thời, người lãnh đạo – tổng biên tập của báo cũng phải là người có quan hệ ngoại giao tốt để giúp cho tờ báo ngày càng liên kết, mở rộng phạm vi tác động, ảnh hưởng. Còn đối với đội ngũ cán bộ phóng viên, tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo
chuyên sâu, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nội dung và khai thác có hiệu quả trang thiết bị phục vụ tác nghiệp, tạo nguồn cán bộ cho tương lai. Bản thân mỗi cán bộ phóng viên phải học hỏi nâng cao trình độ của bản thân để có thể đóng góp những tác phẩm báo chí có giá trị thiết thực nhất đến với công chúng xã hội. Hiệu quả của hoạt động quản lý phụ thuộc vào khả năng của chủ thể quản lý trong việc thu thập thông tin (bao gồm cả thông tin về thực trạng tình hình của đối tượng quản lý và có thông tin gây nhiễu), xử lý thông tin (tiếp thu những tác động có lợi, loại bỏ các tác động có hại để soạn thảo và đề ra các biện pháp phù hợp để tổ chức thực hiện các quyết định quản lý. Vì thế để hoạt động này đạt hiệu quả thì đòi hỏi các nhà báo phải biết nắm bắt tình hình, phân tích dòng thông tin một cách nhanh nhạy, chính xác để đưa ra các tác phẩm hay, phù hợp với tờ báo.
Thứ hai, cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao nội dung và chất lượng tác phẩm. Chất lượng về chữ in, giấy in, màu in cần được trú trọng và in to, rõ nét, dễ đọc hơn. Nội dung các bài viết phản ánh cũng nên được trú trọng viết đầy đủ, rõ ràng và tỉ mỉ. Để từ đó, không chỉ người dân đọc có thể hiểu được mà khi đưa ý kiến lên các cấp trên, Đảng, Nhà nước sẽ dễ dàng hiểu được ý kiến, nguyện vọng của dân mình.
Thứ ba, tăng cường vai trò của Đảng, các cấp ủy, ban ngành. Báo chí là cây cầu nối giữa Đảng và nhân dân còn Đảng, Nhà nước mới giữ vai trò quan trọng nhất trong việc quản lý xã hội. Vì vây, các cấp ủy Đảng cần tăng cường sự quan tâm và hỗ trợ cho tờ báo không chỉ còn là trung gian cho quá trình quản lý mà còn đáp ứng tích cực yêu cầu quản lý xã hội trên toàn quốc.
Thứ tư, nâng cao đời sống cán bộ, phóng viên, biên tập viên. Cần có chế độ đãi ngộ và bồi dưỡng phù hợp cho cán bộ phóng viên, biên tập viên, nhà báo. Điều này không những làm tăng số lượng tin bài mà còn làm tăng tính sáng tạo trong cách viết cũng như sự tìm kiếm thông tin, đề tài mới trong đời sống, từ đó giúp tờ báo tham gia tốt hơn công tác quản lý xã hội của mình.
Nói tóm lại, sau khi tiến hành khảo sát thực tế thông qua 15 số báo in của Báo Nhân Dân, thì chúng ta đã có cái nhìn rõ ràng hơn về việc thực hiện chức năng tham gia quản lý xã hội của báo chí ở Việt Nam nói chung. Những khó khăn, hạn chế và cả ưu điểm mà Báo Nhân Dân đạt được cũng là những yếu tố mà các tờ báo khác trong hệ thống báo chí Việt Nam đang đối mặt và thực hiện. Báo Nhân Dân có lợi thế là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước ta, nên vấn đề thực hiện quản lý xã hội khá tốt và chặt chẽ, thông qua các quyết định quản lý của Nhà nước sớm và hiệu quả nhất đến với nhân dân. Những tờ báo khác như Báo Tiền phong, Báo Thanh niên, Hà Nội mới,… cũng rất tích cực trong việc tham gia quản lý xã hội, đưa đến bạn đọc dòng thông tin hai chiều một cách hợp lý nhất. Không những vậy, các tờ báo trong hệ thống báo chí Việt Nam đều đã liên kết với nhau, thông tin được phủ sóng và hoàn thiện để đưa đến công chúng, phục vụ cho việc quản lý xã hội dễ dàng hơn, đưa xã hội và cả hệ thống báo chí đến một mục tiêu, định hướng chung mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra, định hướng xã hội chủ nghĩa, “của dân, do dân, vì dân”.
Những khó khăn được nêu ra ở trên không chỉ với Báo Nhân Dân mà còn là với báo chí nói chung. Vì vậy, biện pháp khắc phục cũng là một phần quan trọng và tương đối chính xác với các tờ báo trong cả hệ thống báo chí nước ta. Các cơ quan báo chí trong nền báo chí Việt vì thế đều cần nỗ lực không ngừng, cùng nhau đi lên, đưa ra các biện pháp giải quyết tối ưu giải quyết các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức để tiến đến nền báo chí văn minh, tiến bộ hơn.
Báo chí có phát triển đúng định hướng thì mới trở thành “quyền lực thứ tư”, đảm bảo quản lý xã hội một cách tốt nhất. Và từ đó, không chỉ quản lý mà còn giám sát, định hướng cho xã hội, toàn thể người dân trong cộng đồng xã hội đó ý thức được sự phát triển của xã hội mình.
C – KẾT LUẬN
Trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tập trung xây dựng đất nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh. Cùng với quá trình này, báo chí nói chung và Báo Nhân Dân nói riêng đã không ngừng đóng góp sức mình vào tuyên truyền các đường lối, chính sách mới của Đảng vào cuộc sống để từng bước thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, góp phần chống các tệ nạn xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Báo Nhân Dân không chỉ là nơi cung cấp thông tin mà còn là địa chỉ tin cậy để công chúng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đến với các cấp ủy Đảng.
Quản lý xã hội cũng là một trong những chức năng trọng tâm đưa Báo Nhân Dân trở thành cơ quan ngôn luận chính, đáng tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bằng các phương thức riêng, tờ báo đã thể hiện mình là kênh thông tin tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách tốt và đóng vai trò tich cực trong việc ổn định, định hướng chính trị trong nước, cho toàn xã hội.
Báo chí nói chung và báo Nhân Dân nói riêng sẽ không ngừng hoàn thiện và luôn giữ vai trò là cầu nối, trung gian giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân mình để ổn định chính trị và quản lý xã hội một cách tốt nhất, đưa Việt Nam trở thành một đất nước giàu mạnh, tiên tiến, văn minh, là đất nước mà bao đời nay cha ông ta đã dày công gây dựng.