Tuyến ức (thymus)

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự phát triển cơ quan lympho của cá tra pangasianodon hypophthalmus từ 1 đến 30 ngày tuổi (Trang 31 - 33)

Theo nhận định của Lagler et al năm1962, thì tuyến ức là cơ quan quan trọng của cá con. Tiếp đó Patt & Patt, 1969 có một nhận định thêm, tuyến ức là cơ quan nội tiết nhưng chức năng quan trọng phổ biến được nhận biết là nó giữ vai trò trong hệ thống đáp ứng miễn dịch (Trích dẫn từ Chinabut et al, 1991). Từ nhận định đó, nghiên cứu tuyến ức trên đối tượng cá tra được thực hiện và trên các lát cắt đã phát hiện tuyến ức đầu tiên ở cá 9 ngày tuổi nằm ở mặt lưng của khoang bụng gần thận trước được bao bọc bởi mô liên kết. Lúc này tuyến ức không có hình dạng đặc trưng do chưa hình thành rìa bao ngoài cơ quan, chỉ như một đám tế bào tập trung (Hình 4.4.A).

Ở giai đoạn cá 10 ngày tuổi, tuyến ức vẫn nằm ở vị trí nguyên thuỷ của nó ở khoang mang, nằm sát với xoang thính giác và các lá mang. Tuyến ức đã bắt đầu có dạng hình túi. Về kích thước, tuyến ức đã lớn hơn so với giai đoạn cá 9 ngày tuổi. Điểm khác biệt chủ yếu của giai đoạn này so với giai đoạn cá 9 ngày tuổi là nó đã có sự xuất hiện của các tế bào lớn bắt mầu đậm hay còn gọi là tế bào lympho (Hình 4.4.B).

Khác với giai đoạn cá 9 ngày tuổi và 10 ngày tuổi, tuyến ức ở cá 11 ngày tuổi này có sự tăng lên đáng kể về kích thước. Nó phình ra hình thành dạng túi đặc trưng. Các lát cắt qua tuyến ức cho thấy sự tăng lên đáng kể số lượng các tế bào tuyến ức đặc biệt là các tế bào lympho (Hình 4.4.C).

Điểm khác biệt của giai đoạn này so với các giai đoạn cá 9 và 10 ngày tuổi là tuyến ức đã có sự phân vùng về mặt mô học. Có thể thấy khá rõ vùng tuỷ và vùng vỏ của tuyến ức. Trong vỏ có sự tập trung dày đặc của các tế bào lympho bắt mầu đậm. Trong tất cả các lát cắt không thấy sự tồn tại của một màng ngăn cách giữa tuỷ và vỏ như ở động vật có xương sống bậc cao. Tuy vậy sự thiếu hụt này là một đặc điểm cố định ở hầu hết các loài cá xương, nó không phản ánh sự chưa hoàn thiện về chức năng. Theo Bowden và ctv (2005) thì đến đấy tuyến ức đã hoàn thành sự phát triển của nó. Trong tuyến ức ở giai đoạn này còn nhận thấy khá nhiều tế bào lạ. Các nghiên cứu sâu hơn với sự trợ giúp của kính hiển vi điện tử là cần thiết để xác định rõ các loại tế bào này.

Như vậy trên mẫu thu được, không tìm thấy tuyến ức ở cá từ 1 ngày tuổi đến 5 ngày tuổi. Tuyến ức đầu tiên được ghi nhận ở cá 9 ngày tuổi sau đó tiếp tục xuất hiện trong các mẫu cá có tuổi lớn hơn. Thêm vào đó, cũng nhận thấy rằng ở giai đoạn 12 ngày tuổi (Hình 4.4.D) đều đã có tuyến ức chứa đầy các lympho bào

Khi so sánh với một vài loài khác ta cũng thấy một vài điều thú vị. Cá mandarin, một loài cá phân bố ở phía trên Anh gần Na-uy, hoàn thiện tuyến ức vào 23 ngày sau khi nở. Watts et al., (2003) thì báo cáo rằng ở trên cá ngừ vây vàng (Thunnus orientalis), một loài cá vùng ôn đới, có thể phân biệt được vùng trong và vùng ngoài khoảng 15 ngày sau khi nở. Như vậy là so với các loài cá khác, sự hình thành và phát triển của tuyến ức của cá tra diễn ra sớm hơn.

Hình 4.4: Tuyến ức cá của tra qua các giai đoạn (H&E)

A: tuyến ức cá 9 ngày tuổi chỉ là đám tế bào đặc trưng X 40 B: tuyến ức cá 10 ngày tuổi xuất hiện các tế bào lynpho X 20 C: Tuyến ức cá 11 ngày tuổi kích thước tăng lên và phình ra

trong khoang mang X 40

D: cấu trúc tuyến ức cá 12 ngày tuổi chứa đầy các tế bào lympho X 160

A B

Một phần của tài liệu nghiên cứu sự phát triển cơ quan lympho của cá tra pangasianodon hypophthalmus từ 1 đến 30 ngày tuổi (Trang 31 - 33)