Đi “khám” bác sĩ

Một phần của tài liệu Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (Trang 55 - 63)

Chắc chưa có thứ ngôn ngữ nào kỳ cục mà dễ thương như tiếng nước ta. “Đi khám bác sĩ” là lời chúng ta vẫn thường dùng để chỉ một người đến nhờ bác sĩ khám bệnh và điều trị! Vậy đi khám bác sĩ không phải là đi khám… bác sĩ mà là nhờ bác sĩ khám!

Tôi biết các em không em nào muốn thấy mặt bác sĩ cả! Có nhiều em phải bắt buộc lắm mới đi khám bác sĩ. Đến phòng khám hay đến nhà thương là cả một cực hình! Trông ông hay bà bác sĩ “đạo mạo”.(!) với áo blouse trắng, với kính cận, với ống nghe tòn ten trên cổ là thấy ghê, thấy ghét! Bởi lẽ các em sẽ bị bắt cởi bỏ quần áo, bị hỏi những câu bực mình, bị ngắm nhìn, bị cân, đo… Chưa hết, em còn bị đè ra chích thuốc đau điếng, và sau cùng bị bắt uống các thứ thuốc đắng dễ sợ, bị bắt kiêng cữ đủ thứ v.v… Đó là chưa nói đến cái khung cảnh lạ và khó thương ở phòng khám, ở dưỡng đường: tiếng trẻ la khóc, tiếng ho, ụa mửa; mùi alcool, éther, mùi thuốc nồng nặc.

Cho nên em nào có kinh nghiệm đi khám bác sĩ hay đi làm răng đều “kinh hồn” táng đởm khóc ré lên khi bị xô đẩy hay bị “gạt gẫm” dẫn tới phòng khám. Dù bác sĩ có tươi cười đi nữa thì cũng không đủ thì giờ giải tỏa hết những âu lo của em lúc em bước vào phòng khám. Các bậc cha mẹ đôi khi còn đem ông bác sĩ ra làm “ông kẹ” doạ em nữa! Đôi khi lợi dụng quá đáng “danh nghĩa” của ông bác sĩ để bắt em cữ món này, kiêng món nọ.

Ở cấp I và vài năm đầu cấp II em thường được cha mẹ đưa đi bác sĩ. Những năm cấp III, em đã ý thức, có thể tự ý đi bác sĩ. Nhưng tôi chắc chưa bao giờ em đến “khám” bác sĩ mà không sợ hãi, lo lắng, dù ở tuổi nào. Không kể trường hợp em bị đẩy vào phòng tối “rọi kính” hay bị lấy máu thử nghiệm v.v… Cũng có khi em ngại đến bác sĩ vì sợ ông ấy gieo cho em cái mặc cảm bệnh tật: kiểu bói ra ma quét nhà ra rác…

Tương quan giữa bác sĩ và bệnh nhân là một tương quan rất phức tạp. Người bệnh nào hình như cũng có một “mặc cảm” nào đó đối với bác sĩ. Sự liên hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân được đặt trong niềm tin tưởng nơi bệnh nhân, giữ được sự nể vì của họ, cùng lúc có thể thân mật gần gũi với họ.

Chính vì thế, nhiều trường hợp bác sĩ chữa bệnh cho người nhà không lành (vì sự quen biết thân mật đến khinh lờn). Vấn đề đó là cả một nghệ thuật, do tài năng, cá tính, kinh nghiệm của bác sĩ. Ở đây tôi chỉ viết về những vấn đề thực tế hơn.

Lúc nào thì phải đi “khám bác sĩ”?

Ta có quá nhiều hệ thống chữa bệnh khác nhau: đông y, tây y, thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc gia truyền và rất nhiều những “thầy thuốc chữa bệnh” bất thường khác với những dị đoan, mê tín, như thầy bùa, ngải, lễ, cắt, đốt, thầy nước lạnh, thầy rờ, thầy mò v.v…

Vì thế mà nhiều trường hợp tới nước chót mới đến bác sĩ sau khi đã chạy đủ thầy, đủ thuốc chẳng xong. Nhiều trường hợp trúng độc vì những phương pháp ngoại khoa: cắt, lễ bừa bãi có thể bị phong đòn gánh, nhiều trẻ em trúng độc vì uống xái thuốc phiện, tam xà đởm… gần đây còn có thể bị truyền bệnh Sida, viêm gan siêu vi B.

Có thể phân biệt 3 loại bệnh nhân: loại thứ nhất chữa theo lối dị đoan, mê tín, bùa ngải (phần nhiều thất học); loại thứ hai: đông y và thầy thuốc gia truyền, loại thứ 3: tây y.

Tôi chỉ nói với em ở đây về loại thứ 3. Ngay trong số bệnh nhân được chữa trị theo tây y này, không phải lúc nào học có bệnh cũng đi bác sĩ cả đâu. Vì nhiều lý do: ở thôn quê hẻo lánh, không có bác sĩ; gia đình nghèo không đủ tiền đi bác sĩ và mua thuốc men… Thường thường, khi mắc bệnh nào đó như nóng sốt, lạnh run, ói mửa, đau nhức, người bệnh ra tiệm thúôc tây gần nhà để khai bệnh và mua thuốc! Người bán thuốc sẽ căn cứ vào chứng bệnh mà lựa thuốc bán. Đôi khi họ cũng dặn dò cách thức uống như thế nào. Chuyện này không phải xảy ra ở các nơi xa xôi,

mà ở ngay thành phố cũng thế. Tôi đã từng trông thấy người bán thuốc (không phải dược sĩ) đã bán thuốc theo lời khai bệnh. Như vậy họ đã làm công việc của bác sĩ điều trị màk hông có sự chẩn đoán chính xác. Gần đây, người bệnh còn theo dõi các hướng dẫn trên báo chí rồi tự ý mua thuốc chữa. Kiểu khám bệnh và điều trị “từ xa” này có thể gây nhiều nguy hiểm và “tiền mất” tật mang.

Tôi hy vọng em không ở trong những trường hợp vừa kể. Em sẽ đi khám bác sĩ ngay khi có những triệu chứng đầu tiên, nếu có thể được, dù là bác sĩ tư hoặc ở các bệnh viện công. Nhiều khi một triệu chứng thông thường như đau bụng, nhức đầu lại báo hiệu cho một bệnh nặng. Chẳng hạn, chứng đau ruột dư người bệnh có thể chỉ đau sơ sơ, sốt sơ sơ, chích một mũi atropine hoặc morphine có thể làm dịu ngay cơn đau, nhưng sau đó là những biến chứng nguy hiểm không lường được. Nhiều khi một triệu chứng này là của một bệnh khác, chẳng hạn, chảy máu cam có thể là triệu chứng đầu tiên của bệnh thương hàn hay sốt xuất huyết, tiêu chảy đôi khi có nguyên nhân ở bệnh thối lỗ tai, ho dai dẳng đôi khi do sán lãi… Bệnh mới bắt đầu dễ chữa hơn là bệnh đã lâu.

Nếu em ở một nơi chỉ có một bác sĩ thì chuyện đã hiển nhiên và không có một chút phân vân nào cả, khi có bệnh em sẽ đến vị bác sĩ đó. Nhưng tại các thành phố, đô thị lớn, thường có nhiều bác sĩ, việc chọn lựa một bác sĩ đôi khi khiến em và gia đình em phân vân không ít. Tại các nước tiên tiến, mỗi gia đình gần như đều có một “bác sĩ riêng”. Vị bác sĩ này biết rõ mọi người, mọi bệnh tật của mỗi người trong gia đình. Ông có thể là cố vấn của gia đình về mọi trường hợp trong phạm vì sức khoẻ, đôi khi còn ở cả phạm vi khác. ở nước ta chưa có được như thế. Tuy nhiên, em và gia đình nên chọn một bác sĩ nào đó, gần nhà càng tốt, có thể tin cậy và thích hợp với gia đình em. Tuy không hẳn là có một “bác sĩ riêng” của gia đình, nhưng nếu cả nhà quen đi khám ở một bác sĩ, bác sĩ đó sẽ có hồ sơ y bạ cho mỗi người trong gia đình, như vậy sẽ dễ dàng cho việc điều trị và theo dõi bệnh. Sự thân mật, tin cậy nhờ đó cũng sẽ nảy sinh giữa bác sĩ và bệnh nhân. Sự chọn lựa tùy ở mỗi gia đình, nhưng thường là do người khác giới thiệu “ông bác sĩ này hay”, “bà bác sĩ nọ mát tay”… Một khi đã chọn vị bác sĩ nào rồi thì nên đặt lòng tin nơi vị đó. ít ra cũng nên có địa chỉ của vài bác sĩ trong lúc chưa có bệnh tật hay tai nạn xảy ra. Đừng để lúc có bệnh nặng hoặc gặp tai nạn bất ngờ rồi mới chạy đến bất cứ bác sĩ nào.

Ngày nay học càng ngày càng tiến bộ, các ngành y khoa càng phát triển chi li, người bác sĩ không thể nào quán xuyến tất cả mọi ngành mà thường phải đi chuyên khoa về một ngành thôi. Tuy nhiên, cũng có những bác sĩ tổng quát, những bác sĩ này sẽ chưa các bệnh thông thường, tổng quát và sẽ là người hướng dẫn cho ta nếu cần đi khám chuyên khoa ở một bác sĩ nào khác. Điều này rất quan trọng, vì ta không thể biết bác sĩ nào chuyên khoa và thực sự có khả năng chuyên môn. Theo tôi, em sẽ đi bác sĩ chuyên khoa theo sự giới thiệu này mà thôi thì mới có ích cho em.

Tôi chỉ có thể khuyên em là nên có một bác sĩ quen biết, khi có bệnh tật gì thì đến ông ấy, cần cố vấn điều gì thì đến ông ấy và nếu cần đi khám chuyên khoa, ông ấy sẽ giới thiệu. Điều quan trọng là một khi em đã chọn một vị bác sĩ nào rồi thì nên hết lòng tin cậy ở ông ấy. Nội cái yếu tố tin cậy đó cũng đủ giúp em nhẹ được phân nửa bệnh rồi.

Con người là một sinh vật kỳ dị! Nhiều khi chỉ cần khen một câu mà đứa học dở trở thành giỏi, nhiều khi chỉ cần nghe “không sao đâu” của ông bác sĩ nói mà bệnh biến mất; nhiều khi chỉ cần ai đó khen lúc này anh (chị) trông khỏe hẳn ra và mập lên, thế là hắn khỏe ra và mập lên thực; hoặc có khi nói “sao anh (chị) ống, xanh thế?” vậy là nó ốm xanh, cảm thấy bệnh ngay! Nếu bảo em rửa chén, quét nhà em thấy nhức đầu, uể oải, bệnh sắp tới nơi, nhưng nghe bạn kêu đi thả

diều, đánh cầu lông thì mọi bệnh tiêu tan hết! Chính vì cái yếu tố tâm lý quan trọng như thế mà người bệnh còn cần bác sĩ, còn đến bác sĩ. Một vấn đề nữa có lẽ cũng nên nói ở đây, đó là khám nam bác sĩ hay nữ bác sĩ? Y học hình như thích hợp với phái nữ hơn, vì nó đòi hỏi tính nhẫn nại, hy sinh, sự khéo léo trong việc săn sóc bệnh, cho nên hầu hết y tá và điều dưỡng là phái nữ. Cũng vì thế có nhiều trường hợp có những “mặc cảm” kỳ dị. Nhiều nữ bác sĩ trẻ than phiền bệnh nhân không tin cậy họ “có bác sĩ ở nhà không cô?” dù cô bác sĩ đang ngồi trước mặt! Nam bác sĩ hình như được lợi thế và có “uy” hơn.

Theo ý tôi, các em nữ sinh nhiều e thẹn và nhất là có những bệnh thuộc phái nữ thì nên đến thăm các nữ bác sĩ, vì dầu sao cũng tránh được ít nhiều bẽn lẽn như khi đi khám ở một nam bác sĩ. Dĩ nhiên điều này không tuyệt đối, những nam bác sĩ đã được sự tin cậy của gia đình từ lâu cũng không làm cho em khó chịu. Trên thực tế ngay cả các nam bác sĩ trẻ tuổi cũng không có vấn đề nào để em phải ngại cả. Người thầy thuốc học 7 năm ở trường thuốc quá quen thuộc với bệnh tật, với người bệnh và đối với họ không có điều gì đáng quan tâm về phương diện nam nữ. Trước mặt họ chỉ có người bệnh mà thôi.

Tại phòng khám

Nếu em đến khám bệnh ở một bác sĩ quen từ trước thì không có vấn đề gì phải đặt ra, bởi lẽ về phần em, nhờ sự quen biết trước đó mà không còn phải bỡ ngỡ, sợ hãi; em đã quen với khung cảnh, lề lối làm việc của “bác sĩ của em”, nên sẽ dễ dàng trả lời những câu hỏi của bác sĩ và “cộng tác” với ông ta trong việc định bệnh và chữa bệnh cho em. Tại phòng khám của ông cũng đã có hồ sơ bệnh lý của em, từ những lần khám trước. Nhờ hồ sơ đó, ông dễ dàng theo dõi bệnh em hơn và em chỉ phải nói chứng bệnh hiện tại.

Trong trường hợp em đến khám bệnh lần đầu nếu em còn nhỏ thì cha mẹ sẽ trình bày cho bác sĩ biết những triệu chứng bệnh của em và bác sĩ sẽ hỏi thêm những chi tiết cần thiết. Nhiều em trong lúc bỡ ngỡ, bối rối quên đầu quên đuôi, có khi ở nhà thì có “đủ thứ bệnh” mà đến lúc bác sĩ hỏi thì ấp úng quên hết trơn. ở nhà nói với má là đau bụng, nhức đầu, lúc bác sĩ hỏi thì cái gì cũng không có, lắc đầu lia lịa! Vì thế tôi đề nghị em nên ghi rõ ra giấy những chứng bệnh của em cần hỏi bác sĩ, cần “khai” với bác sĩ. Ghi ra giấy có cái lợi là không bị thiếu sót, lại cũng giúp nhiều cho bác sĩ thường rất ít thì giờ hỏi chi tiết.

Nhiều ông bác sĩ quá đông khách, bệnh nhân chưa kịp “khai” hết bệnh thì ông đã khám xong đừng nói gì đến chuyện hỏi han vài câu “tâm tình”. Đối với vị bác sĩ, trường hợp đó thường là bệnh nhẹ, không có gì đáng ngại, chỉ cần nhìn sơ qua cũng biết hay chỉ cần nghe nói vài triệu chứng là đã định bệnh xong. Nhưng đối với bệnh nhân thì họ không thế, họ vẫn nghĩ là bệnh họ “rất nặng” cần được chú ý đặc biệt, cần theo dõi đặc biệt, cần khám thực kỹ. Và phần đông bệnh nhân muốn khám kỹ, nghe giải thích kỹ. Nhiều người đi khám bác sĩ về còn thấy ấm ách vì chưa kịp nói, chưa kịp hỏi gì hết đã bị “đuổi” ra! Nếu là một bác sĩ quen, tin cậy, thì họ có thể chấp nhận, nhưng một bác sĩ lạ, họ không chịu dùng toa thuốc mà đi kiếm bác sĩ khác.

Theo ý tôi, để tránh những điều đáng tiếc đó, em nên ghi sẵn ra giấy những chi tiết sau đây: - Tên, tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng, lớp học.

- Con thứ mấy trong gia đình.

- Lúc sinh dễ hay khó, cân nặng bao nhiêu ký. - Địa chỉ, nghề nghiệp cha mẹ (nếu có thể).

- Những cá tính đặc biệt (dễ giận, vui tính, hay đánh lộn, hay sợ sệt v.v…). - Tiền căn (những bệnh có từ trước).

- Gia đình: cha mẹ, anh em có đau bệnh gì không? (suyễn, lao phổi, tim, ghiền, bệnh tâm thần). - Kê khai những bệnh cũ như sốt rét, thương hàn, kiết lỵ, lao phổi...

- Bệnh hiện tại khởi đầu từ ngày nào, triệu chứng chính (sốt bao nhiều độ, ho như thế nào, tiêu chảy mấy lần...), triệu chứng phụ, đã điều trị với những thuốc gì?

Bác sĩ nhìn qua sẽ nắm vững vấn đề hơn, và sẽ hỏi em thêm những chi tiết cần thiết thôi, và phần em nhờ ghi như thế, em sẽ tránh được quên điều này, sót điều kia… Có lẽ tôi nên giải thích cho em chút xíu tại sao phải hỏi han “lôi thôi” thế. Thí dụ: biết em học lớp nào, cỡ tuổi nào sẽ cho bác sĩ một ý niệm về khả năng tinh thần của em; sức nặng chiều cao cho biết sự phát triển thể chất (nếu là gái nên ghi tuổi có kinh, đặc tính kinh: thời gian, màu sắc…); chẳng hạn con thứ mấy? tính nết đặc biệt v.v… giúp cho bác sĩ hiểu đại khái tương quan tình cảm của em với gia đình và tính nết riêng của em; địa chỉ cũng rất cần thiết: những vùng như Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giuộc chẳng hạn… sốt rét rất nhiều! Vùng đất đỏ Long Khánh, Bình Long, Bà Rịa thì có loại lãi móc làm trẻ mất máu kinh niên.

Em thấy đó, điều nào cũng quan trọng, cũng cần thiết và dĩ nhiên phần tiền căn (những bệnh có từ trước của gia đình, họ hàng hay chính em) còn quan trọng hơn. Cha mẹ lao thì con dễ bị lao (truyền nhiễm), cha mẹ suyễn thì con có thể suyễn, bệnh tâm thần cũng thế… Ghi chú những thứ thúôc đã dùng giúp bác sĩ lựa chọn những thứ thúôc thích hợp với bệnh hơn, tránh những thứ dùng rồi mà không có hiệu quả. Tuy nhiên cũng có bác sĩ không thích như thế. Tôi nhớ ngày còn học trung học đi khám bệnh tại một bác sĩ có tiếng tăm, tôi mang theo toa cũ (đi bác sĩ trước mà không khỏi) đưa cho ông xem, ông nạt: “Tôi không muốn bị ảnh hưởng bởi các ông bác sĩ khác!”. Một người thân của tôi cũng gặp trường hợp tương tự và ông không trở lại vị bác sĩ đó nữa!

Riêng tôi, tôi thấy mang toa cũ hoặc ghi các thứ thuốc (kể cả ngoại khoa) đã dùng là rất cần thiết. Có nhiều trường hợp dùng thúôc bậy bị trúng thuốc chẳng hạn thì chẳng phải khai rõ mà còn nên mang theo cả chai thuốc, nhãn hiệu cho bác sĩ xem.

Khám bệnh

Sau khi đã nghe em kể những triệu chứng của bệnh; sau khi đã ngắm nghía em kỹ rồi, bác sĩ sẽ khám cho em bằng những dụng cụ y khoa: ống nghe, đồ đo huyết áp, cây đè lưỡi, đèn, búa v.v… và hai bàn tay nắn, bóp, gõ v.v… Đừng sợ hãi, đừng ngạc nhiên, và nên làm theo lời chỉ dẫn của

Một phần của tài liệu Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (Trang 55 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(63 trang)
w