Tôn giáo, tín ngưỡng:
Đồng bào quan niệm thế giới có 3 tầng: tầng trên trời là thế giới tổ tiên và các vị thần, tầng giữa là thế giới con người, tầng dưới lòng đất là địa ngục âm phủ. Trong đó cõi trời (Thiên) là nơi ở của các vị thần cai quản hai cõi dưới. Cõi trần là nơi thử thách con người và cõi âm là nơi con người, hay nói đúng hơn là nơi linh hồn được hưởng những điều tốt lành hoặc bị trừng phạt tùy theo duyên kiếp đã tạo ra ở cõi trần. Khi con người chưa làm chủ được tự nhiên và có những hiện tượng không thể giải thích được thì niềm tin vào thánh thần và ma quỷ chi phối đời sống tâm linh một cách sâu sắc và mạnh mẽ. Từ niềm tin ấy các tập tục thờ cúng đã trở thành một phương thuốc xoa dịu tinh thần. Với người Sán Dìu các tập tục thờ cúng đã trở thành một nhu cầu tâm linh thường xuyên với nhiều nghi lễ độc đáo.
Trước tiên phải nói đến tục thờ cúng tổ tiên. Thông thường mỗi gia đình của người Sán Dìu đều có một bàn thờ tổ tiên được đặt sát tường chính gian giữa của ngôi nhà. Người Sán Dìu không cúng giỗ nhưng khi có việc gì quan trọng như: chào đón một thành viên mới ra đời, làm nhà, cưới xin, tang ma... thì người Sán Dìu không quên báo cáo với tổ tiên. Cùng với thờ cúng tổ tiên, người Sán Dìu cũng rất coi trọng việc thờ cúng táo quân và thờ thổ công.
Do tiếp xúc với văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, các tôn giáo như Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo không thể không ảnh hưởng đến đời sống của cư dân Sán Dìu. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của Tam giáo đối với người Sán Dìu không phải là sự du nhập, hình thành phổ biến các nơi thờ phụng và hệ thống các tín đồ mà cơ bản vẫn là trên nền tảng của tín ngưỡng dân gian.
Ảnh hưởng của Đạo giáo thể hiện rõ ở việc tiếp thu các quan niệm về vũ trụ, về hệ thống thần linh với 3 thế giới: Thiên đình, trần gian, âm phủ. Trong xã hội người Sán Dìu hình thành một đội ngũ những người hành nghề cúng bái. Những người làm nghề này được cấp sắc, cấp ấn. Trong điện thờ của họ thờ Thánh thượng lão quân và Tam thanh (Thượng Thanh, Thái Thanh, Ngọc Thanh). Trong những nghi lễ chu kỳ đời người, đặc biệt là việc tổ chức tang ma của người Sán Dìu không thể thiếu vai trò của người thầy cúng.
Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tâm linh người Sán Dìu được thể hiện rõ nhất ở việc cầu xin bình an, cầu phúc... Đồng bào tin vào thuyết nhân quả và kiếp luân hồi, do vậy đồng nào rất xem trọng việc tu nhân tích đức, răn dạy con cháu những đạo lý ở đời để lấy phúc về sau.
Nho giáo cũng có ảnh hưởng quan trọng trong tín ngưỡng của người Sán Dìu. Nó được biểu hiện trong quan niệm về thiên mệnh. Đồng bào quan niệm mỗi người có một số mệnh riêng, số mệnh đó do trời định: số giàu, nghèo, cao hay thấp, số mệnh hợp nhau thì được cưới thành vợ chồng...
Văn nghệ dân gian:
Như nhiều dân tộc thiểu số khác, văn hóa dân gian của người Sán Dìu được hình thành, tồn tại và phát triển cùng với quá trình tồn tại và phát triển của dân tộc. Văn hóa dân gian là tiếng nói của nhân dân, do tập thể nhân dân sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất và chiến đấu, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Sán dìu có vốn văn nghệ dân gian lâu đời và khá phong phú về nội dung cũng như thể loại mang đặc sắc riêng của tộc người.
Theo phong tục của người Sán Dìu, những thầy cúng khi thực hiện nghi lễ thường mang theo nhiều dụng cụ như: Tượng Thích Ca, rồng bằng đồng, cây tích trượng, lệnh bài... và đặc biệt là bao giờ cũng có tranh thờ. Sự hiện diện của các hình tượng trong tranh thờ tượng trưng cho các nhân vật tồn tại trong trí tưởng tượng về thế giới tâm linh của người Sán Dìu. Ngoài tranh thờ, người Sán
Dìu còn có tranh Thánh, bộ Tam Đàn. Tranh Thánh được dùng làm ma cho thầy cúng. Sau một thời gian thầy cúng qua đời, gia đình tổ chức lễ cúng, trong buổi lễ được sử dụng tranh Thánh. Bộ Tam Đàn dùng để treo ở bàn thờ cùng tranh Thánh, với ý nghĩa để bảo vệ cho con cháu thầy cúng.
Nhạc khí có tù và “ngói cóc” (bằng sừng trâu, vỏ ốc), sáo, thanh la, não bạt, trống da…
Về vũ, trong các nghi lễ tôn giáo có những điệu múa như múa gậy (lai thẹt sóng), múa dâng đèn (bỉnh tanh), múa nhảy dọn đường (hang coong chieesp sệnh), múa đua tầm xích hay múa nhảy quản ma tà (két cạy than), múa chạy đàn…
Chiếm một vị trí quan trọng trong nền thơ ca dân gian người Sán Dìu là tình ca, mà người Sán Dìu gọi là soọng cô. Đó là tục hát ví giữa thanh niên nam nữ, tương tự tục hát sli, lượn của người Tày, Nùng.
Soọng cô là thể loại thơ ca có hình thức trang nhã, nội dung phong phú nhằm ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, ca ngời tình yêu quê hương đất nước, con người và tình yêu đôi lứa. Nó nói lên đức tính cần cù, dũng cảm của người lao động, đả kích thói hư tật xấu, đề cao ước mơ của con người vượt qua mọi khó khăn gian khổ để xây dựng cho mình một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Cái hấp dẫn sống động của soọng cô không phải là bài bản cố định thành văn mà là ở những lời thơ tự ý ứng tác cho hợp cảnh hợp người. Người hát soọng cô thường mượn những cảnh đẹp của quê hương làng xóm, cảnh làm ăn sinh hoạt hàng ngày, cốt truyện trong sử sách để gợi cảm và qua đó nói lên lòng yêu đương của mình và ước mong xây dựng một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Loại hình soọng cô rất phong phú, tiêu biểu phải kể đến những bài hát chúc mừng năm mới (shin nén cô), hát mừng nhà mới (sọng chiu ôc cô), hát mừng đám cưới (sênh ca chíu cô)... trai gái hát đối đáp, giao duyên (hi soon
soọng cô). Họ hát thâu đêm suốt sáng, ngày nghỉ đêm lại hát, càng hát càng say, có khi kéo dài cả tuần.
Trong đám cưới cổ truyền của người Sán Dìu không thể thiếu được những làn điệu soọng cô. Hát đám cưới được coi là phương tiện để tiến hành các nghi thức của đám cưới: từ khâu đầu tiên như việc chào hỏi, trình bày đồ sính lễ, giới thiệu của hồi môn, mời mọc họ hàng, chúc mừng cô dâu chú rể, cảm ơn người phục vụ... đều được thể hiện bằng thơ ca.
Tiểu kết chương 1
Phú Bình là một huyện trung du miền núi nằm ở phía Nam Thành phố Thái Nguyên, với những đặc tính của vùng bán sơn địa cùng với khí hậu tương đối thuận lợi cho thảm động, thực vật sinh sôi, nảy nở đã đem lại cho cư dân nơi đây nguồn lương thực, thực phẩm phong phú. Bên cạnh đó, Phú Bình còn là nơi có nhiều tộc người khác nhau cùng sinh sống, mỗi tộc người lại có những đặc trưng văn hoá riêng. Chính vì vậy, việc sống cộng cư, xen kẽ giữa các dân tộc tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu văn hoá giữa các dân tộc trong huyện, tạo nên một bức tranh dân tộc huyện Phú Bình nhiều màu sắc.
Với đặc điểm điều kiện tự nhiên phù hợp với tâm lí và hoàn cảnh mưu sinh, nơi đây cũng là nơi tụ cư của người Sán Dìu, tập trung nhiều đồng bào nhất là xã Bàn Đạt và Tân Khánh. Đồng bào là những luồng dân di cư từ phía Bắc xuống nhưng hành trang văn hóa họ mang theo đến vùng đất này vẫn còn khá nhiều đặc sắc. Tuy nhiên ngoài những giá trị truyền thống của dân tộc họ cũng tiếp thu thêm những giá trị văn hóa mới làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc. Đó cũng là kết quả của quá trình giao thoa văn hóa trong giai đoạn hiện nay.