4.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Hình 4.1. Vị trí địa lý
*Vị trí địa lý
Vĩnh Hòa nằm ở phía Đông Nam của huyện Ninh Giang, phía Bắc của trung tâm huyện lỵ và cũng gần khu vực trung tâm huyện, có tổng diện tích đất tự nhiên 740,35 ha, có vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc giáp xã Hà Kỳ của huyện Tứ Kỳ và xã Ninh Thành; - Phía Nam giáp xã Đồng Tâm;
- Phía Đông giáp xã Hà Kỳ của huyện Tứ Kỳ; - Phía Tây giáp xã Tân Hương;
Đặc điểm nổi bật về vị trí địa lý là xã nằm ở phía Bắc của trung tâm huyện lỵ, trên địa bàn xã ngoài quốc lộ 37 cũ, còn có quốc lộ 37 mới, tỉnh lộ 396 mới đã và đang triển khai xây dựng.
Với vị trí quan trọng như vậy, trong các phương án quy hoạch, ngoài việc tính toán các yếu tố, đặc biệt là đất đai để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cần phải xác định xã Vĩnh Hòa là vùng đệm, vùng tiềm năng để mở rộng huyện lỵ, giảm sức ép của các vấn đề xã hội lên đất đai ở trung tâm huyện.
*Địa hình, địa mạo
Xã Vĩnh Hòa có địa hình tương đối bằng phẳng có độ dốc nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Tuy nhiên trong nội bộ vùng vẫn còn một số nơi thấp trũng, thường bị úng ngập nên nhân dân đã chuyển đổi từ trồng lúa sang đào ao thả cá và trồng cây lâu năm.
*Khí hậu
Xã Vĩnh Hòa nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa nên khí hâu nóng ẩm, mưa nhiều và chia làm hai mùa rõ rệt, mùa lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau, nhiệt độ thấp, có khi xuống dưới 10oC gây rét hại, sương muối ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9, nhiệt độ cao từ 25 - 37oC. Nhìn chung khí hậu tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, phù hợp với sự phát triển của nhiều loại cây trồng.
*Thủy văn
Trên địa bàn xã có sông Cửu An (Sông Cầu Ràm) ở phía Đông Bắc xã và sông Rùa ở phía Đông. Hệ thống sông ngòi kết hợp với hệ thống thủy lợi tương đối hoàn thiện, hệ thống kênh mương được bố trí hợp lý, đảm bảo nước tưới chủ động cho hầu hết diện tích đất canh tác của xã.
4.1.1.2. Các nguồn tài nguyên *Tài nguyên đất
Là một xã có diện tích đất tự nhiên lớn của huyện Ninh Giang (740,35 ha) nên nguồn tài nguyên đất tương đối phong phú song do Vĩnh Hòa lại có vị trí gần trung tâm huyện lỵ nên việc bố trí cơ cấu sử dụng đất để vừa đảm bảo an ninh lương
thực, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa phải khai thác được các lợi thế của xã cần phải được cân nhắc kỹ. Đặc điểm đất đai là phù sa sông Thái Bình không được bồi tụ hằng năm. Mặt khác, trong quá trình canh tác, việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dần làm thay đổi lý tính, hóa tính của đất, hàm lượng mùn trong đất giảm dần.
*Tài nguyên nước
Nguồn nước mặt: Xã Vĩnh Hòa có sông Cửu An và sông Rùa bao bọc hầu hết toàn bộ phía Bắc và phía Đông của xã nên tài nguyên nước tương đối dồi dào. Trên địa bàn có nhiều vùng trũng cục bộ và trong khu dân cư vẫn còn giữ được nhiều ao, hồ tự nhiên.
Nguồn nước dưới đất: Nhìn chung có chất lượng trung bình. Nước ở tầng trên thường bị ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật, các chất hữu cơ bị phân hủy theo nước mưa ngấm xuống. Nước ở tầng sâu từ 80 - 100 m có thể dùng vào sinh hoạt, có tổng độ khoáng nhỏ.
*Tài nguyên khoáng sản
Là một xã đồng bằng với tính chất của đất là đất phù sa cổ nên nhìn chung trên địa bàn toàn khu vực không có những loại tài nguyên khoáng sản đáng kể.
4.1.1.3. Thực trạng môi trường
Trong những năm gần đây nền kinh tế của xã Vĩnh Hòa đã và đang chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại. Hệ quả tất yếu của sự chuyển dịch này môi trường đang đứng trước nguy cơ bị ô nhiễm. Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Hòa đã nhận thức rõ được vấn đề này và đã có nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường. Đường giao thông nông thôn hầu hết được bê tông hóa, các tuyến đường lớn đã được trải nhựa nên tình trạng lầy lội, ngập úng khi có mưa hầu như không còn. Xã tuyên truyền vận động nhân dân ăn ở vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi khép kín, không để chất thải chảy thẳng ra ao hồ, mương rãnh làm ô nhiễm môi trường. Phong trào giữ vệ sinh đường làng ngõ xóm được duy trì thường xuyên. Tuy nhiên do thói quen cũng như phong tục tập quán của người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, làm cho môi trường đất đã có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Ngoài ra việc thu gom, tiêu hủy
bao bì các loại chưa được quan tâm, ngoài đồng vẫn còn hiện tượng vứt bỏ bừa bãi các loại vỏ bao bì, hóa chất dư thừa sau sử dụng của người dân.