2.2.1.Lí do phải hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ trong các doanh nghiệp:
Việc tính khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Khấu hao là một biện pháp chủ quan nhằm thu hồi lại giá trị đã hao mòn của các TSCĐ . Về phương diện kinh tế, khấu hao phản ánh gía trị thực của tài sản. Về phương diện tài chính, khấu hao là một phương tiện tài trợ giúp doanh nghiệp lấy được bộ phận giá trị TSCĐ đã mất. Với các cách tính khấu hao khác nhau sẽ phân bổ mức khấu hao khác nhau vào chi phí kinh doanh và ảnh hưởng đến mức thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Khấu hao được xem là một khoản chi phí hợp lí mà doanh nghiệp luôn cố gắng phân bổ vào chi phí một cách thích hợp nhất với điều kiện tài chính của doanh nghiệp mình để thu được lợi nhuận cao nhất. Phương pháp khấu hao thích hợp sẽ giúp doanh nghiệp đạt được mục đích của mình là giảm tối đa tiền thuế phải đóng hay vẫn đóng thuế như thường. Ví dụ áp dụng phương pháp khấu hao nhanh sẽ giúp doanh nghiệp giữ được đồng vốn lâu hơn do những năm đầu đóng thuế ít hơn những năm sau( do chi phí khấu hao những năm đầu lớn hơn những năm sau).
Khấu hao TSCĐ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu trong Báo cáo kết quả kinh doanh, Bảng cân đối kế toán. Các báo cáo này được lập và gửi đến các đối tượng quan tâm trong đó có các nhà đầu tư để giúp họ ra các quyết định liên quan đến doanh nghiệp. Do đó việc hoàn thiện tính khấu hao là rất cần thiết với các doanh nghiệp.
Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các công ty liên doanh, liên kết , tập đoàn kinh tế trong đố có sự tham gia của các yếu tố nước ngoài. Do đó cần có những sự đổi mới cần thiết trong chính sách trong đó có cả chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao TSCĐ
Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện chế độ khấu hao mới đã gặp phải nhiều vướng mắc, mỗi nơi hiểu và làm theo một kiểu vì có một số quy định không rõ ràng. Hoàn thiện chế độ trích khấu hao để có những quy định rõ ràng thống nhất hơn cho các doanh nghiệp thực hiện, đồng thời tạo điều kiện cho sự quản lí của các cơ quan thuế.
2.2.2. Nguyên tắc hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ trong các doanh nghiệp:
Một là, hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ phải phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, hội nhập kế toán quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế. Mỗi quốc gia có chính sách kế toán, hệ thống kế toán riêng, phục vụ công tác quản lý, điều hành nền kinh tế. Tuy nhiên, dịch vụ kế toán, kiểm toán cũng cần phải hội nhập với kế toán quốc tế để thực sự là “ngôn ngữ kinh doanh” trong điều kiện nền kinh tế mở.
Hai là, hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ phải trên cơ sở hài hoà về lợi ích của các đối tượng trong nền kinh tế, trong đó có Nhà nước và chủ doanh nghiệp. khấu hao là một biện pháp thu hồi vốn đầu tư nhưng ảnh hưởng tới ngân sách Nhà nước thông qua mức thuế phải nộp, vì chi phí khấu hao là được tính là chi phí hợp lí được trừ để tính thu nhập chịu thuế. Phải hoàn thiện sao cho vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giữ được vốn, trích khấu hao phù hợp với điều kiện hoàn cảnh doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo không bị thất thu thuế và ngăn ngừa sự hoạt động của các thị trương ngầm, không chính thức.
Ba là, hoàn thiện khấu hao TSCĐ phải phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lí cũng như khả năng, trình độ quản lí của các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho
sự quản lí của các cơ quan Nhà nước. Hoàn thiện khấu hao phải đảm bảo tính hiệu quả và tính kinh tế của hoạt động kế toán.
2.2.3.Các đề xuất và giải pháp hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ trong doanh nghiệp :
* Đối với các cơ quan Nhà nước:
Vì chế độ hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan có nhiều điểm không thống nhất với nhau nên cần bổ sung nhiều quy định hướng dẫn các doanh nghiệp để tránh gặp khó khăn mắc phải.
Khi doanh nghiệp lựa chọn phương pháp khấu hao nhanh, nghĩa là xác định thời gian khấu hao khác với khung quy định thì pháp luật khi đưa ra những tiêu chuẩn cần quy định : loại TSCĐ nào, đạt tiêu chuẩn công nghệ như thế nào, thì mới được áp dụng khấu hao nhanh. Và cũng không nên cứng nhắc nguyên tắc nhất quán khi áp dụng phương pháp tính khấu hao, nghĩa là cho phép doanh nghiệp đăng kí lại phương pháp khấu hao ngay giữa năm tài chính, kèm theo các văn bản giải trình khác.
Trong khấu hao nhanh, mức khấu hao cao có thể làm tăng khả năng thu hồi vốn và nhanh chóng đổi mới công nghệ nhưng nếu cao qua se làm tăng gánh nặng chi phí. Do đó, mức trích khấu hao nhanh cần được quy định dựa trên khung tỷ lệ giữa thu nhập trước khi cho khấu hao nhanh và doanh thu thực hiện trong kì để xác định mức trích, đảm bảo cho doanh nghiệp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để đủ trang trải chi phí.
Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tính hệ số khấu hao nhanh, cần phân loại các loại TSCĐ ra theo các tiêu chí như là về tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế; về hiện trạng TSCĐ; về tuổi thọ kinh tế của TSCĐ. Sau đó đối với từng nhóm nhỏ đó, xác định khung thời gian chi tiết hơn, giảm khoảng cách giữa thời gian sử dụng tối đa và thời gian sử dụng tối thiểu của TSCĐ. Cần quy định các loại chứng từ cụ thể để xác định nguyên giá TSCĐ trong từng trường hợp hình thành TSCĐ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xác định chi phí khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, nhất là trong trường hợp doanh nghiệp mua lại TSCĐ đã qua sử dụng của cá nhân, nhận vốn
góp hay TSCĐ được biếu tặng, viện trợ. Đặc biệt với bất động sản Nhà nước cần có những biện pháp hiệu quả và hữu ích hơn, đặc biệt là hạn chế những giao dịch không chính thức, khuyến khích các giao dịch có đăng kí với cơ quan quản lí Nhà nước. Để làm được điều này cần hoàn thiện môi trường pháp lí nhằm tạo điều kiện cho việc hợp thức hoá các quyền sử dụng đất để bất động sản có đầy đủ điều kiện được giao dịch trên thị trường chính thức. Có như vậy mới vừa tạo điều kiện để các cơ quan thuế quản lý các khoản chi phí hợp lí trừ khi tính thu nhập chịu thuế nói chung và chi phí khấu hao nói riêng, vừa không làm khó dễ cho các doanh nghiệp.
* Đối với các doanh nghiệp :
Doanh nghiệp tính khấu hao phải đảm bảo tuân thủ các quy định của chế độ nhưng đồng thời tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần xem xét thực trạng về từng loại hoặc từng nhóm TSCĐ , các nguyên tắc trích khấu hao theo quy định, điều kiện trích khấu hao, khung thời gian sử dụng TSCĐ để xác định TSCĐ được và không được trích khấu hao TSCĐ. Đặc biệt là những trường hợp mới được điều chỉnh như dự án đầu tư theo hình thức Xây dựng- Kinh doanh -Chuyển giao( B.O.T), hợp đồng hợp tác kinh doanh (B.C.C) có bên nước ngoài tham gia Hợp đồng, sau khi kết thúc thời hạn hợp đồng bên nước ngoài thực hiện chuyển giao không bồi hoàn cho Nhà nước Việt Nam, những trường hợp thuê tài chính... đòi hỏi kế toán phải nắm vững nghiệp vụ mới có thể phân loại và xử lí đúng đắn được.Bộ phận kế toán cần nắm vững chắc điều kiện và cách tính đối với từng phương pháp để tính đúng chi phí. Để kết quả tính khấu hao chính xác với thực tế sử dụng của TSCĐ cần thực hiện tính hoặc thôi tính khấu hao kể từ ngày tăng hoặc giảm TSCĐ ( trước đây áp dụng nguyên tắc tròn tháng). Doanh nghiệp cần đăng kí phương pháp tính khấu hao cho từng TSCĐ với cơ quan quản lí thuế trực tiếp trước khi tính khấu hao và mọi trường hợp hình thành TSCĐ đều phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và các giấy tờ hợp pháp khác nhằm chứng minh cho nguồn gốc hình thành cũng như giá trị của TSCĐ.
C. KẾT LUẬN
Hao mòn TSCĐ mang tính chất khách quan, do đó doanh nghiệp cần phải tính và phân bổ một cách hợp lí vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kì. Theo quy định mới của Bộ tài chính thì có 3 phương pháp khấu hao mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để áp dụng cho từng loại TSCĐ của mình. Việc áp dụng các phương pháp khấu hao khác nhau sẽ ảnh hưởng đến chi phí và do đó ảnh hưởng đến thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp phải xem xét kỹ TSCĐ của doanh nghiệp mình để có sự lựa chọn phương pháp khấu hao sao cho giảm thiểu tối đa chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Tuy nhiên giữa chế độ và việc thực hiện của doanh nghiệp còn có nhiều vấn đề chưa thống nhất, thậm chí nhiều vấn đề chưa có văn bản cụ thể quy định. Và do vậy đã gây ra khó khăn và sự lúng túng đối với các doanh nghiệp khi thực hiện. Do đó các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần xem xét lại và có biện pháp khắc phục những bất cập nêu trên. Và đồng thời doanh nghiệp cũng cần phối hợp với các cơ quan nhà nước để phát hiện ra những kẻ hở để có biện pháp khắc phục kịp thời. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới không còn lúng túng trong quá trình thực hiện và đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như tránh được tình trạng “lách luật” của một số doanh nghiệp.
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập nên cần phải hoàn thiện tính khấu hao TSCĐ để phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế, hội nhập kế toán quốc tế và phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực kế toán quốc tế; giúp hài hoà về lợi ích của các đối tượng trong nền kinh tế, trong đó có Nhà nước và chủ doanh nghiệp và tạo điều kiện cho sự quản lí của các cơ quan Nhà nước. Hoàn thiện khấu haogiúp đảm bảo tính hiệu quả và tính kinh tế của hoạt động kế toán.