pháp luật khác với các quy định của hiến pháp thì thực hiện theo quy định của hiến pháp, nếu văn kiện của các tổ chức, đoàn thể xã hội có nội dung trái với hiến pháp và các văn bản luật khác của nhà nước thì phải áp dụng quy định của hiến pháp, của các văn bản luật.
Để bảo đảm được tính tối cao của hiến pháp đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay, theo chúng tôi, cần chú ý những yêu cầu cơ bản sau:
Một là, do vị trí và tính chất đặc biệt của hiến pháp trong hệ thống các văn
bản pháp luật của đất nước, theo chúng tôi, cần có thủ tục nhân dân bỏ phiếu trưng cầu về hiến pháp. Nghĩa là, sau khi được Quốc hội chính thức thông qua, thì bản hiến pháp cần được đưa ra trưng cầu dân ý để cử tri cả nước biểu thị ý chí của mình đối với bản hiến pháp hoặc chí ít là đối với những vấn đề quan trọng, còn nhiều tranh luận được quy định trong hiến pháp. Điều này cũng thể hiện quyền lực tối cao của nhân dân. Là chủ thể quyền lực nhà nước, nhân dân phải được trực tiếp thông qua hiến pháp, tự quyết định vận mệnh của mình. Nếu “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, thì việc nhân dân giao quyền cho ai, đến đâu,... phải do nhân dân quyết định thông qua hiến pháp. Nói một cách cụ thể hơn, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước, của những người đại diện nhân dân do hiến pháp quy định phải được sự đồng ý của nhân dân. Các cơ quan nhà nước, những người đại diện nhân dân chỉ được làm những gì mà nhân dân thông qua hiến pháp và pháp luật cho phép, do vậy, họ phải quản lý xã hội bằng pháp luật chứ không phải bằng ý chí chủ quan của mình.
Hai là, về mặt kỹ thuật, hiến pháp cần được xây dựng như một văn bản
mẫu, tránh việc dùng các thuật ngữ không thống nhất trong hiến pháp. Chẳng hạn, hiến pháp khi quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội là thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp (Điều 84), nhưng đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì lại là giám sát việc thi hành hiến pháp (Điều
91), lẽ ra trong cả hai trường hợp đều dùng chữ thực hiện thì sẽ khái quát và thống nhất hơn; Quốc hội làm hiến pháp, làm luật (Điều 84), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra pháp lệnh (Điều 91), Chủ tịch nước ban hành lệnh, quyết định (Điều 106), nếu tất cả đều dùng chữ ban hành thì thống nhất hơn; Chủ tịch nước công bố hiến pháp, luật..., ra lệnh tổng động viên..., ban bố tình trạng khẩn cấp... (Điều 103), nếu tất cả đều dùng chữ công bố sẽ hợp lý hơn.
Ba là, sau khi hiến pháp được ban hành phải nhanh chóng chi tiết, cụ thể
hóa những quy định của hiến pháp bằng các văn bản luật khác, tạo cơ sở cho sự phát triển và hoàn thiện của toàn bộ hệ thống pháp luật. Đồng thời, phải tiến hành giải thích chính thức đối với những quy định của hiến pháp, đặc biệt là những quy định dễ gây ra sự nhận thức không thống nhất.
Bốn là, cần thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với công tác tổ chức và
hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp đối với các văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước từ trung ương tới địa phương, kể cả của các cơ quan nhà nước cao nhất. Đồng thời, cũng phải kiểm tra, giám sát đối với hoạt động và văn bản của các tổ chức, đoàn thể xã hội trong đất nước. Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa hiến pháp với các văn bản khác thì phải nhanh chóng khắc phục và xử lý kiên quyết những văn bản được ban hành trái hiến pháp.
Mặc dù hiến pháp hiện hành ở nước ta đã giao cho Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo hiến pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành hiến pháp, nhưng trên thực tế, hiệu quả hoạt động giám sát của hai cơ quan này đối với việc thực hiện hiến pháp chưa cao. Do vậy, theo chúng tôi, nên chăng hiến pháp nước ta cần quy định một cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc tôn trọng và thực hiện hiến pháp. Hoặc nghiên cứu thành lập một cơ quan có thể là Hội đồng hay Uỷ ban bảo hiến hoặc Toà án hiến pháp (thuộc Quốc hội) thay mặt nhân dân chỉ chuyên làm nhiệm vụ giám sát việc thực hiện hiến pháp (kể cả đối với Quốc hội) để bảo vệ tính tối cao của hiến pháp. Về cơ quan này, cần phải tiếp tục nghiên cứu trên
nhiều bình diện, nhưng sơ bộ về mặt cơ cấu (thành phần), để phù hợp với thể chế chính trị nước ta hiện nay, chúng tôi cho rằng, cơ quan này có thể gồm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cựu Chủ tịch nước, cựu Chánh án Toà án nhân dân tối cao, cựu Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng một vài chuyên gia nữa. Sự phán quyết của cơ quan này về tính hợp hiến của một văn bản hay một hoạt động cụ thể nào đó là không thể thay đổi và văn bản hay hoạt động cụ thể vi hiến đó cần phải được đình chỉ, huỷ bỏ hoặc chấm dứt. Chúng ta cần tránh tình trạng tính tối cao của hiến pháp bị vi phạm nhưng Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không có biện pháp xử lý. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1980 quy định việc khám, chữa bệnh không mất tiền, nhưng Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân năm 1989 lại quy định người bệnh phải nộp viện phí. Hay Hiến pháp năm 1992 quy định rừng núi thuộc sở hữu toàn dân, nhưng Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991 lại quy định lâm sản của rừng trồng thì thuộc về người trồng... Trong những trường hợp trên, theo chúng tôi, khi ban hành luật, nếu chúng ta đồng thời sửa các quy định của hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới thì tốt biết bao.
Như vậy Nhà nước có trách nhiệm :
+ Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 ngày 28/11/2013 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp, trong đó đã xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp; kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp;
+ Quốc hội sớm ban hành Luật về tổ chức chính quyền địa phương, Luật Trưng cầu ý dân, các văn bản quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước…;
+ Chính phủ xây dựng và thi hành các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo các văn bản được ban hành kịp thời sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các văn bản không còn phù hợp với Hiến pháp. Các văn bản được ban hành phải đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp
năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả, khả thi;+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Hiến pháp tại cơ quan, tổ chức và địa phương, nâng cao nhận thức về Hiến pháp và ý thức chấp hành Hiến pháp của người dân;
+ Nâng cao hơn nữa chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước;
+ Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật.
Bảo đảm tính tối cao của hiến pháp trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam là yêu cầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Một mặt, nhằm bảo đảm quyền lực tối cao của nhân dân, tôn trọng ý chí và nguyện vọng của nhân dân; mặt khác, nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho sự phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm cơ sở để thiết lập trật tự pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa./.