IV. Cơ hội và thách thức đối với việc phát triển ngành Công nghiệp ôtô Việt Nam
2. Định hướng và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam
2.1. Định hướng chiến lược phát triển
Chính phủ xác định rõ ngành công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp chủ chốt. Nhưng điểm mấu chốt là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển theo định hướng nào thì vấn đề đang còn gây tranh cãi. Hiện nay, thị trường Việt Nam đang xuất hiện nhu cầu mới về các loại xe phổ thông, giá rẻ. Với GDP đầu người trên 400USD hiện nay, rõ ràng là người tiêu dùng Việt Nam khó có thể với tới các loại xe đang được lắp ráp tại Việt Nam với giá trung bình là 20.000USD/chiếc. Vì vậy, thị trường tiêu dùng ở các thành phố đang cần các loại xe con dung tích dưới 1.300cc như Kia Pride, Matiz... với giá bán dưới 10.000USD.
Các vùng nông thôn đang có nhu cầu với các loại xe tải hạng trung và nhỏ vận tải trong quãng đường ngắn và chuyên chở nông sản và các tuyến lên tỉnh đang cần các loại xe bus hạng chung và lớn để thay thế hàng ngàn xe cũ đã sử dụng 20-30 năm.
Ngược lại, một số ý kiến khác lại cho rằng nếu phát triển các loại xe kém tiện nghi hơn, ít tính năng hiện đại và tự động hoá hoàn toàn như các loại xe do các liên doanh đang lắp ráp, tức là hướng về sản xuất các loại xe thương hiệu Việt Nam, phù hợp với thu nhập của người Việt Nam là “kéo lùi” công nghiệp ô tô. Đồng thời, về lâu dài nếu như đầu tư lớn một cách thiếu suy xét sẽ để lại hậu quả rất lớn cho xã hội. Chúng ta đầu tư hàng triệu USD cho ô tô thương hiệu Việt Nam nhưng thực chất là mua máy về đóng thêm vỏ vào.
Các chuyên gia của JERI cũng cảnh báo: “nếu không có chính sách khuyến khích phát triển thì công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ khó tồn tại, các nhà sản xuất ô tô sẽ rút khỏi Việt Nam”. Và theo họ, để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam cần có thêm các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (kể cả các dự án đang hoạt động và đầu tư mới) nhằm phát triển công nghiệp ô tô bao gồm cả các nhà sản xuất phụ tùng và chế biến nguyên vật liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm thích nghi với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tại thị trường ASEAN; đồng thời thay thế nhập khẩu là chính sách hiện tại, định hướng xuất khẩu sẽ là chính sách trong tương lai gần.
Đứng trước những lời cảnh báo như vậy, Chính phủ Việt Nam xác định rõ việc phát triển ngành công nghiệp ô tô là một ngành công nghiệp chủ chốt và riêng của Việt Nam thay vì lệ thuộc vào các liên doanh sản xuất ô tô hiện nay, mà hoạt động chủ yếu là lắp ráp các loại xe đắt tiền, đầy đủ tiện nghi như ở các nước phát triển.
Mặc dù sản lượng sản xuất của các liên doanh ở Việt Nam hiện đang ở mức 20.000 xe/năm, nếu chia đều cho 11 liên doanh, tức là mỗi liên doanh lắp ráp khoảng trên dưới 2.000 xe, tuy nhiên, các liên doanh đều lỗ rất ít. Một quan chức của Bộ Công Nghiệp cho hay, sở dĩ các liên doanh tồn tại được là khi nhập bộ linh kiện CKD giá của các bộ linh kiện này đã cao hơn cả xe nguyên chiếc nhập khẩu.
Giá bán của mỗi chiếc xe ô tô tại Việt Nam hiện nay có vẻ như không dựa trên giá thành sản xuất, mà dựa trên nhu cầu của các cơ quan, bộ, ngành - khách hàng chính của các công ty liên doanh ô tô ở Việt Nam - và dựa trên tâm lý sính ngoại, chuộng hàng đắt tiền của người Việt Nam. Hơn nữa, hàng rào bảo hộ với việc đánh thuế quá cao vào xe nguyên chiếc nhập khẩu cũng đang “giúp đỡ” các liên doanh đứng vững và hưởng lợi.
Còn việc cần thiết phải xây dựng công nghiệp ô tô riêng của mình song song với 11 liên doanh để sản xuất các loại xe phổ thông, giá hạ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam được Bộ Công Nghiệp lý giải là chính sách tự lực này sẽ giúp cho Việt Nam có được ngành công nghiệp ô tô thực sự theo đúng nghĩa của nó hơn là chỉ các nhà máy của các hãng ô tô nước ngoài đặt trên đất Việt Nam, thuê nhân công Việt Nam, thuê đất Việt Nam. Kinh nghiệm này, theo Bộ công nghiệp, Hàn Quốc là tấm gương đã thực hiện thành công. Và đến nay Hàn Quốc đã tự mình sản xuất ra các xe mang thương hiệu của mình, với thiết kế, mẫu mã của mình, bán với giá do mình quyết định.