Nguyên nhân và ý nghĩa của sự gặp gỡ giữa tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân văn trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

Một phần của tài liệu Điểm gặp gỡ giữa tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân văn trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Trang 33 - 35)

nước và tư tưởng nhân văn trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc

4.1 Nguyên nhân

Lý do có sự gặp gỡ giữa tư tưởng yêu nước và nhân văn trong tác phẩm

Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nói riêng và một số sáng tác khác của Nguyễn Đình Chiểu nói chung trước hết là vì ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho, đã sớm thấm nhuần tư tưởng trung quân ái quốc. Nhưng ông lại có những năm tháng sống gần gũi với nhân dân nên đã thấu hiểu và trân trọng những con người ấy. Từ đó mà có thể thấy nét tiêu biểu trong ông là phẩm chất dân tộc, tính nhân dân.

Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu còn được xây dựng trong tình hình mà bọn thống trị phong kiến từng bước đồng lõa với bọn cướp nước, đồng thời cũng trong tình hình ít nhiều có sự thức tỉnh của quần chúng nhân dân. Nguyễn Đình Chiểu là người bề ngoài tưởng chừng như tư tưởng “tam cương” lỗi thời của đạo Nho luôn luôn ám ảnh, nhưng kì thực, bên trong lại có sẵn một cái lõi thật khỏe mạnh, chính nó đã giúp ông dễ dàng hòa nhập được với thực tiễn sôi nổi chống giặc cứu nước của quần chúng nhân dân. Vì vậy mà dẫn đến sự dung hợp giữa tư tưởng yêu nước phong kiến (gắn liền với chữ trung) với tư tưởng nhân dân, hay nói cách khác là sự dung hòa giữa lý tưởng với hiện thực.

4.2 Ý nghĩa

Khi các bản hòa ước lần lượt được kí, Nguyễn Đình Chiểu thất vọng về triều đình, nhưng lại phát hiện được những giá trị mới. Nếu như Nguyễn Trãi trước đó bốn trăm năm đã nhìn thấy được sức mạnh của “bốn phương manh lệ” thì ông còn tiến thêm một bước: cái đẹp, cái chân chính, cái đáng ca ngợi nhất là ở những con người manh lệ ấy. Trong thơ văn Trung Quốc và Việt Nam cũng từng có bóng dáng của những ông ngư, quán, tiều, tiểu đồng, a hoàn,… nhưng với tư cách là những con người phụ thuộc, sống theo sự sai bảo của lớp người quân tử, thống trị. Nhưng với Nguyễn Đình Chiểu, những con người ấy cũng như bao người nông dân có một đời sống tinh thần độc lập, họ mới là hiện thân của khí phách anh dũng, bất khuất. Họ lại không phải là những ẩn sĩ theo kiểu Trung Hoa, vì những ẩn sĩ đó đều chống lại hoặc bất

mãn với chính trị, còn họ là những người sống cho dân cho nước. Nhà thơ Nam Bộ đã thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong quan niệm về con người của mình, đúng như giáo sư Phan Ngọc đã nhận định: Trong khuôn khổ xã hội cũ, Nguyễn Đình Chiểu là người đã đi xa nhất trong việc đánh giá nhân dân lao động.

Ý nghĩa thứ hai của sự gặp gỡ này đó chính là sự kết tinh của hai giá trị được đồng hiện trong một hình tượng văn học. Trong lịch sử văn học Việt Nam, lịch sử văn học cơ bản không phong phú lắm. Thơ văn Lý – Trần thiên về tạo hình tượng cảm xúc, và nếu nói đến hình tượng nhân vật thì có hai hình tượng chính: người anh hùng vệ quốc và bước đầu của hình tượng nhà nho hành đạo – người trung nghĩa. Hai hình tượng đó tiếp tục trong văn học thời Lê và hình tượng kẻ sĩ dần dần độc chiếm văn đàn. Cuối thế kỷ XVI trở đi, các nhà nho ẩn dật bắt đầu in đậm dấu ấn. Tiếp theo đó là hình tượng người anh hùng đời loạn và mẫu người tài tử giai nhân. Đến thế kỷ XIX, hình tượng văn học thành công nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ý nghĩa văn học sử quan trọng bậc nhất, là hình tượng người nghĩa binh, người anh hùng vô danh tiêu biểu cho sức mạnh, cho lòng dũng cảm tuyệt vời và đức hi sinh cao cả, xứng đáng là đại diện cho toàn bộ những giá trị tinh thần của dân tộc. Với việc sáng tạo người anh hùng vô danh bằng sự hòa quyện giữa tư tưởng yêu nước và nhân văn, Nguyễn Đình Chiểu đã là người mở đầu cho văn học chống ngoại xâm ở một thời điểm cực kì có ý nghĩa.

KẾT LUẬN

Tóm lại, ở tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có sự hòa quyện, gặp gỡ giữa tư tưởng yêu nước và nhân văn. Sự gặp gỡ ấy thể hiện qua tình cảm yêu nước gắn liền với thương dân cũng như quan điểm về người anh hùng gắn liền với quan điểm nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu. So sánh bài văn tế trên với một số tác phẩm khác của Nguyễn Đình Chiểu hay một số tác phẩm khác mới thấy được nét đặc sắc và ý nghĩa của sự gặp gỡ này. Đã có rất nhiều bài

nghiên cứu nghiên cứu công phu viết về những sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, nhóm xin được góp một chút công sức nhỏ trong giới hạn của đề tài vào các công trình nghiên cứu ấy. Hi vọng trong thời gian sắp tới, vấn đề này sẽ được quan tâm và tìm hiểu, đào sâu nghiên cứu hơn, để chúng ta lại được hiểu rõ hơn về các sáng tác cũng như con người của “ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc”.

Một phần của tài liệu Điểm gặp gỡ giữa tư tưởng yêu nước và tư tưởng nhân văn trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(37 trang)
w