4. TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ PHÁP LÝ TIỀM TÀNG CỦA CÁC CƠ QUAN VÀ CHUYÊN GIA TƯ VẤN
4.3. Thay đổi hành vi của các nhà khoa học
Các cuộc tranh luận công khai về các ví dụ như trường hợp L’Aquila đã nhấn mạnh sự thiếu hiểu biết về trách nhiệm pháp lý của các chuyên gia tham gia vào các cơ quan tư vấn khoa học. Ngay cả khi đa số các nhà khoa học chưa phải trải qua hành động pháp lý, thì mối nguy hiểm bị truy tố tiềm tàng có thể dẫn đến những thay đổi trong hành vi và suy giảm hiệu quả của hệ thống tư vấn nói chung. Đặc biệt là trong lĩnh vực bảo vệ dân sự và đánh giá rủi ro, các nhà khoa học phải đối mặt với sự tiến thoái lưỡng nan trong việc ra quyết định: cảnh báo sai có thể tốn kém (ví dụ: các biện pháp phòng ngừa như sơ tán) và dẫn đến mất uy tín và sự tin tưởng vào quá trình tư vấn, trong khi nếu không cảnh báo trong các tình huống nguy hiểm thực sự có thể dẫn đến thương vong. Điều này được minh họa trong một nghiên cứu gần đây tiết lộ một “nghịch lý” đánh giá nguy cơ và quản lý rủi ro địa chất thủy văn ở Italia. “Các vùng cẩn trọng” có xu hướng đánh giá quá cao các ảnh hưởng bất lợi tiềm tàng của các sự kiện khi đưa ra các thông báo cảnh báo sớm. Đánh giá quá cao này không hoàn toàn loại bỏ các dự đoán sai các sự cố nghiêm trọng (việc đánh giá thấp sự cố vẫn xảy ra do mức độ bất định nội tại của các mô hình dự báo thời tiết số), nhưng các chuyên gia từ các vùng này có cơ hội giảm được truy cứu vì thông tin sai các đánh giá rủi ro. Mặt khác, các “vùng hiệu năng cao” sẽ giảm thiểu mức độ cảnh báo sai. Tuy nhiên, chúng có tỷ lệ đánh giá thấp các sự kiện nghiêm trọng cao hơn, điều này có khả năng dẫn đến truy cứu pháp lý. Thực tế những vùng này có khả năng liên quan đến các vụ kiện pháp lý cao hơn so với các vùng cẩn trọng ngay cả khi các hệ thống đánh giá rủi ro của họ hoạt động tốt hơn. Nghịch lý là các cấu trúc và chuyên gia tư vấn “hiệu năng cao” (nghĩa là chính xác hơn) lại dễ bị kiện hơn so với “cẩn trọng”.
Nguy cơ cá nhân bị truy tố (việc truy tố cá nhân, ngay cả khi bất thành, có thể làm tê liệt về tài chính và chuyên môn) có thể dẫn đến các thay đổi hành vi làm ảnh hưởng đáng kể hoạt động của hệ thống tư vấn khoa học. Điều này có thể ảnh hưởng đến những chuyên gia khoa học nhất định, những người không làm việc trực tiếp cho chính
28
phủ và những người có trách nhiệm pháp lý không rõ ràng. Hành vi phòng ngừa hoặc phòng thủ trong những năm gần đây bao gồm từ chức khỏi văn phòng của những nhân viên trình độ cao (hoặc từ chối nhận trách nhiệm như vậy), sự phân mảng nhiệm vụ để giảm trách nhiệm, từ bỏ các dịch vụ tư vấn chuyên sâu để giảm trách nhiệm pháp lý và phổ biến hơn là “tránh tư vấn” (advice chill). Với việc quá nhấn mạnh sự cẩn trọng như vậy, giá trị của tư vấn khoa học, không chỉ trong việc đánh giá rủi ro mà cả trong nhiều lĩnh vực khác, có thể bị suy yếu nghiêm trọng.