Cơ cấu tổ chức của Công ty được tổ chức theo mô hình cơ cấu trực tuyến - chức năng. Mô hình này đã giúp Công ty đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động kinh doanh của mình
Ưu điểm của mô hinh này:
- Mang lại hiêụ quả cao với các nghiệp vụ tác nghiệp lặp đi lặp lại hàng ngày, phát huy được ưu thế của chuyên môn hoá ngành nghề. Các hoạt động tác nghiệp được sử dụng một cách thành thạo sẽ giúp Công ty tiết kiệm đựơc chi phí đào tạo nguồn nhân lực do các hoạt động tác nghiệp ít thay đổi người lao động dễ nắm bắt được công việc và hạn chế được những sai sót
- Giữ được sức mạnh của các chức năng chủ yếu, điều này giúp Công ty dễ dàng tập trung được sức mạnh cho các hoạt động phân phối sản phẩm và mở rộng thị trường – lĩnh vực hoạt động chính của Phú Thái
- San bớt gánh nặng cho người lãnh đạo cấp cao, giúp những người lãnh đạo Công ty có thể tập trung trí tuệ và thời gian cho những vấn đề quan trọng của Công ty mà không cần lo lắng về cá nghiệp vụ đơn giản do đã có bộ phận chuyên môn đảm trách
- Mô hình này tạo điều kiện cho Công ty trong hoạt động đào tạo các cán bộ chuyên môn, do từ khi làm việc trong Công ty họ đã làm việc trong bộ phận đó nên dễ dàng nắm bắt được công việc và không phải mất thời gian làm quen với hoạt động của Công ty
- Mặt khác, mô hình này cũng giúp Công ty khai thác được ưu điểm của các cán bộ cấp dưới do khi có vấn đề về chuyên môn các cán bộ lãnh đạo cấp cao phải tham khảo ý kiến của cán bộ cấp dưới phụ trách vấn đề đó. Vì vậy, người cán bộ chuyên môn cảm thấy vai trò của họ trong hoạt động của Công ty là rất quan trọng, tạo động lực cho họ phấn đầu nhiều hơn
- Đồng thời khi tham khảo ý kiến của các cán bộ cấp dưới khi ra các quyết định, người lãnh đạo Công ty đã tạo ra trong Công ty một môi trường làm việc thân thiện và dân chủ trong hoạt động quản lý
- Vì là một Công ty lớn nên mô hình này đem lại hiệu quả cao trong các hoạt động của Công ty do khai thác được lợi thế về quy mô
Nhưng mô hình này cũng còn tồn tại một số nhược điểm:
- Sử dụng mô hình này làm cho một số bộ phận chức năng trong Công ty cùng một lúc phải chịu sự lãnh đạo của hai nhà quản lý cấp trên, vi phạm chế độ một thủ trưởng đồng thời sẽ gây khó khăn cho hoạt động của cấp dưới nếu ý kiến chỉ đạo của hai người này không thống nhất
- Khi có vấn đề xảy ra, người quản lý cấp cao phải tham khảo ý kiến của các cán bô chuyên môn, phải thảo luân để đưa ra cách giải quyết, điều đó làm cho thời gian ra một quyết định dài và đôi khi làm cho Công ty bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh do phải bàn bạc quá nhiều.
- Bộ máy quản lý của Công ty cồng kềnh dẫn đến chi phí quản lý lớn và gây chồng chéo trong hoạt động của các bộ phận
- Khi xây dựng các chiến lược, kế hoạch hoạt động có thể gây ra mâu thuẫn giữa các đơn vị chức năng
- Công tác đào tạo cán bộ cấp cao, có khả năng bao quát hoạt động của toàn Công ty khó khăn do các cán bộ chuyên môn thường chỉ hoạt động tốt trong lĩnh vực hoạt động của minh chứ không nắm được hoạt động của các bộ phận khác
- Các công ty thành viên phải phụ thuộc nhiều vào sự chỉ đạo của các cán bộ chức năng của công ty lớn nên dễ gây tâm lý ỷ lại, làm cho hoạt động của các công ty thành viên thụ động khi đề ra các kế hoạch hoạt động của mình.
Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt dộng của mình, Công ty phải có kế hoạch cơ cấu lại cơ cấu tổ chức của mình nhằm tận dụng các ưu điểm đồng thời hạn chế nhược điểm, đáp ứng các yêu cầu của sự phát triển của Công ty trong giai đoạn tới.