Thứ nhất, về nâng cao giá trị sử dụng: Một là, ưu tiên cho đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đặc biệt là các vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh. Hai là, điều chỉnh mùa vụ nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng và từng đối tượng nuôi để chủ động nguồn nước, có thời gian xử lý ao nuôi, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước. Ba là, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng đông lạnh thủy sản, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn qui định trong và ngoài nước.
Thứ hai, về nâng cao giá trị: Một là, có quy hoạc tổng thể vùng nuôi
tôm khoa học, kiểm soát tốt quy trình nuôi, nguồn nước vào nước ra của cả vùng để giảm thiểu những rủi ro dịch bệnh khiến tôm chết, từ đó nâng cao năng suất. Hai là, tăng cường chế biến sâu nhằm đa dạng sản phẩm để gia
tăng giá trị mặt hàng tôm, vừa tạo ra nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu da dạng của thị trường trong nước và xuất khẩu. Ba là, đẩy mạnh liên kết trong nuôi tôm, từ đó giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao NLCT mặt hàng tôm của tỉnh.
Thứ ba, về xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại: Một là, hình
thành vùng chuyên nuôi tôm nước lợ, vùng tập trung nuôi tôm thâm canh công nghiệp và nuôi công nghệ cao. Hai là, quan tâm khai thác thị trường các nước trong khu vực, EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất nghiên cứu thông tin, dự báo, điều chỉnh phương án sản xuất gắn với thị trường.
KẾT LUẬN
Hơn 3 thập kỷ đất nước thực hiện đường lối đổi mới, ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Việt Nam từ nước thiếu lương thực nhanh chóng trở thành cường quốc xuất khẩu gạo, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản đạt mức 1 tỉ USD, đóng góp vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Thành quả ấy là nhờ những lợi thế của đất nước và đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước dành cho nông nghiệp. Hội nhập kinh tế sâu rộng, cơ hội để phát triển là rất lớn và thách thức cũng không hề nhỏ đối với nông nghiệp nước ta nói chung và Kiên Giang nói riêng. Nâng cao NLCT của HNSCL trên nhiều phương diện là một yêu cầu tất yếu. Do đó, việc lựa chọn “Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản chủ lực tỉnh Kiên Giang trong điều kiện hội nhập” làm đề tài nghiên cứu có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn. Luận án đã đạt được những kết quả cơ bản sau:
Khảo sát và hệ thống hoá được các công trình nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh hàng nông sản. Bổ sung và làm sáng tỏ thêm khung lý thuyết về năng lực cạnh tranh hàng nông sản trong điều kiện hội nhập. Làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh hàng nông sản, đặc biệt những biểu hiện mới của chủ nghĩa bảo hộ. Đưa ra được bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh hàng nông sản trong điều kiện hội nhập trên các khía cạnh sản phẩm, xúc tiến thương mại, giá cả, kênh phân phối, . . .
Phân tích năng lực cạnh tranh 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh Kiên Giang là lúa gạo và tôm dựa trên những tiêu chí được xây dựng trong khung lý thuyết. Đánh giá được những thành tựu, hạn chế cần khắc khục trong quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh hai mặt hàng này của tỉnh, nguyên nhân của những hạn chế đó.
Trên cơ sở những luận cứ khoa học, những dự báo và định hướng phát triển nông nghiệp của cả nước và của tỉnh, luận án đã đưa ra một số quan điểm và các nhóm giải pháp chung, giải pháp riêng cho từng mặt hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng lúa gạo và tôm tỉnh Kiên Giang trong điều kiện hội nhập. Các giải pháp này có tính khả thi cao, vì nó gắn với xu thế hiện nay và những điều kiện cụ thể của tỉnh. Mỗi giải pháp đưa ra là để giải quyết một khía cạnh của vấn đề. Vì vậy, cần phải thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, nhất quán. Luận án sẽ góp một phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh hàng nông sản chủ lực của tỉnh cụ thể là lúa gạo và tôm, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, vì một Kiên Giang giàu đẹp – phát triển – hài hòa.