Tổ chức lao động hợp lý. Tổ chức đời sống thích hợp. Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý. Hạn chế và loại trừ các bệnh cơ thể. Giáo dục thích hợp trong gia đình, nhà trường, tập thể và xã hội.
Cung cấp các thông tin cơ bản cho bệnh nhân và gia đình:
- Trầm cảm là một bệnh lý phổ biến song đã có các phương thức điều trị có hiệu quả
- Trầm cảm không phải là tình trạng yếu đuối hay lười nhác, các bệnh nhân đang phải rất cố gắng để đối phó
Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình
- Hỏi về nguy cơ tự sát. Bệnh nhân thường có ý nghĩ về cái chết không? Phải chăng bệnh nhân đã có một kế hoạch đặc biệt để tự sát? Có phải bệnh nhân đã cố thử tự sát trong quá khứ? Có thể đảm bảo bệnh nhân sẽ không thực hiện các ý tưởng tự sát không? Gia đình và bạn bè cần giám sát chặt chẽ, nếu cần thiết phải cho nhập viện. Cần tìm hiểu nguy cơ bệnh nhân gây tổn thương cho người khác.
- Đặt những kế hoạch hoạt động ngắn để bệnh nhân tham gia và xây dựng lòng tin. Động viên bệnh nhân chống tự ti và tự phê phán, không buông theo các ý tưởng tự ti (ví dụ: kết thúc hôn nhân, từ bỏ công việc) và không quan tâm đến các ý nghĩ tiêu cực, tội lỗi.
- Nhận biết các vấn đề trong cuộc sống hiện tại hay các stress về xã hội, đặt ra được các bước đi nhỏ, đặc biệt để bệnh nhân có thể phấn đấu nhằm làm giảm bớt hoặc chế ngự tốt hơn với các vấn đề này. Nên tránh các quyết định lớn hay các thay đổi cuộc sống nghiêm trọng.
- Nếu có các triệu chứng cơ thể, thảo luận về các mối liên quan giữa các triệu chứng cơ thể và cảm xúc
- Sau khi có tiến bộ, đặt kế hoạch hành động cho bệnh nhân khi có dấu hiệu tái phát.
- Khi bệnh nhân có một trong các biểu hiện sau cần xem xét chuyển gửi bác sĩ chuyên khoa.
Có nguy cơ tự sát hoặc gây nguy hiểm cho người khác.
Có các triệu chứng loạn thần.
Trầm cảm rõ rệt vẫn còn sau khi được điều trị tại cộng đồng.
CASE STUDY
Bệnh nhân nữ 40 tuổi, làm nghề kế toán, gia đình hạnh phúc, công việc thuận lợi, không mắc bệnh cơ thể gì. Hai tháng nay chị có biểu hiện, mất ngủ, ăn không ngon miệng, nhanh mệt mỏi, hay cáu gắt vô cớ. Chị không còn thích đi mua sắm, nấu nướng hay tập thể thao như trước đây nữa. Càng ngày các biểu hiện trên càng nặng hơn. Chị dần dần không muốn tiếp xúc với ai, đến cơ quan chỉ làm việc của mình rồi về nhà. Hiệu quả làm việc của chị giảm rõ rệt, chị nói rằng chị không thể tập trung được, trí nhớ cũng giảm hẳn . Hai tuần nay gia đình thấy bệnh nhân nghỉ hẳn việc, chỉ ở nhà nằm trong phòng, vẻ mặt lúc nào cũng buồn rầu, đôi lúc khóc
lóc. Chị cho rằng bệnh nhân có lỗi với gia đình và đồng nghiệp vì không làm tròn trách nhiệm của mình, vì vậy bệnh nhân đã 2 lần định tự sát. Gia đình chị đang rất hoang mang, không biết làm sao.
Câu hỏi thảo luận: Theo các anh chị, bệnh nhân này có các triệu chứng tâm thần nào?
1. Bệnh nhân này đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm chưa? Thể nào? Mức độ?
2. Anh chị sẽ tư vấn cho gia đình và bệnh nhân này như thế nào? Bệnh nhân này nên được điều trị nội trú hay ngoại trú? Vì sao?
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1-Nguyễn Việt (1984)Tâm thần học - Nhà xuất bản Y học Hà Nội.
2-Nguyễn Minh Tuấn (2002) Các rối loạn tâm thần - Chẩn đoán và điều trị. Nhà xuất bản Y học - Hà Nội.