Tiểu kết chƣơng 4
Chương 4 của luận án đã giải quyết được một số vấn đề như sau:
1. Thống nhất được quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng ĐBSH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Các định hướng tập trung rõ vào các vấn đề về sản phẩm du lịch, thị trường khách du lịch và liên kết vùng.
2. Để thúc đẩy phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng ĐBSH, cần thực hiện đồng bộ những nhóm giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch thành phố Hải Phòng và đẩy mạnh sự phát triển đó gắn với liên kết vùng ĐBSH.
Những giải pháp này được đề xuất xuất phát từ những phân tích thực trạng ở chương thứ 3.
KẾT LUẬN
Nghiên cứu phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng ĐBSH đạt được những kết quả cơ bản như sau:
1. Xây dựng lý luận về phát triển du lịch. Trong đó, xác định các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Xác định các tiêu chí đánh giá phát triển du lịch theo ngành. Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá phát triển du lịch theo lãnh thổ (điểm, khu, tuyến du lịch).
Đề xuất các lý luận căn bản về phát triển du lịch trong liên kết vùng như nguyên tắc, điều kiện liên kết, các nhân tố ảnh hưởng, nội dung liên kết, chỉ tiêu đánh giá hiệu quả liên kết.
Nghiên cứu cụ thể về thực tiễn phát triển du lịch của một số thành phố trực thuộc Trung ương gắn với sự liên kết. Từ đó, đem đến bài học kinh nghiệm cho thành phố Hải Phòng và vùng ĐBSH.
Như vậy, luận án đã đạt được một hệ thống lý luận và thực tiễn chắc chắn và có ý nghĩa cao.
2. Nghiên cứu thực trạng phát triển du lịch Hải Phòng trong giai đoạn 2005 - 2015 để có cái nhìn tổng thể về hoạt động du lịch của thành phố này.
Hải Phòng là thành phố có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hiện nay ngành công nghiệp không khói này vẫn phát triển chưa thực sự xứng tầm.
- Sản phẩm du lịch của Hải Phòng còn đơn điệu. Lâu nay, khách du lịch vẫn chỉ biết Hải Phòng với 2 địa danh tiêu biểu là Đồ Sơn và Cát Bà. Nhưng sự phát triển không được quy hoạch cụ thể, kiểm tra chặt chẽ nên đã phần nào làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có, lại bị tính mùa vụ chi phối nặng nề.
Nhiều sản phẩm du lịch văn hóa dân gian truyền thống trên địa bàn thành phố có tính độc đáo, mang những bản sắc riêng có sức hút đối với du khách nhưng lại chưa được tập trung quảng bá tốt nên chưa đem lại những hiệu quả xứng tầm.
- Công tác nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, không có các đợt khảo sát nghiên cứu thị trường du lịch Hải Phòng một cách quy mô và chuyên nghiệp để có những chiến lược khai thác và xúc tiến hiệu quả.
- Nguồn nhân lực du lịch của thành phố thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
- Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chưa được đầu tư đúng mức; hạn chế các cơ sở lưu trú cao cấp, các cơ sở vui chơi giải trí…v.v…
Việc đánh giá thực trạng phát triển du lịch của thành phố Hải Phòng là hết sức cần thiết trước thực tế du lịch đang được xác định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
3. Đề xuất hệ thống giải pháp phát triển du lịch thành phố Hải Phòng có tính kịp thời như giải pháp xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao…nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch của Hải Phòng.
4. Trong bối cảnh phát triển đó, liên kết vùng du lịch là một hướng đi phù hợp và đúng đắn. Thực tế một số bài học về liên kết vùng được phân tích ở mục 2.2, chương 2 cho thấy hiệu quả rõ ràng của liên kết trong hoạt động du lịch.
Dựa trên các điều kiện liên kết thuận lợi, luận án đã đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng ĐBSH (tập trung đến các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Nội).
5. Luận án “Phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc” đã đạt được mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu. Đây là công trình công phu và có ý nghĩa mới mẻ về mặt lý luận cũng như thực tiễn phát triển du lịch trong liên kết vùng ở Việt Nam nói chung và phát triển du lịch thành phố Hải Phòng trong liên kết vùng ĐBSH nói riêng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên luận án không tránh khỏi những thiếu sót. Những tồn tại của luận án chính là định hướng cho những nghiên cứu tiếp theo của tác giả. Nếu như được đầu tư hơn và tiếp cận tốt hơn với nhiều hệ thống tài liệu, số liệu…luận án sẽ có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu và đóng góp sâu rộng hơn nữa cho ngành Du lịch và Khoa học nước nhà. Tác giả luận án rất mong nhận được nhiều hơn những ý kiến quý báu của các học giả, nhà nghiên cứu để luận án được hoàn thiện hơn.