Kế hoạch hợp tác hóa của Lênin và những luận điểm quan trọng nhất được trình bày trong “Bàn về chế độ hợp tác xã” và kinh nghiệm thực hiện nó ở Liên Xô có một ý nghĩa quốc tế rất trọng đại đối với các nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội có đông đảo nông dân và những người sản xuất nhỏ. Việc đưa nông dân Liên Xô vào một cuộc sống mới, đi lên con đường của chủ nghĩa xã hội trên cơ sở kế hoạch hợp tác hóa của Lênin, áp dụng mọi hình thức hợp tác xã từ hình thức đơn giản nhất – phi sản xuất đến hình thức cao nhất – sản xuất (nông trang tập thể) không phải là hiện tượng có ý nghĩa cục bộ, không chỉ đặc trưng cho Liên Xô mà còn có ý nghĩa quốc tế.
Trong điều kiện của cuộc đấu tranh tư tưởng gay gắt với quy mô chưa từng thấy trong giai đoạn phát triển hiện nay của quá trình cách mạng thế giới, các nhà tư tưởng tư sản bằng mọi cách đang cố hạ thấp ý nghĩa quốc tế kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Liên Xô trong việc giải quyết vấn đề ruộng đất hạn chế ảnh hưởng của nó đối với các nước và các dân tộc bắt đầu đi theo con đường của chủ nghĩa xã hội. Họ cố chứng minh rằng kinh nghiệm hợp tác xã ở Liên Xô là không thể áp dụng ở các nước khác, bởi vì dường như nó mang “tính đặc trưng của Nga”, “tính hạn chế”, “tính không điển hình”,… Các nhà tư tưởng tư sản tìm cách đối lập các biện pháp của Lênin nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất – nông dân, cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nông dân sản xuất hàng hóa nhỏ với các con đường khác có vẻ “nhân đạo hơn”, đại loại như cái gọi là “chủ nghĩa xã hội dân chủ”, đặc biệt chú ý đến “các hình thức hợp tác xã tự do chủ nghĩa”, không công hữu hóa tư liệu sản xuất của nông dân, không tập thể hóa, không thủ tiêu giai cấp tư sản ở nông thôn.
Kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô, kinh nghiệm của các nước xã hội chủ nghĩa đã chỉ ra rằng những mưu toan đề ra “con đường thứ ba” về phát triển nền kinh tế nông dân sản xuất hàng hóa nhỏ là vô căn cứ vì chúng biểu hiện tâm trạng tiểu tư sản, cố biện hộ cho con đường phát triển tư bản chủ nghĩa đã không
còn chỗ đứng trong lịch sử của nông thôn thế giới. Kinh nghiệm đó đã khẳng định hết sức rõ rằng trong quá trình hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa của nông dân, điều cơ bản là việc công hữu hóa các tư liệu sản xuất nông nghiệp chủ yếu. Nếu không thì hợp tác xã nông nghiệp không thể bảo đảm đưa nông dân tới cuộc sống mới, đưa họ tới thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Kinh nghiệm của Liên Xô đã chỉ rõ trong quá trình hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nông dân không những chỉ giải quyết được nhiệm vụ xây dựng lại kinh tế ở nông thôn mà còn xây dựng lại toàn bộ lối sống, sinh hoạt và tâm lý của người tư hữu nhỏ.
Kinh nghiệm hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa của Liên Xô và việc áp dụng nó trong phạm vi toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đã chứng minh sức sống của kế hoạch hợp tác hóa của Lênin đối với các nước và các khu vực mà trình độ phát triển của lực lượng sản xuất tương đối cao hoặc trung bình cũng như đối với các khu vực mà trình độ phát triển kinh tế còn thấp. Kinh nghiệm lịch sử của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã xác nhận hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa nền kinh tế nông dân sản xuất hàng hóa nhỏ là quy luật chung cho tất cả các nước đang bước lên con đường của nghĩa xã hội.
Đối với Việt Nam, chế độ hợp tác xã thực sự đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa. Công cuộc hợp tác hóa ở miền bắc được thực hiện ngay sau ngày giải phóng, bắt đầu từ năm 1954 (trong nông nghiệp) đến năm 1960 được xác định: “Cơ bản hoàn thành” theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương VIII (khóa II) năm 1958 và sau đó là Nghị quyết Trung ương 16 (khóa II) vào năm 1959 về mở rộng hợp tác hóa ở miền Bắc để đến năm 1960 căn bản hoàn thành hợp tác hóa. Khi đó Đảng ta cho rằng làm ăn tập thể ưu việt hơn làm ăn cá thể, kinh tế cá thể tự phát sẽ đẻ ra chủ nghĩa tư bản và sẽ xuất hiện giai cấp bóc lột ở nông thôn; làm ăn tập thể sẽ tạo ra sức mạnh, sẽ giải quyết được những vấn đề kinh tế - xã hội của cộng đồng nông thôn. Do vậy, hợp tác hóa được thực hiện đồng nhất với tập thể hóa xóa bỏ hình thức sản xuất cá thể của hộ gia đình nông dân, kinh tế hộ chỉ còn tồn tại dưới hình thức kinh tế phụ gia đình. Điều đó có nghĩa là toàn bộ hoạt động sản xuất của người nông dân gắn chặt vào tổ chức kinh tế tập thể; mọi tư
liệu sản xuất đều thuộc về tập thể; tổ chức lao động tập trung dưới sự chỉ huy điều hành của ban quản trị và ban chỉ huy đội; phân phối cho xã viên theo ngày công sau khi đã trừ đi chi phí sản xuất, trừ các khoản nộp cho nhà nước, các khoản đóng góp khác và phúc lợi xã hội ở nông thôn; Ban quản lý hợp tác xã được giao đảm nhiệm hầu hết các chứ năng xã hội kể cả một số chức năng của chính quyền cơ sở… Trong những năm tiến hành hợp tác hóa theo mô hình nói trên, nhờ lao động tập thể, sử dụng tập trung các nguồn lực và được Nhà nước hỗ trợ đầu tư đáng kể nên đã xây dựng được những công trình thủy lợi, kiến thiết ruộng đồng, đường giao thông, trường học, nhà trẻ, bệnh xá… bộ mặt nông thôn miền Bắc đã có những đổi thay đáng kể và đóng góp quan trọng về sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.
Song mô hình tổ chức hợp tác xã kiểu tập thể hóa triệt để các loại tư liệu sản xuất trong thời gian này tự nó đã chứa đựng những khuyết tật cơ bản.
Từ những năm 1965, cả nước đi vào cuộc chiến đấu giải phóng và bảo vệ đất nước, miền Bắc vừa là hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam, vừa trực tiếp đánh trả chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc. Do tác động của chiến tranh và có nguồn viện trợ không hoàn lại từ bên ngoài, các hợp tác xã lại có thêm sức mạnh tư tưởng, tâm lý và vật chất để củng cố; những tiêu cực vốn có bên trong không có điều kiện bộc lộ ra. Hơn nữa, trong điều kiện chiến tranh, mô hình hợp tác xã cũ mang tính chất tập trung đã thể hiện rõ tính ưu việt, bởi vì nó có thể huy động tối đa sức người, sức của cho cuộc chiến đấu, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tất cả cho tiền tuyến, cho chiến thắng. Chính các hợp tác xã đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ những gia đình có người đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đảm bảo thực hiện tốt chính sách hậu phương, động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận yên tâm đánh giặc.
Sau năm 1975, chiến tranh kết thúc, đất nước hoàn toàn được giải phóng, chúng ta đã áp dụng máy móc mô hình hợp tác xã của miền Bắc vào miền Nam và hình dung chủ nghĩa xã hội sẽ được hình thành trên cơ sở phát triển nhanh mô hình hợp tác xã ấy. Nhưng thực tiễn đã chứng minh sự không thành công, rõ
nhất là ở đồng bằng Nam Bộ, nơi kinh tế hàng hóa đã có bước phát triển. Các hợp tác xã ở miền Bắc, sau khi chiến tranh kết thúc, nguồn viện trợ từ nước ngoài giảm dần, tình hình kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, bao cấp của nhà nước giảm dần, thì những bất cập của hợp tác xã mô hình cũ dần bộc lộ ra ngày càng rõ rệt làm cho các hợp tác xã càng lúng túng, khó khăn và suy giảm.
Nhận thức rõ yêu cầu của thực tiễn. Chỉ thị 100 của Ban Bí thư đưa ra các giải pháp tình thế (1981) nhằm khắc phục sự trì trệ của hợp tác xã, cơ chế khoán thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động đã tác động kích thích người lao động hăng hái lao động sản xuất.
Song, khoán 100 thực chất mới chỉ tác động chủ yếu vào khâu phân phối, do đó, chưa làm thay đổi căn bản mô hình hợp tác xã nông nghiệp cũ. Vì vậy, động lực do khoán 100 tạo ra đã sớm bộc lộ hạn chế và không duy trì được dẫn đến tình hình trì trệ trở lại vào những năm 1985, 1986. Đường lối đổi mới do Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đã khẳng định phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần trong các ngành và lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Kinh tế hợp tác xã, được khẳng định cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế, đồng thời thừa nhận sự tồn tại của kinh tế hợp tác xã phải đi đôi với sự phát triển đa dạng các hình thức từ thấp đến cao, hợp tác xã là nòng cốt của kinh tế hợp tác.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế hợp tác với bộ phận nòng cốt là các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được nhận thức lại và đổi mới trên cơ sở Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị ngày 5/4/1988, trên tinh thần đó Đảng chủ trương phải tổ chức lại sản xuất trong các hợp tác xã nông nghiệp thành đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản; điều chỉnh một bước quan hệ sở hữu, quan hệ quản lý giữa hợp tác xã với các hộ xã viên; đổi mới quan hệ phân phối – xóa bỏ chế độ phân phối theo công điểm, xác định hộ xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, được khuyến khích làm giàu. Xác định kinh tế hợp tác có nhiều hình thức từ thấp đến cao, mọi tổ chức sản xuất – kinh doanh do người lao động tự nguyện góp vốn, góp sức, được quản lý theo nguyên tắc dân chủ đều là hợp tác xã.
Tổng kết hơn 10 năm thực hiện đổi mới, Nhà nước ta đã chủ trương luật pháp hóa những kết quả đạt được đối với hợp tác xã nhằm tạo khung pháp lý cho loại hình tổ chức kinh tế hợp tác xã kiểu mới hoạt động, do vậy, Luật hợp tác xã đã được Quốc hội thông qua ngày 20/03/1996 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1997. Luật đã xác định rõ mô hình hợp tác xã kiểu mới với các nội dung hoạt động của nó. “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tự chủ do những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật để phát huy sức mạnh của tập thể và của từng xã viên nhằm giúp nhau thực hiện có hiệu quả hơn các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ IX (4/2001) đã tiếp tục khẳng định: “Phát triển kinh tế tập thể với các hình thức hợp tác xã đa dạng. Chuyển đổi hợp tác xã củ theo Luật hợp tác xã đạt hiệu quả thiết thực. Phát triển hợp tác xã kinh doanh tổng hợp đa ngành hoặc chuyên ngành để sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ, tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh phù hợp quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ V khóa IX (3/2002) phần về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, đã tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng về kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã . Nghị quyết nêu rõ: “Cần củng cố những tổ hợp tác và hợp tác xã hiện có, tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế hợp tác với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn có điều kiện… Mở rộng các hình thức liên doanh, liên kết kinh tế giữa tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp nhà nước. Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã”.
Như vậy, có thể nói rằng, quá trình đổi mới về tư duy và nhận thức đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã và kinh tế hợp tác với nòng cốt là các hợp tác xã đều bắt nguồn từ tổng kết thực tiễn, tôn trọng quy luật phát triển khách quan của sự vật, vì lợi ích thiết thực của nhân dân lao động. Từ đó, Nhà nước đã đề ra
định hướng đúng để đổi mới kinh tế, phát triển kinh tế tập thể và cùng với kinh tế nhà nước trở thành chủ đạo trong nền kinh tế nước ta
KẾT LUẬN
Trên cơ sở những vấn đề lý luận về những phương pháp nghiên cứu chuyên ngành Kinh tế chính trị, đồng thời, qua việc phân tích và làm rõ những phương pháp nghiên cứu của Kinh tế chính trị trong tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác xã” của V.I.Lênin, học viên đã nhận thức sâu sắc hơn về tính đặc thù của chuyên ngành Kinh tế chính trị, để từ đó có cái nhìn và cách tiếp cận những vấn đề kinh tế chính trị về sau. Thông qua tác phẩm, ta có thể thấy rằng, chế độ hợp tác xã có những ý nghĩa đặc biệt là do đặc điểm cơ bản của chế độ chính trị quy định. Đó là khi cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân để lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản đã thắng lợi, khi mọi tư liệu sản xuất đều do chính quyền Nhà nước nắm, tức là mọi quyền lực đều thuộc về tay nhân dân, quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế đều do nhân dân nắm hết. Và trong điều kiện đó, chỉ khi có những điều kiện đó thì hợp tác xã mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần thiết. Tác phẩm “Bàn về chế độ hợp tác xã” là sự tổng kết những ý tưởng về hợp tác xã và chế độ hợp tác xã của Lênin từ những bài viết, bài nói trước và trong thời kỳ thực hiện chính sách kinh tế mới. Tác phẩm có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với nước Nga lúc bấy giờ, mà còn có ý nghĩa quốc tế trọng đại đối với những nước đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó có Việt Nam.