Xuất, kiến nghị

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CÁC CHỨC NĂNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP (Trang 40 - 42)

Qua đánh giá hình hình thực hiện Luật TTTP có thể thấy các hoạt động tương trợ tư pháp gồm nhiều nội dung từ xây dựng văn bản pháp luật, đàm phán ký kết các hiệp định, thực hiện ủy thác tư pháp và quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đến theo dõi thực thi pháp luật. Đồng thời, công tác tương trợ tư pháp liên quan đến nhiều Bộ, ngành, từ cấp trung ương đến địa phương, từ các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng chính sách đến cơ quan trực tiếp thực thi pháp luật. Hiệu quả của hoạt động tương trợ tư pháp tác động trực tiếp đến công tác xét xử, điều tra, thi hành án của các cơ quan nhà nước ta và tác động trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của các cá nhân, tổ chức có liên quan. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các vấn đề pháp lý về dân sự, thương mại, hình sự có liên quan đến yếu tố nước ngoài cũng sẽ ngày càng gia tăng, cần vào tương trợ tư pháp. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả của công tác tương trợ tư pháp là nhu cầu cấp thiết của sự phát triển, là nhiệm vụ đặt ra đối với các cơ quan có liên quan. Từ thực tiễn tình hình thực hiện Luật TTTP cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác tương trợ tư pháp, các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan ở các cấp cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp thực hiện tốt các quy định của Luật TTTP.

Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật TTTP, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong công tác tương trợ tư pháp, căn cứ vào thực tiễn công tác tương trợ tư pháp thời gian qua, Báo cáo xin đề xuất các cơ quan có liên quan cần thực hiện các giải pháp sau đây:

1. Về công tác xây dựng hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp

- Cần nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật TTTP và các đạo luật chuyên ngành có liên quan cho thống nhất, đồng bộ, phù hợp thực tiễn.

- Cần chuẩn bị tổng kết 5 năm thi hành Luật TTTP.

2. Về công tác điều ước quốc tế

- Thực hiện tổng rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Hiệp định tương trợ tư pháp đã có hiệu lực để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thông qua việc tăng cường công tác tổ chức thực hiện hoặc sửa đổi, bổ sung hay đàm phán mới các hiệp định này.

- Xây dựng Kế hoạch dài hạn về đàm phán, ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế song phương và đa phương về tương trợ tư pháp;

- Xây dựng Đề án nghiên cứu khả năng của Việt Nam gia nhập Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại;

- Tập hợp, đăng và xuất bản toàn văn các Hiệp định liên quan đến tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

3. Công tác thực hiện ủy thác tư pháp

- Chuẩn hóa quy trình thực hiện ủy thác tư pháp. Xây dựng và ban hành các biểu mẫu hồ sơ thực hiện ủy thác tư pháp nhằm hỗ trợ cho các cơ quan thực hiện ủy thác tư pháp được thống nhất, đúng quy định

- Rà soát, đánh giá việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong thực hiện ủy thác tư pháp đối với các nước.

- Áp dụng công nghệ thông tin cho công tác ủy thác tư pháp. Sớm hoàn thiện và đưa vào ứng dụng phần mềm hệ cơ sở dữ liệu quản lý hồ sơ ủy thác tư pháp.

- Nghiên cứu khả năng xã hội hóa một số hoạt động tương trợ tư pháp.

4. Quản lý nhà nước

- Các Bộ, ngành chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ theo Luật TTTP và triển khai đồng bộ trong lĩnh vực mình phụ trách. Cải thiện công tác thông tin, thống kê và phối hợp liên ngành trong công tác tương trợ tư pháp.

- Tăng cường công tác thông tin về công tác tương trợ tư pháp. Xây dựng một hệ cơ sở dữ liệu liên ngành về tương trợ tư pháp trong đó cung cấp các thông tin cập nhật phục vụ cho công tác tương trợ tư pháp như hệ thống các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, các văn bản pháp luật có liên quan, các thông tin về ủy thác tư pháp, các thông tin về pháp luật các nước về tương trợ tư pháp.

- Cần phổ biến, công bố và thường xuyên cập nhật các điều ước quốc tế liên quan đến tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết, tham gia cũng như các quy định pháp luật của các nước về tương trợ tư pháp.

- Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực tương trợ tư pháp.

- Hoạt động tổng kết, đánh giá hoạt động tương trợ tư pháp cần đi vào thực chất hơn, bám sát yêu cầu phục vụ hoạt động tố tụng trong nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hội nhập quốc tế.

- Tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất và phương tiện để phục vụ tốt hơn cho hoạt động tương trợ tư pháp.

5. Về tổ chức và cơ chế phối hợp

- Tiếp tục hoàn thiện về tổ chức và kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tương trợ tư pháp tại các Bộ, ngành và địa phương. Cần xây dựng kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi trong công tác này, cả về chuyên môn pháp luật quốc tế và ngoại ngữ. Gắn công tác tương trợ tư pháp với các vấn đề tư pháp quốc tế khác, kể cả giải quyết các tranh chấp quốc tế, để tận dụng được nguồn lực cán bộ còn mỏng hiện nay. Quan tâm tới công tác cán bộ làm tương trợ tư pháp tại một số địa phương có số lượng ủy thác lớn. Nghiên cứu xây dựng đề án về công tác tổ chức và cán bộ trong lĩnh vực này.

- Bộ Tư pháp cần tăng cường phát huy tốt vai trò là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tương trợ tư pháp theo quy định hiện hành.

- Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, đặc biệt là phối hợp giữa các đơn vị đầu mối và cán bộ trực tiếp thực hiện của các Bộ, ngành để trao đổi thông tin nhanh chóng và giải quyết kịp thời các yêu cầu tương trợ cũng như các vụ việc cần có sự thống nhất của liên ngành, đảm bảo phù hợp với đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước, phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Giữa các cơ quan đầu mối trong từng lĩnh vực nên xây dựng Quy chế phối hợp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các yêu cầu tương trợ

- Tăng cường trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài về những vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện các ủy thác tư pháp với Việt Nam để có hướng xử lý thích hợp. Các cơ quan đầu mối trong công tác tương trợ tư pháp cần chú trọng và tăng cường thiết lập và củng cố quan hệ hợp tác trực tiếp với các cơ quan thực hiện tương trợ tư pháp của các nước để thúc đẩy tiến độ và nâng cao kết quả thực hiện ủy thác tư pháp của Việt Nam ra nước ngoài;

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế phối hợp xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của mỗi cơ quan, các biện pháp xử lý các vấn đề phát sinh trong công tác tương trợ tư pháp./

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU ĐÁNH GIÁ CÁC CHỨC NĂNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN VÀ CƠ CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(42 trang)