phép đo FTIR
Phổ hồng ngoại biến đổi Fourier (FTIR) là một phương pháp phổ biến để xác định các liên kết trong vật liệu. Do đó, để xác định các liên kết trong vật liệu MnFe2O4 và MnFe2O4/C, tiến hành phân tích phổ FTIR của các vật liệu này. Hình 3.3 là phổ FTIR của các hạt nano MnFe2O4 và MnFe2O4/C. Kết quả cho thấy các mẫu đều xuất hiện các đỉnh phổ tại bước sóng 3315,63 cm-1 và 3424,6 cm-1 đặc trưng cho các nhóm hydroxyl –OH của nước có trong mẫu, các đỉnh phổ tại các bước sóng 1145 cm-1, 1383,5 cm-1, 1602 cm-1 đặc trưng cho nhóm liên kết Cacboxyl –COOH. Bên cạnh đó, còn có sự hình thành liên kết Mn-Fe-O trên cả hai mẫu MnFe2O4 và MnFe2O4/C với các đỉnh phổ đặc trưng tại bước sóng 564,7 cm-1 [23]. Đặc biệt ở mẫu MnFe2O4/C có sự dịch chuyển bước sóng đặc trưng của liên kết Mn-Fe-O (564,7 cm-1) của mẫu MnFe2O4 về phía bước sóng dài hơn (581,6 cm-1). Điều này chứng tỏ đã có sự tương tác của cacbon lên các liên kết của MnFe2O4. Điểm khác biệt ở đây là ngoài các đỉnh hấp phụ đặc trưng cho vật liệu MnFe2O4 thì trên mẫu MnFe2O4/C còn xuất hiện thêm các đỉnh phổ tại bước sóng 1695,4 cm-1 và 2357 cm-1. Trong đó bước sóng 1695,4 cm-1 là của liên kết Cacboxyl –COOH và 2357 cm-1 có ngồn gốc từ liên kết Cacbonyl C=O. Các kết quả thu được từ phổ FTIR của MnFe2O4/C là bằng chứng cho thấy tồn tại một lượng đáng kể các nhóm cacboxyl và hydroxyl trên mẫu. Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy các nhóm chức này trên bề mặt cacbon không những có vai trò quan trọng trong việc hình thành cấu trúc tổ hợp giữa các vật liệu mà còn là yếu tố làm tăng hiệu quả khi xử lý kim loại và chất màu [36]–[38]. Do đó, vật liệu nano tổ hợp MnFe2O4/C chế tạo được có tiềm năng ứng dụng cao khi xử lý MB trong nước.
Hình 3.3:Phổ FTIR của các hạt MnFe2O4 và MnFe2O4/C