Điểm Apgar ở phút thứ nhất > 7 ở trẻ thứ nhất (67,2%), trẻ thứ 2 (66,8%) (bảng 3.12), khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Bảng 3.13 cho thấy thai non tháng có điểm Apgar > 7 là 53,1% thấp hơn thai đủ tháng (98%), khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Điểm Apgar > 7 của trẻ mổ lấy thai (76,1%) cao hơn trẻ đẻ thường (20,3%). Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh Nguyệt, trẻ song thai chung và nhóm mổ lấy thai đều có điểm Apgar > 7 cao hơn nhóm < 7 [8]. Do trẻ chỉ định đẻ đường âm đạo thường ờ nhóm non tháng, điểm Apgar thấp, hơn nữa mổ lấy thai giúp giảm các tai biến cho trẻ khi sinh đường âm đạo như tổn thương đám rối thần kinh cánh tay do kẹt vai, gãy xương đòn, xương đùi,… và biến chứng ngạt do sa dây rốn, rau bong non…
4.2.8. Tử vong sơ sinh
Tỷ lệ tử vong sơ sinh trong song thai chiếm tỷ lệ cao, nguyên nhân chính của tử vong sơ sinh trong đẻ song thai là do đẻ non. Sau đó là các nguy cơ khác như: dị dạng thai, thai chậm phát triển trong tử cung, hội chứng truyền máu… Theo biểu đồ 3.7 tỷ lệ tử vong sơ sinh là 7,7% ở cả thai thứ nhất và thai thứ 2 và 100% ở thai non tháng (bảng 3.15). Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hạnh (2003 – 2004) thì tỷ lệ tử vong sơ sinh là 6,3% [6 ], tỷ lệ này của tác giả Nguyễn Thị Kiều Oanh (2004 – 2006) là 15,5% [7]. Nghiên cứu của tác giả Nguyễn Minh nguyệt (2006 – 2007) chỉ ra tỷ lệ tử vong sơ sinh là 4,5% giai đoạn 1996 – 1997, và giai đoạn 2006 – 2007 là 2,1% [8], tác giả Jahn A, Kynast - Wolf G, Kouyate B,Becher H (2006) tỷ lệ tử vong sơ sinh trong đẻ song thai cao gấp 4 đến 6 lần so với đẻ một thai [23].