CHƯƠNG 3: KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu tiểu luận đàm phán kinh tế quốc tế (các FTA có làm tăng phúc lợi cho việt nam) (Trang 26 - 29)

Mục đích của bài nghiên cứu này là trả lời câu hỏi các hiệp định thương mại tự do có làm tăng phúc lợi cho Việt Nam hay không bằng việc phân tích các chỉ số thương mại giữa Việt Nam và các nước trong khối hiệp định thương mại. Từ những nghiên cứu trên, nghiên cứu mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các nước tham gia hiệp định AFTA, EVFTA và CPTPP nhóm đi tới những kết luận sau đây:

Thứ nhất, hoạt động thương mại nội khối giữa các khu vực mà Việt Nam tham gia là AFTA, CPTPP có ý nghĩa quan trọng với hoạt động thương mại của mỗi nước thành viên, song tỉ lệ này giữa các khối còn có sự chênh lệch (của AFTA trung bình là 25,53%, của CPTPP trung bình là 15,21%) cho thấy hiệu quả hợp tác thương mại của mỗi khối là khác nhau. Việc tham gia các hiệp định thương mại này có mang lại tác động tích cực cho Việt Nam thông qua cơ hội tiếp cận với nhiều thị trường tiềm năng cũng như những ưu đãi trong quan hệ thương mại quốc tế, tăng tỉ trọng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, vị thế của Việt Nam trong các khối này thường là nhập siêu và tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam trong nội khối cũng thua kém nhiều quốc gia khác. Sự thua kém này xuất phát từ những bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh của nước ta, đặc biệt là khó khăn về công nghệ khiến giá trị hàng xuất khẩu thấp hơn so với giá trị của nhập khẩu.

Thứ hai, bằng việc phân tích chỉ số tương đồng thương mại ESI giữa Việt Nam và các nước EU15, nhóm tác giả thấy rằng chỉ số này có xu hướng tăng từ giai đoạn 2007-2018 và đạt giá trị trung bình cao vào năm 2018. Từ đó cho thấy, cấu trúc xuất khẩu của Việt Nam với phần lớn quốc gia EU15 đang có xu hướng hội tụ và mức độ cạnh tranh xuất khẩu giữa Việt Nam và những quốc gia này trên thị trường thế giới sẽ ngày càng cao. Cùng với đó, mức tăng lên đáng kể của chỉ số ESI giữa Việt Nam và phần đông các quốc gia trong EU15 cũng phần nào thể hiện mức tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và mức độ công nghiệp hóa ở Việt Nam. Như vậy, kết quả này cho thấy có sự cạnh tranh đáng kể giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với các nước phát triển trong khối EU trên thị trường quốc tế cũng như những thị trường lớn là Mĩ và Trung Quốc, đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam về vấn đề cạnh tranh xuất khẩu.

Thứ ba, qua tính toán chỉ số RCA, nhóm tác giả thấy được Việt Nam có lợi thế so sánh khi xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm 0, nhóm 7, nhóm 8, trong tổng số 10

nhóm hàng theo phân loại SITC rev3. Cụ thể hơn, các nhóm hàng có khả năng bị cạnh tranh lớn nhất từ EU15 (do EU15 có lợi thế so sánh cao trong khi Việt Nam không có lợi thế so sánh) bao gồm nhóm hàng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 9. Các ngành Việt Nam vừa có cơ hội xuất khẩu nhưng đồng thời sẽ gặp phải sức ép cạnh tranh từ EU15 (Việt Nam và EU15 đều có lợi thế so sánh) là nhóm 0, nhóm 7, và nhóm 8, trong đó, các mặt hàng thuộc nhóm 0 sẽ chịu cạnh tranh lớn nhất do có đến 9/15 nước EU15 có lợi thế so sánh trong xuất khẩu nhóm hàng này. Đồng thời, nhóm hàng 0, 7 và 8 cũng là các nhóm hàng có thể phát triển thương mại nội ngành trong tương lai (do Việt Nam và EU đều có lợi thế so sánh). Cụ thể, thông qua phân tích chỉ số thương mại nội ngành IIT cho 10 mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang EU, nhóm tác giả đã chỉ ra các mặt hàng mà Việt Nam mức độ thương mại nội ngành của Việt Nam với các nước châu Âu trong còn thấp, cao nhất ở hai mặt hàng SITC74 và SITC77. Một số nguyên nhân khiến thương mại nội ngành của Việt Nam và các nước Châu Âu còn thấp là do trình độ phát triển giữa các quốc gia còn cách xa, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam với các nước châu Âu lớn và đồng thời do rào cản thương mại của Việt Nam còn tương đối cao.

Có thể nói, thông qua phân tích chỉ số RCA, IIT của Việt Nam và EU cho thấy thương mại giữa Việt Nam và EU chủ yếu mang tính liên ngành do RCA của hai bên khác nhau rõ rệt, cùng với chỉ số IIT tương đối thấp. Bên cạnh đó, thương mại nội ngành có tiềm năng xảy ra ở mức độ cao trong nhóm ngành máy móc cơ khí, thiết bị điện và điện tử. Do đó, đối với ngành này, Việt Nam cần thúc đẩy chuyên môn hóa, mở rộng ngành để khai thác tính kinh tế của quy mô, từ đó gia tăng cơ hội xuất khẩu.

Như vậy, rõ ràng nhận thấy Việt Nam có thu được phúc lợi từ các hiệp định thương mại tự do, song bên cạnh đó là rất nhiều thách thức mà Việt Nam cần đối mặt và giải quyết khắc phục để có thể tận dụng tối đa lợi ích mà các FTA mang lại. Để làm được vậy, cần có những giải pháp thiết thực để gia tăng thương mại giữa Việt Nam và các nước EU, cụ thể như sau:

Thứ nhất, với các nhóm ngành Việt Nam vừa có cơ hội xuất khẩu, vừa chịu sức ép cạnh tranh tương đối cao do cả hai bên đều có lợi thế so sánh, Việt Nam và EU có ttheer thúc đẩy thương mại dựa trên cơ sở xuất khẩu các sản phẩm đặc thù mà mỗi bên có ưu thế như thủy sản với Việt Nam và sản phẩm từ sữa với EU. Ngoài ra, Việt Nam

cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa sản phầm để giữa vững được lợi thế so sánh và thị phần xuất khẩu trên thị trường EU (Vũ Thanh Hương và cộng sự, 2016).

Thứ hai, do hiện nay, mức độ thương mại nội ngành của Việt Nam với EU còn thấp, mà chủ yếu là thương mại liên ngành, do đó, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu liên ngành với EU để thúc đẩy quá trình phân bổ nguồn lực hiệu quả cũng như thúc đẩy lợi thế so sánh của mình trong các nhóm ngành 0, 7 và 8, đồng thời khai thác gián tiếp lợi thế so sánh của EU (Vũ Thanh Hương và cộng sự, 2016).

Thứ ba, với những nhóm ngành mà Việt Nam có thương mại nội ngành ở mức độ cao như ngành máy móc, cơ khí và thiết bị điện, điện tử, Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy và mở rộng sự phát triển của ngành này trên thị trường nội địa để khai thác tính kinh tế của quy mô và chuyên môn hóa trong thương mại nội ngành với EU (Vũ Thanh Hương và cộng sự, 2016). Bên cạnh đó, thương mại nội ngành trong ngành này cũng hàm ý rằng, với những ưu đãi từ EVFTA, sự gia tăng nhập khẩu từ EU đối với nhóm ngành này sẽ không hoàn toàn là thách thức, mà còn có thể góp phần tạo nên nền tảng để Việt Nam phát triển sản xuất trong nước, từ đó, gia tăng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của ngành máy móc cơ khí và thiết bị điện điện tử.

Thứ tư, để đẩy mạnh thương mại nội ngành giữa Việt Nam và các quốc gia EU, đồng thời, giảm tính cạnh tranh của hàng hóa từ Việt Nam và EU trên thị trường quốc tế, cũng như tại các thị trường trọng điểm như Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cần có các biện pháp nhằm nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người, giảm thiểu khoảng cách về thu nhập giữa Viêt Nam và căc nước EU, và tiếp tục cải cách chính sách thương mại quốc tế theo hướng hội nhập (Nguyễn Khánh Doanh, 2010).

Tóm lại, những tác động của các hiệp định thương mại nói chung, hay EVFTA nói riêng, sẽ đem lại những cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa các cơ hội và vượt qua các thách thức, Việt Nam cần có những bước đi chiến lược để đón đầu các ưu đãi mà EVFTA mang lại cho Việt Nam và EU. Việc hiểu rõ hơn các cơ hội và thách thức thông qua phân tích các chỉ số ESI, RCA, IIT để có được các chính sách khả thi, hiệu quả, giúp gia tăng thương mại Việt Nam và các nước EU là điều cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam.

Một phần của tài liệu tiểu luận đàm phán kinh tế quốc tế (các FTA có làm tăng phúc lợi cho việt nam) (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(34 trang)
w