III Tác động đối với một số lĩnh vực thương mại dịch vụ chính
3 Đối với dịch vụ thông tin-viễn thông-máy tính
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng công nghiệp 4.0) đã và đang diễn ra sâu, rộng với tốc độ phát triển không ngừng trên toàn thế giới, trong tất cả các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống, xã hội. Viễn thông cũng không nằm ngoài dòng chảy và xu thế phát triển tất yếu đó. Trong cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới, Điện tử - Viễn thông đóng vai trò quan trọng. Các yếu tố của thế giới số trong cách mạng công nghiệp thứ 4 sẽ là:
Trí tuệ nhân tạo (AI): Là ngành khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Dữ liệu lớn (Big Data) và khoa học dữ liệu (Data Science): bao gồm các công nghệ xử lý tập dữ liệu lớn và phức tạp mà các ứng dụng truyền thông không xử lý được. Internet vạn vật (IOT): mạng Internet được sử dụng như một mạng toàn cầu kết nối các thiết bị công nghệ, trở thành một công cụ đóng vai trò tạo thành các dịch vụ, ứng dụng tiên tiến.
Điện tử - Viễn thông ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ của Thế giới số và tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm.
Biểu đồ 6: Tăng trưởng trung bình hàng năm của xuất khẩu dịch vụ ở các nước đang phát triển từ 2005 đến 2017
Không có gì ngạc nhiên khi các dịch vụ đã trải qua sự tăng trưởng mạnh mẽ bao gồm các dịch vụ có thể được cung cấp điện tử và được hưởng lợi từ hiệu quả tăng của mạng kỹ thuật số. Từ năm 2005 đến 2017, xuất khẩu của các tiểu ngành tăng trưởng nhanh nhất là "viễn thông, máy tính và dịch vụ thông tin", tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 13%. Hầu hết các giao dịch trong danh mục này liên quan đến các dịch vụ máy tính, đã tăng 18% mỗi năm so với cùng kỳ.
Mạng dữ liệu di động 4G đang phổ biến trên toàn thế giới, nhưng giờ đây người ta bắt đầu nói về công nghệ kế nhiệm của nó, 5G. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng của Internet vạn vật (IoT) trên toàn thế giới và công nghệ nhà thông minh và thành phố thông minh, 4G sẽ nhanh chóng bị thay thế là điều không tránh khỏi. Với tốc độ truyền dữ liệu cực cao, khả năng kết nối cực lớn, độ trễ thấp, công suất lớn, nguồn tiêu thụ nhỏ, 5G sẽ làm được nhiều việc mà 4G không đáp ứng được. Mạng 5G sẽ kết nối hàng tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo, giúp mọi vật giao tiếp với nhau, những hệ thống tự động hóa sẽ thực hiện đúng như ý muốn con người. 5G sẽ thay đổi cơ bản cuộc sống của loài người.
Trong thời đại công nghệ 4.0, khách hàng đang mỗi ngày một yêu cầu dữ liệu nhiều hơn để truy cập vào những ứng dụng như xem video, nghe nhạc, gọi xe, và vào mạng xã hội. Kỹ nghệ viễn thông Đông Nam Á cũng đi theo đường lối này, bởi đây là một khu vực đang phát triển nhanh.
Doanh thu từ những cuộc gọi đang lao dốc, và bù vào đó là lượng sử dụng data hay dữ liệu tăng cao đối với từng người, đặc biệt tăng nhanh đối với tầng lớp trung lưu đang mỗi năm một đông thêm tại đây. Bên cạnh sự nổi lên của cái gọi là “video on demand” ở trên, số lượng cuộc gọi giảm đi nhanh chóng. Các dịch vụ dựa trên dữ liệu như WhatsApp hay Viber đang làm thay đổi hành vi gọi điện ở Đông Nam Á bằng những cuộc điện đàm sang sử dụng dữ liệu. Cũng vậy các tin nhắn SMS truyền thống nay được thay thế bằng những ứng dụng di động khác. Phần lớn người ta sẽ chọn sử dụng Facebook, Wechat,... các ứng dụng mạng xã hội để liên lạc hay Gmail để trao đổi những thông tin quan trọng hơn thay vì gửi SMS như trước đây bởi sự tiện lợi và không phải trả phí. Lớp trẻ và những người dưới 45 tuổi là bộ phận quen thuộc và là khách hàng tập trung của những ứng dụng sử dụng dịch vụ dựa trên dữ liệu bởi tính chất thích ứng nhanh và thích cái mới, nhanh chóng, tiện lợi , trở thành nòng cốt cho việc phát triển hệ sinh thái viễn thông số nay mai.
Biểu đồ 7: Tốc độ tăng trưởng hàng năm của số lượng người dùng mạng xã hội Gần 1 triệu người bắt đầu sử dụng mạng xã hội lần đầu tiên mỗi ngày trong năm qua - điều đó tương đương với hơn 11 người dùng mới mỗi giây. Số người trên toàn cầu sử dụng mạng xã hội đã tăng 13% trong 12 tháng qua, với Trung và Nam Á ghi nhận mức tăng nhanh nhất (tăng lần lượt là 90% và 33%)
Bên cạnh đó, lượng đăng ký truyền hình cáp mất dần sức lôi kéo khi mà nhiều khách hàng tìm đến với công nghệ truyền tải không dây OTT (Over-the-top, thuật ngữ chỉ những dữ liệu được cung cấp trên nền tảng Internet nhưng không một nhà cung cấp mạng hay bất kỳ tổ chức nào có thể can thiệp tới) để có thể xem phim trực tiếp từ ứng dụng Netflix hay nghe nhạc trên ứng dụng Spotify.
Với mức độ kết nối Internet mỗi lúc một cao, nhu cầu dữ liệu di động cũng tăng lên theo cấp số nhân.
Dưới đây là Biểu đồ 8: biểu đồ về lượng dữ liệu điện thoại trung bình hàng tháng sử dụng qua từng quý từ quý 3 năm 2012 đến quý 3 năm 2017.
Với những ai đi du lịch hay thường phải di chuyển từ nước này sang nước khác, việc đổi SIM điện thoại từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước này sang nhà cung cấp dịch vụ nước sở tại là điều phiền hà. Nhưng một khuynh hướng sử dụng thứ SIM mang tính quốc tế gọi là eSIM đã bắt đầu và xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á từ hai năm nay. Trong tương lai những con chip gọi là eSIM này được gắn sẵn vào trong các thiết bị, từ điện thoại thông minh đến máy tính
xách tay hay máy tính bảng nhằm bảo đảm sự kết nối di động liên tục giữa các thiết bị, bất kể ở đâu và vào lúc nào. Năm 2017, tại sự kiện COMPUTEX Taipei, tập đoàn Microsoft đã gợi ý một hệ thống máy tính luôn luôn kết nối bằng việc tích hợp vào đó các eSIM. Ý tưởng này sẽ nhanh chóng thành sự thực, bởi ngay từ bây giờ các nhà sản xuất điện thoại như ASUS, Huawei, Lenovo, Sony và Xiaomi cùng các thương hiệu máy tính như Dell và HP đang đẩy mạnh công nghệ mới này. Công nghệ eSIM sẽ làm thay đổi cấu trúc các công ty dịch vụ điện thoại, và những công ty nhỏ hơn nhưng sở hữu công nghệ 4G hay 5G sẽ nổi lên. Quá trình chuyển đổi sẽ kéo dài trong một thời gian, với SIM và eSIM cùng hiện diện trong một thiết bị.
Như vậy, trong thời đại 4.0, dịch vụ thông tin - viễn thông - máy tính cũng đang thay đổi từng ngày để đáp ứng nhu cầu của con người, đặc biệt đây sẽ là thời đại mà dịch vụ dữ liệu theo yêu cầu và kết nối toàn cầu là tương lai của ngành viễn thông thế giới.