Các giá trị đạo đức trong mệnh lệnh tuyệt đối

Một phần của tài liệu Mệnh lệnh tuyệt đối trong đạo đức học của Cantơ (Trang 64 - 82)

1. 2 Cấu trúc lôgíc của mệnh lệnh tuyệt đối

2.2. Các giá trị đạo đức trong mệnh lệnh tuyệt đối

Khi qui định một hình thức ứng xử xác định như cái cần thiết, mệnh lệnh tuyệt đối đồng thời cũng giả định nó là một giá trị đạo đức. Trong đạo đức học Cantơ không có những chuẩn mực khác để đánh giá các hành vi con người ngoài qui tắc - mệnh lệnh tuyệt đối. Trong lý luận Cantơ, sự thống nhất giữa phương diện mệnh lệnh và phương diện đánh giá của đạo đức được qui định bởi việc năng lực mong muốn đóng vai trò là cơ sở của đạo đức. Cái mong muốn sẽ được đánh giá là cái tốt nếu chủ thể mong muốn và chủ thể đánh giá là một. Kiểu luận chứng đặc biệt như vậy về năng lực mong muốn đã cho phép Cantơ đặt ra vấn đề về tính đặc thù của giá trị đạo đức và của sự đánh giá đạo đức. Sự khác nhau của mức độ năng lực mong muốn (cao và thấp) đã tạo tiền đề cho việc phân định giữa phúc lợi (tức giá trị nói chung) và cái Thiện (tức giá trị đạo đức): ''Phúc lợi hay bất hạnh thường chỉ có quan hệ với tâm trạng dễ chịu hoặc không dễ chịu, hài lòng hoặc đau khổ của chúng ta; và vì vậy, nếu chúng ta mong muốn một đối tượng nào đó hay cảm thấy kinh tởm nó thì điều đó thường liên quan đến cảm xúc của chúng ta, kích thích tình cảm khoái lạc và không khoái lạc. Còn cái Thiện và cái Ác thường quan hệ với ý chí vì ý chí được qui định bởi qui luật của lý tính...''[23, 4, I, tr. 382-383].

Theo Cantơ, cái Thiện khác với Phúc lợi ở chỗ: thứ nhất, trong mối quan hệ cảm xúc, cái Thiện không gắn với cảm giác dễ chịu kể cả về cội nguồn xuất hiện

cũng như về tác động của nó; thứ hai, vì Phúc lợi không phải là thuộc tính của các khách thể tự thân chúng, nó sẽ không thể có được chừng nào chưa được tạo ra. Phúc lợi cũng sẽ không phải là hạnh phúc nếu thiếu đi quan hệ của nó với tình cảm, còn cái Thiện không chỉ đòi hỏi mối quan hệ với lý tính, mà còn được sinh ra bằng cách thức đó. Không nên coi cái Thiện là một trạng thái tùy tiện của tâm hồn và thể xác: '' Cái Thiện hay cái Ác quan hệ một cách đặc biệt với các hành vi chứ không phải với tâm trạng của cá nhân, và nếu cái gì đó cần phải hoàn toàn là hoặc thiện hay hoặc ác hay được coi là như thế, thì chỉ có lối ứng xử theo qui tắc của ý chí và bản thân cá nhân hành động với tư cách là con người thiện hoặc con người ác mới có thể là như vậy, nhưng không thể coi vật là như vậy được''[23, 4, I, tr. 383]. Cantơ tước bỏ những đặc điểm bản thể luận của cái Thiện và cái Ác. Đồng thời ông cũng giải thoát tồn tại khỏi các dấu hiệu đạo đức và vô đạo đức.

Sự phân biệt một mặt, cái Thiện và cái Ác, mặt khác Hạnh phúc (Phúc lợi) và Bất hạnh một lần nữa chứng tỏ kết luận đúng đắn của Cantơ về việc cái Ác không bắt nguồn từ bản tính tình cảm của con người. Mặt khác, cái Thiện không thể bắt nguồn chỉ từ lý tính, rằng lý tính là cấp bậc duy nhất và cuối cùng của nó (như Cantơ đã nhận định). Cantơ cũng chỉ rõ: ''Từ việc một thực thể nào đó có lý tính thì vẫn không suy ra được rằng nó có năng lực qui định tính độc đoán một cách tuyệt đối dường như chỉ bằng một quan niệm về tính có lợi của qui tắc của thực thể đó với tư cách là sự xác lập nguyên tắc phổ biến... Nếu như qui luật đó không có sẵn trong chúng ta thì chúng ta sẽ không thể bằng lý tính mà nghĩ ra được ...''[23, 4, II, tr. 27-28].

Luận điểm trên có nghĩa rằng, đối với đạo đức thì chỉ một khái niệm lý tính là không đủ, rằng thực thể có lý tính vẫn chưa phải là thực thể đạo đức, không hẳn do khả năng tồn tại ý chí thần thánh không có cảm tính, mà chủ yếu do sự vắng mặt bản chất thực tiễn (tức bản chất đạo đức) trong bản thân khái niệm lý tính. Thực tế, lý tính có thể chỉ là lý tính thuần túy mà không trở thành lý tính thực tiễn

(tức đạo đức) trở nên đặc biệt hiển nhiên khi Cantơ viện đến những lập luận của ý thức thông thường: '' Thêm vào đó nếu một thực thể được bảo hộ cần phải được ban cho lý tính, thì lý tính này chỉ cần cho thực thể ấy để suy ngẫm về thiên hướng hạnh phúc tự nhiên của mình, để khâm phục và vui mừng về nó, và cảm tạ vì nguyên nhân tốt lành của nó, chứ không phải để bắt năng lực mong muốn của mình phục tùng sự chỉ đạo dối trá, yếu ớt của nó và can thiệp vào ý định của tự nhiên''[23, 4, I, tr. 230].

Ở đây, khi bác bỏ kết luận về tính được qui định của đạo đức bởi khát vọng hạnh phúc, Cantơ tự giác xây dựng thế giới của những thực thể có lý tính, chứ không phải là thế giới của những thức thể đạo đức. Như vậy , thực tế là ông thường xuyên xuất phát từ tiền đề cho rằng, lý tính được ban cho con người cùng với đạo đức, bởi vì vấn đề tại sao lý tính lý luận cần phải trở thành lý tính thực tiễn là nằm ngoài đạo đức học Cantơ. Cấp bậc cuối cùng của cái Thiện - chính là lý tính thực tiễn, tức bản thân đạo đức.

Bây giờ chúng ta đã thấy rõ tại sao trong đạo đức học Cantơ có sự thống nhất giữa phương diện chuẩn mực và phương diện giá trị. Trong khái niệm đạo đức của ông, cái Thiện không biết dựa vào bất cứ cái gì để đối lập mình với những tiêu chuẩn vô điều kiện,và để vượt trên chúng. Nguyên tắc đạo đức chính là tiêu chuẩn vô điều kiện đó, đã không cần được đánh giá nữa vì bản thân nó là chuẩn mực của mọi sự đánh giá. Giống như mệnh lệnh tuyệt đối không quan hệ với một khách thể hiện thực nào mà chỉ có quan hệ với việc quyết định ý chí, thì giá trị đạo đức không phải là đặc tính của những khách thể độc lập với ý chí của chúng, mà là đặc tính của chính ý chí và những sản phẩm của nó. Không có giá trị đạo đức nào ngoài những gì mà mệnh lệnh tuyệt đối đòi hỏi, và cái gì đó sẽ không phải là đòi hỏi vô điều kiện nếu nó không phải là giá trị tuyệt đối.

Hình thức thứ nhất và hình thức thứ hai của nguyên tắc đạo đức tối cao đã minh họa rõ cho kết luận rằng, tiêu chuẩn và giá trị trong đạo đức học Cantơ là hai mặt của một vấn đề. Hình thức thứ nhất giả định rằng, cái đòi hỏi (qui tắc) cần phải là cái có ích với tư cách nguyên tắc phổ biến và cần phải là cái được mong muốn (tức cơ sở để lựa chọn quan niệm về giá trị). Hình thức thứ hai chỉ ra sự tồn tại của một số giá trị tuyệt đối (con người và nhân loại) như là điều kiện của mệnh lệnh tối cao: ''Nhưng chúng ta cho rằng, có một cái gì đó, mà sự tồn tại của nó bản thân là giá trị tuyệt đối, rằng với tư cách là mục đích tự thân nó có thể là cơ sở của của những nguyên tắc xác định. Khi đó trong nó, và chỉ có trong nó, có thể trở thành cơ sở của mệnh lệnh tuyệt đối, tức nguyên tắc thực tiễn''[23, 4, II, tr. 268-269].

Ở đây, sự thống nhất giữa giá trị và chuẩn mực được khẳng định chắc chắn đến mức thậm chí có thể xuất hiện cảm tưởng là dường như giá trị tuyệt đối của con người là giữ vai trò hàng đầu đối với mệnh lệnh tuyệt đối, và đạo đức học Cantơ nói chung được xây dựng trên những cơ sở mục đích luận ( sự diễn giải theo kiểu mục đích luận của đạo đức học Cantơ xem xét nhiệm vụ của đạo đức ở sự hiện thực hóa những giá trị vốn có của con người). Sự diễn giải như vậy ở Cantơ với tính chất bất ngờ và sự không tuân thủ tính truyền thống, thực tế là có một vị trí nhất định. Tuy nhiên, vẻ bề ngoài đó sẽ biến mất nếu chú ý rằng, việc sử dụng có tính hoàn cảnh khái niệm con người như mục đích tự thân chỉ giả dịnh là con người đạo đức, chứ không phải con người bất kỳ, kể cả con ngưòi vô đạo đức. Trong bản thân con người, giá trị tuyệt đối không được gán cho tình cảm, mà được gán cho lý tính. Điều này thể hiện rõ qua luận chứng chống lại tự tử : ''Nếu về mặt đạo đức để chạy khỏi tâm trạng nặng nề, con người hủy hoại chính bản thân mình, thì anh ta đã sử dụng cá nhân mình như là phương tiện để duy trì tâm trạng tạm ổn đến cuối đời''[23, 4, I, tr. 270]. Việc phân biệt ''cá nhân'' và ''tâm trạng'' đối với Cantơ là tiền đề để phân biệt giá trị cao hơn và giá trị thấp hơn trong con người. Dưới ''tâm

trạng'' là bản chất cảm tính, còn ''cá nhân'' là thực thể có bản chất lý tính, hay đơn giản là có bản chất đạo đức.

Cantơ hiểu rõ rằng, không có đòi hỏi nào được con người thực hiện một cách tự nguyện nếu không gắn với ý niệm về nó như về giá trị. Nhưng, ông lại sai lầm ở việc lý giải phương diện cảm xúc - tâm thần của giá trị đạo đức. Với điều đó, Cantơ đã thu hẹp lĩnh vực tồn tại của nó. Nếu dừng lại ở cấp độ ''những thực thể có lý tính nói chung''- những thực thể có lý tính thực tiễn (ý chí) nhưng không có cảm tính, thì cần phải khắc họa nó như là cấp độ đạo đức thuần túy. Ở đấy, tất cả mọi qui tắc ứng xử của mỗi thực thể và tất cả các hành vi đều là những giá trị đạo đức. Ở đây, không thể có một hành vi nào không có giá trị hoặc phản giá trị vì những nguyên tắc của lý tính thực tiễn là duy nhất có thực và có ý nghĩa, còn những thần dân của thế giới này lại không có khả năng mong muốn cái gì khác ngoài cái được lý tính mong muốn. Như vậy, trong vương quốc tưởng tượng này không có bản thân giá trị, vì một vật chỉ có giá trị khi đem so sánh với cái khác nó, còn lý tính, theo Cantơ, là cơ sở của tính phổ biến chứ không phải của tính đơn nhất, là cơ sở của sự đồng nhất chứ không phải của sự phân biệt. Cũng có thể khẳng định rằng, vương quốc ấy là giá trị tuyệt đối hoặc không chấp nhận sự đánh giá bản thân mình như vậy.

Cấp độ đạo đức thuần túy chỉ có giá trị đạo đức sau khi Cantơ đã gắn nó với thế giới người, đặt nó trong phạm vi của những mong muốn, của những khát vọng, những đòi hỏi mang tính người (tức cảm tính). Khi đó thì những gì duy nhất có khả năng và phổ biến trong thế giới trừu tượng nhất sẽ trở nên hiếm hoi, thậm chí có thể không bắt gặp bao giờ, và điều chính yếu là, vì sự tồn tại của mình, nó đòi hỏi nhưng nỗ lực lớn, sự vượt qua những chướng ngại, sự khước từ những thiên hướng riêng.v.v.. Động cơ này trong đạo đức học Cantơ đủ mạnh: ''ở đây, đạo đức có giá trị dường vậy chỉ vì nó quí giá như thế, chứ không phải vì nó đem lại một cái gì đó''[23, 4, I, tr. 493]. Trong các tình huống của cuộc sống, để thực hiện nguyên tắc

đạo đức, đòi hỏi một sự nỗ lực lớn từ phía chủ thể, nếu nó ''quí giá'', thì có nghĩa là trong nguyên tắc đó sẽ cần phải có một sức hút đặc biệt bắt con người phải cống hiến mọi công việc và mọi sự quan tâm, trở thành kẻ trung thành của đạo đức. Như vậy, con người kết hợp trong mình cả cấp độ đạo đức thuần túy và cả cấp độ cá tính. Vì thế, vấn đề, nguyên tắc đạo đức mang hình thức giá trị nào trong ý thức đạo đức của con người được chuyển vào bên trong chủ thể. Nếu nhìn nhận nguyên tắc, yêu cầu vô điều kiện bằng con mắt của cá thể thì chúng không phải là cái bên ngoài, xa lạ đối với anh ta, vì đó là nguyên tắc của bản thân anh ta và là yêu cầu của anh ta đối với bản thân. Khi tôi muốn biến qui tắc của mình thành nguyên tắc phổ biến, tôi đồng thời cũng xác lập qui tắc đó thành nguyên tắc cho bản thân mình. Khi tạo cho mình một nguyên tắc và tuân thủ nó, tôi hiểu rõ được tư cách và phẩm giá của mình như là một nhân cách. Ở đây, Cantơ đã làm rõ được lôgíc độc đáo của ý thức đạo đức. Yêu cầu đạo đức (chuẩn mực), được cá nhân lĩnh hội, trở thành yêu cầu của cá nhân, và trong con mắt của anh ta việc thực hiện nó nâng địa vị con người lên.

Được tiếp nhận trong qui tắc, nguyên tắc đạo đức Cantơ là những quan điểm đạo đức. Việc vi phạm những nguyên tắc đó thường dẫn đến bản thân cá nhân bị đánh giá như là nhân cách nhục nhã và vô liêm sỉ. Cantơ đã có lý khi ông cho rằng, những quan điểm đó không nhất thiết phải có ích và hợp lý, nhưng sự vi phạm chúng sẽ đem lại tai họa. Vì thế, cá nhân quan hệ với chúng như là với giá trị.

Như vậy, giá trị đạo đức giả định một quan hệ đặc biệt không thực dụng đối với thực tại, mà trước hết là đối với con người. Điều đó thể hiện ở hình thức thứ hai của mệnh lệnh tuyệt đối. Có thể gọi một cách ước lệ mối quan hệ đó là sự quan tâm không tư lợi . Nó là sự quan tâm vì con người không thờ ơ với việc thực hiện hay không thực hiện những nguyên tắc của mình. Nhưng nó cũng không hẳn là sự quan tâm, vì trong việc tuân thủ những nguyên tắc đó, con người có thể trở nên không vụ lợi. Dựa trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc riêng của mình, nhân phẩm của cá

nhân là tiêu chí về giá trị bên trong của nó, về giá trị mà cá nhân phát hiện ra trong bản thân mình.

Cantơ có lý khi ông kết hợp tư tưởng về nhân phẩm với tư tưởng đạo đức. Trên thực tế, nhân phẩm không có một cơ sở khách quan nào ngoài sự tồn tại của hiện tượng điều chỉnh xã hội đặc biệt. Đạo đức chưa thể xuất hiện cùng với những cơ chế tự trị của cá nhân trong phương thức truyền thống thể chế hóa hành vi, ý thức tự trọng của cá nhân cũng không thể xuất hiện. Ý thức này hoàn toàn là sản phẩm của đạo đức. Nếu Cantơ hạn chế giá trị của nhân phẩm chỉ như đặc tính của giá trị đạo đức ở thái độ của cá nhân đối với đòi hỏi đạo đức, thì có thể thừa nhận giải pháp của ông là đáng tin cậy. Nhưng, đối với Cantơ, thái độ của cá nhân với nguyên tắc được xác lập bởi chính cá nhân đó, còn đồng thời là quan hệ giữa lý tính và cảm tính của cá nhân, và đó là toàn bộ đạo đức.

Từ đó, theo Cantơ, con người nói chung hành động một cách có đạo đức chỉ vì anh ta thấy giá trị tuyệt đối, nhân phẩm trong đạo đức (trong lý tính): 'Tất cả đều chỉ có giá trị do nguyên tắc qui định. Bản thân sự xác lập nguyên tắc quy định mọi giá trị, chính vì vậy mà cần phải có nhân phẩm, tức giá trị vô điều kiện và không thể so sánh''[23, 4, I, tr. 278].

Giá trị đạo đức có một ý nghĩa phổ biến, nâng con người lên trước con mắt bản thân, trước tự nhiên và trước Chúa . Đạo đức ''nâng cao vô tận giá trị của tôi như của một thực thể biết tư duy, thông qua nhân cách của tôi, trong đó nguyên tắc đạo đức mở ra cho tôi cuộc sống độc lập với bản tính động vật và thậm chí với toàn thể thế giới cảm tính, ít nhất thì có thể nhận thấy điều đó từ sự qui định một cách hợp lý sự tồn tại của tôi thông qua nguyên tắc đó, sự tồn tại không bị hạn chế bởi những điều kiện và những giới hạn của cuộc sống này''[23, 4, I, tr. 500].

Theo Cantơ, nhân phẩm có cấp độ đạo đức thuần túy xét theo quan hệ với

Một phần của tài liệu Mệnh lệnh tuyệt đối trong đạo đức học của Cantơ (Trang 64 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)