HỘP THƯ KHUYẾN NÔNG

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 7 (2014) (Trang 27 - 28)

VII- ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

HỘP THƯ KHUYẾN NÔNG

Hỏi:Cây bưởi Diễn của gia đình tôi trồng được 10 năm, bị sâu đục thân, sâu ăn từ trong thân ăn ra. Xin hỏi cách khắc phục?

Nguyễn Văn Mười Vân Hà, Phúc Thọ, Hà Nội

Đáp:

Sâu đục thân bưởi tuổi nhỏ đục những cành tăm trên tán làm héo ngọn cành. Sâu đục dần xuống cành to và thải phân qua các lỗ đục ra ngoài. Sâu non đục gốc mới hại nhìn thấy một lớp mùn gỗ nhỏ màu nâu trắng bám vòng quanh gốc cây, lấy tay gạt lớp mùn cưa này thấy vết sâu ăn lỗ chỗ vỏ cây. Sâu còn nhỏ thường ở tuổi 1 - 3, kích thước bằng chiếc kim đến cái tăm, dài 3 - 10 mm màu trắng sữa đến đỏ nâu. Khi thấy cành to của cây hay toàn cây cằn cỗi, lá chuyển sang màu vàng là lúc sâu tuổi lớn 4 - 5 tuổi, đục sâu vào cành lớn, thân cây hoặc vòng quanh gốc, phân rơi nhiều quanh vết sâu đục; sâu non đẫy sức gần bằng chiếc đũa ăn cơm, dài 50 - 100 mm, màu vàng ngà, chuẩn bị hoá nhộng trong lỗ đục ở thân hoặc gốc cây.

Biện pháp phòng:

Để hạn chế sâu gây hại cần bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali cho cây, tránh bón quá nhiều đạm hấp dẫn sâu đến phá hại.

Định kỳ 15 - 20 ngày trong các tháng mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, kiểm tra tán cây, gốc cây nhằm phát hiện sớm khi sâu hại để có biện pháp phòng trừ thích hợp.

Thường xuyên vệ sinh, nhặt sạch cỏ dại quanh gốc cây ít nhất cách gốc 50 cm để dễ dàng phát hiện sớm vết sâu cắn và mùn gỗ, phân sâu thải ra bên ngoài, có biện pháp tiêu diệt kịp thời.

Quét vôi quanh gốc cây định kỳ 1 - 2 tháng/lần, đoạn sát mặt đất cao 80 -100 cm, lớp vôi bám vào vỏ cây ngăn không cho sâu đục thân trưởng thành (một loại xén tóc) đến đẻ trứng vào lớp vỏ của gốc cây.

Buổi tối 19 - 21 giờ thắp bóng điện sáng ở giữa vườn, xén tóc có tính hướng quang sẽ bay đến, dùng vợt bắt đem giết hạn chế trứng đẻ.

Biện pháp diệt trừ sâu hại:

Khi phát hiện thấy sâu hại, bẻ cành tăm héo bắt sâu non. Dùng mũi dao, ngọn mây hoặc dây phanh lụa xe đạp luồn quanh vết sâu đục chọc chết sâu ở thân cành hay gốc cây. Có thể hoà thuốc trừ sâu loại có tác dụng tiếp xúc mạnh với nồng độ cao 5 - 10%, độ độc với người thấp như: Sokupi 0,36AS; Sherpa 25EC; Abamectin 36EC… cho vào bơm tiêm nhỏ tiêm vào lỗ sâu đục để diệt sâu.

Hỏi: Tôi nuôi cá chép được khoảng 4 - 5 tháng, thỉnh thoảng bị chết vài con, có con bị đỏ rốn, máu trong mang chảy ra, hậu môn bị đỏ, vây bình thường. Đã sử dụng thuốc tiên đắc mà không đỡ. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Nguyễn Đình Sửu Phú Bình, Thái Nguyên

Đáp:

Nguyên nhân:

- Do điều kiện thời tiết bất thường, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch lớn.

- Đáy ao bị ô nhiễm hữu cơ. - Cá bị đỏ hậu môn do các vi khuẩn có hại ở đáy ao phát triển.

Phòng bệnh:

+ Định kỳ thay nước bằng cách: hút loại bỏ bớt nước đáy ao và bùn ao, đồng thời bổ sung nguồn nước mới. Kết hợp bón vôi 2 lần/tháng, mỗi lần 3 - 4 kg/100 m3 nước.

+ Rải vôi xung quanh bờ ao và khắp mặt ao với nồng độ 30 - 40 kg/100 m2 ao.

+ Sử dụng máy bơm hoặc quạt nước để xáo trộn nước nhằm tăng ôxy trong nước.

+ Cho ăn bổ sung thuốc tiên đắc tỏi, vitamin C + khoáng chất để tăng sức đề kháng cho cá.

Trị bệnh: Cho cá ăn một trong các loại thuốc sau:

+ Thuốc tiên đắc tỏi trộn với thức ăn và cho ăn với liều lượng 1 kg thuốc/100 kg cá, cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.

+ KN-04-12 trộn vào thức ăn cho cá với liều lượng 2 - 4 g/kg cá/ngày (3 ngày/đợt) cho ăn liên tục trong 1 tháng.

Mùa vàng

Một phần của tài liệu Thông tin Khuyến nông Việt Nam 7 (2014) (Trang 27 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(31 trang)