Phóng sự Việt nam 1932 1945 một thể loại văn học mới trong

Một phần của tài liệu Phóng sự Việt Nam 1932 - 1945 nhìn từ sự vận động của thể loại (Trang 25)

5. Kết cấu của luận văn

1.3.1.Phóng sự Việt nam 1932 1945 một thể loại văn học mới trong

học Việt Nam đầu thế kỉ XX

Thoát thai từ một hiện thực chín muồi, phóng sự Việt Nam những năm 1932 - 1945 đã có được một bước đột phá ngoạn mục hiếm có. Cùng với thơ, truyện ngắn và tiểu thuyết, phóng sự 1932 – 1945 được coi là một thành tựu nổi bật của báo chí và văn học Việt Nam thế kỉ XX. Nó đã tham gia tích cực vào quá trình hiện đại hóa nền văn học dân tộc. Những năm 30 của thế kỉ XX phóng sự xuất hiện và chói sáng, trở thành một thể loại mới của văn học đẩu thế kỉ XX. Phải chăng chính những vấn đề nóng bỏng và bức xúc của đời sống xã hội lúc đó đã làm nên động lực thôi thúc lương tâm người cầm bút. Trong lúc các thể loại văn xuôi, nhất là tiểu thuyết lãng mạn quẩn quanh với những mộng mị của ái tình, hoan lạc… đã không còn mấy hấp dẫn, hiện thực cuộc sống lại đang đặt ra những vấn đề cần nhận thức một cách bức thiết hơn, những người cầm bút chân

chính không thể không nghĩ tới một phương thức chuyển tải thông tin mới. Phóng sự ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Cũng bằng cảm hứng phản ánh chân thực hiện thực xã hội của các nhà văn hiện thực, nhưng trong phóng sự mọi khoảng cách từ thông tin sự kiện tới công chúng đều được rút ngắn tới mức tối đa, cuộc sống được tái hiện trong tầm nhìn cận kề, trở nên sát thực, sinh động, cập nhật và đa màu sắc hơn. Bạn đọc đến với phóng sự không chỉ để tìm ở những trang viết tả chân những gì họ chưa từng thấy, chưa từng biết mà thông qua những sự thật đã được kiểm chứng ấy, họ còn cần được bừng tỉnh, vỡ lẽ về một thực trạng đầy vô lí, bất công trong xã hội. Cố nhiên, để có được những mảng màu hiện thực giàu ý nghĩa nhân sinh như thế, đòi hỏi những người cầm bút cần phải không ngừng tìm tòi, khám phá và sáng tạo đồng thời phải có một sự trải nghiệm, thể nghiệm thực sự. Chắc chắn rằng lịch sử phóng sự Việt Nam sẽ không có một Tôi kéo xe nếu Tam Lang - Vũ Đình Chí không có đoạn đời dấn thân, nếm trải “kiếp ngựa người”; sẽ chẳng thể có một Lục xì, Kĩ nghệ lấy Tây hay Cạm bẫy người… nếu “ông vua phóng sự đất Bắc” hồi ấy không xuất thần nhập vai khi thì một khách làng chơi, khi thì một tên giang hồ bịp bợm… Và ví thử không có một ký giả Ngô Tất Tố dày công đột nhập, lân la khắp các xó xỉnh nhà quê từ hiên đình tới góc bếp thì cũng không thể có “bộ sưu tập” - Việc làng. Biết bao nhiêu những chi tiết tưởng chừng vụn vặt của cuộc sống đời thường đã được các ký giả huy động kĩ năng tác nghiệp của mình một cách tinh nhậy nhất, hiệu quả nhất để điều tra, tìm tòi, chớp lấy và tái hiện lại nguyên hình những “vỉa quặng sự thật” vốn bị chìm lấp hoặc che đậy bởi sự vô tình hay cố ý của công luận. Dưới ngòi bút của những tư cách nhân chứng ấy, dường như tất cả những gì là giả trá, ngụy tạo của tấn tuồng “Âu hóa” nhằm che đậy cho một xã hội mục ruỗng, lung lay đều bị bóc trần, phanh phui. Các nhà văn cũng không ngại ngần bộc lộ thái độ, chính kiến của mình nhằm thức tỉnh con người về những căn bệnh trầm kha, kinh niên đang lây lan trong xã hội với

một tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, đằng sau sự phỉ báng, giễu cợt đến gay gắt, quyết liệt, tấm lòng nhân ái của các nhà văn vẫn đọng lại trên từng trang viết. Ấy là nỗi xót thương, chia sẻ, là sự cảm thông với những kiếp người đã và đang bị cuốn theo những vòng xoáy của một trật tự đảo điên. Trước khi phóng sự ra đời, hiếm khi công chúng được tiếp xúc với hiện thực cuộc sống ở chiều sâu, bề chìm một cách chân xác, trên tinh thần hướng thiện như thế. Cho nên hàng loạt những tác phẩm thuộc thể loại mới mẻ này đã nhanh chóng trở thành một “thực đơn tinh thần” ích dụng đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các tờ báo lớn thời kì ấy đều triệt để khai thác phóng sự, coi phóng sự như một thể loại chủ công, “một phương tiện điểm huyệt quan trọng của thông tin báo chí”, và phần lớn các nhà văn hiện thực đều ít nhiều gắn bó cùng duyên nghiệp kí giả phóng sự. Với báo chí, phóng sự đã cùng một lúc thực hiện vai trò đa chức năng: vừa thực thi nhiệm vụ mô tả, điều trần những sự thật nhức nhối, khuất lấp, vừa giúp mở mang, thức tỉnh, khai sáng nhận thức cho công chúng, đồng thời mang đến cho các thế hệ bạn đọc lúc đó một kênh giao tiếp mới, thú vị, tiện lợi hơn bao giờ hết. Còn đối với các nhà văn, trong cái gọi là “kế sách lấy nghề nuôi nghiệp” thì viết phóng sự không chỉ nhằm mục đích mưu sinh mà còn để đáp lại lòng khao khát, sự mến mộ của công chúng, ít nhiều giúp giải tỏa những bức xúc thường nhật, dồn nén, gom góp, tích lũy vốn sống cho những bước đường sáng tạo nghệ thuật về sau. Chẳng thế mà Vũ Trọng Phụng, sau những phóng sự xuất hiện thường kì, cập nhật tựa như những mảnh vụn của cuộc sống nóng hổi là những tiểu thuyết giàu màu sắc phóng sự trường thiên như Vỡ đê, Giông tố, Số đỏ…, theo Vũ Ngọc Phan thì người viết đã “luyện nó ra một cây bút tiểu thuyết, nhưng cái giọng phóng sự vẫn còn”. Các tiểu thuyết của Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan… cũng đều ít nhiều mang hơi hướng phóng sự và không thể không chịu ảnh hưởng của không khí phóng sự đang sục sôi khi ấy. Tính chất đan xen văn báo trong phóng sự (thậm chí tràn sang cả các thể loại văn học khác)

đã tạo ra chất lượng đặc biệt cho phóng sự thời kì này. Nó kết dệt trong cấu trúc tác phẩm cái đẹp của sự thật được xâu chuỗi, chỉnh lí theo nhãn quan thẩm mĩ tinh tế của các nhà văn nên giàu yếu tố thi vị và hấp dẫn.

Có thể nói trong một thời điểm văn học, báo chí có nhiều tác nhân thuận lợi, phóng sự Việt Nam thời kỳ mở đầu 1932 - 1945 đã thỏa mãn cơ bản những đòi hỏi của hiện thực cuộc sống bộn bề những sự kiện, đã tác nghiệp nhanh nhậy, cập nhật theo phương thức và yêu cầu thông tấn báo chí. Và điều đặc biệt là phóng sự thời kì này đã biết chưng cất hiện thực ngổn ngang bằng nhãn quan thẩm mĩ văn chương để có được những tác phẩm giàu ấn tượng cho đông đảo bạn đọc. Thực sự đáp ứng những yêu cầu về nhiều mặt mà cuộc sống xã hội trông đợi nên phóng sự có được mùa gặt bội thu như thế cũng là điều hiển nhiên.

1.3.2. Phóng sự Việt Nam 1932 - 1945 - một thể loại văn chương đặc biệt

Trong cuốn Giáo trình nghiệp vụ báo chí, Tập 2 của trường Tuyên huấn Trung Ương xuất bản năm 1997 các nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Nếu ta hình dung đường ranh giới nối liền giữa tiểu thuyết với các loại thể tài báo chí, thì cái đường ranh giới đó có lẽ là phóng sự”. Quả thật, so với các thể loại văn học và báo chí, phóng sự có phương thức chiếm lĩnh và phương diện phản ánh hiện thực riêng. “Phóng sự thông thường phản ánh sự thật bằng hình ảnh, ta có thể hình dung ra bức tranh xác thực về một khía cạnh nào đó của cuộc sống. Ở đó, phẩm chất tinh thần của người, bộ mặt xã hội trên từng mặt thường được nổi lên rất rõ. Bởi vậy, những phóng sự hay thường toát ra cả ý nghĩa mỹ học”. Tìm hiểu về phóng sự 1932 – 1945 chúng ta thấy được mối giao lưu kì thú giữa văn học và báo chí nói chung và phóng sự nói riêng. Điều này đã làm cho thể loại phóng sự Việt Nam 1932 – 1945 trở thành một thể loại văn chương đặc biệt.

Những năm 30 của thế kỉ XX, rất nhiều nhà văn tham gia vào địa hạt báo chí. Thời kì khởi thủy, những gương mặt tiên phong trong làng báo là các nhà tây học Nam Bộ. Hầu như, mọi tác giả đều vừa làm báo, vừa viết văn. Chính vì

thế họ không chỉ là những nhà báo tiên phong mà họ còn là những nhà văn giữ vị trí then chốt trong lịch sử văn học. Hoạt động báo chí đã nâng cánh cho văn tài của họ được đơm hoa kết trái. Ngược lại, hoạt động văn học nghệ thuật lại giúp cho cây bút của nhà ký giả hấp dẫn và mang tầm văn hóa sâu sắc. Đến đầu những năm 30, đội ngũ nhà báo - nhà văn phát triển khá hùng hậu với rất nhiều những anh tài như: Tam Lang, Trọng Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân… Họ đều là những người yêu văn chương nghệ thuật và sẵn sàng từ bỏ nhiều danh vọng cám dỗ, dấn thân vào làng báo, nghề văn. Mỗi người vào nghề vì một hoàn cảnh thôi thúc riêng nhưng họ đều có tâm huyết với nghề, có tài và có tinh thần dân tộc. Các nhà văn nhà báo đã thử sức trên nhiều thể loại, và phần đông trong số họ đã đạt được thành công trong thể loại phóng sự như: Vũ Trọng Phụng được đánh giá là “Ông vua phóng sự đất Bắc”, Trọng Lang - “Cây bút phóng sự tiên phong”, Ngô Tất Tố - “tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”… Sự tham gia của các cây bút tài năng trong thể loại phóng sự đã đem đến cho phóng sự 1932 – 1945 một luồng sinh khí mới. Những thông tin thời sự trong phóng sự không còn khô khan mà hết sức linh hoạt, được phản ánh bằng ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh và mang tính nghệ thuật cao.

Điểm đặc biệt trong phóng sự 1932 - 1945 còn được thể hiện ở dung lượng tác phẩm. Phóng sự 1932 – 1945 không bị giới hạn về dung lượng. Với kích thước phổ biến là trên 10.000 từ, phần lớn các phóng sự 1932 – 1945 đều có kết cấu hoành tráng như một tiểu thuyết: Lục xì của Vũ Trọng Phụng dài 106 trang in; Ngoại Ô của Nguyễn Đình Lạp chiếm hơn 140 trang… Sự phóng túng về dung lượng đã tạo ra những biến đổi sấu sắc trong tính chất của phóng sự 1932 - 1945. So với các thể loại báo chí, ngôn ngữ và bút pháp phóng sự 1932 - 1934 mềm mại hơn, linh hoạt hơn, giàu hình ảnh và cảm xúc hơn. Ở đây người cầm bút có thể bố trí, tổ chức, tái tạo các sự kiện, chi tiết, tình huống, nhân vật và đặc biệt là có thể sử dụng bất cứ biện pháp nghệ thuật nào - kể cả hư cấu nghệ

thuật để xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Chính nhờ thế mạnh này, phóng sự 1932 – 1945 đã xây dựng được những hình tượng điển hình trong hoàn cảnh điển hình. Theo chân gia đình bác Vuông trong Ngoại ô,

Ngõ hẻm của tác giả Nguyễn Đình Lạp người đọc như được cùng buồn vui cùng số phận mỗi thành viên trong gia đình, để rồi cuối tác phẩm là sự ngậm ngùi xót xa cho thân phận con ong cái kiến, nhọc nhằn của dân nghèo ngoại ô. Chân dung ông ấm B, trong Cạm bẫy người của Vũ Trọng Phụng đã trở thành hình tượng nghệ thuật điển hình với những tính cách điển hình tốt - xấu. Qua nhân vật ông Ấm B, người đọc cảm nhận được sự lừa lọc đã trở thành một ngón nghề lên tới đỉnh nghệ thuật, từ đó thấy được vấn đề nhức nhối của xã hội, đó là nạn cờ bạc tràn lan ngoài xã hội. Có thể nói tính thời sự của hiện thực tràn vào trong trang sách của Vũ Trọng Phụng. Cả một xã hội thành thị hiện lên nhốn nháo trong tác phẩm với những con người bằng xương bằng thịt và bước ra khỏi tác phẩm để rồi trở thành điển hình cho một lớp người tồn tại thực ngoài xã hội.

Trên cơ sở những sự thật của đời sống, phóng sự 1932 - 1945 vừa đảm bảo tính chân thực của nội dung, đồng thời còn biểu lộ suy nghĩ, tình cảm của tác giả trước những vấn đề do sự kiện đặt ra. Trong phóng sự 1932 - 1945 xuất hiện nhiều yếu tố cảm xúc chủ quan của tác giả. Sự kiện, hiện thực xót xa của xã hội không đi vào phóng sự một cách thờ ơ, lạnh nhạt đúng với hình thức bên ngoài của nó mà ẩn bên trong đó là yếu tố cảm xúc chủ quan của tác giả chi phối kết cục tác phẩm. Nhãn quan tình cảm, nhận thức thẩm mĩ của tác giả chi phối đến giá trị của tác phẩm phóng sự; chi phối mục đích viết phóng sự. Đôi khi yếu tố cảm xúc chủ quan của tác giả đã lấn lướt yếu tố khách quan tạo nên giọng điệu riêng, gắn liền với bản sắc của cá nhân tác giả. Trong những tác phẩm phóng sự của Vũ Trọng Phụng, dưới góc nhìn phê phán về những sự thật chất chứa đầy mâu thuẫn trong xã hội cũ, phóng sự của ông đã thể hiện được bản sắc cá nhân của một cái tôi trần thuật sắc sảo thông qua lối viết châm biếm cay độc. Trong

phóng sự Cơm thầy cơm cô Vũ Trọng Phụng đã đưa ra những triết lý nhân sinh hết rất sâu sắc: “Ấy thế rồi tôi đâm ra khinh hết cả loài người, vì tôi tin rằng không một ai trong bọn chúng ta lại trông rõ được thực trạng cuộc đời. Thật vậy, bao nhiêu sách vở của loài người, cốt để dạy cho nhau biết mà thôi, vậy mà vẫn công toi cả. Những điều người ta dạy bảo nhau bằng sách ? Đó là những điều mơ hồ, những điều lầm lẫn, những sự văn chương. Văn chương là một sự, sự đời là một sự khác. Rồi tôi cảm thấy rằng muốn làm một nhà xã hội học, một nhà tâm lý học, một nhà triết học thì trước hết hãy đăng vào nghề cơm thầy cơm cô. Người phu xe biết hết mọi sự độc ác của loài người hơn là một nhà học giả, người bồi săm biết hết mọi sự dâm đãng của loài người hơn là một nhà giải phẫu học. Và một kẻ đi ở thì cũng biết rõ những tính tình của loài người hơn là một nhà văn sĩ tả chân” [57; 766].

Tiểu kết chương 1

Qua nghiên cứu và tìm hiểu về nguồn gốc của thể loại phóng sự và những quan điểm về thể loại phóng sự chúng ta thấy rằng từ trước đến nay các nhà nghiên cứu đã đưa ra rất nhiều quan điểm khác nhau về thể loại phóng sự. Tuy nhiên dù quan niệm như thế nào thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, trong thời kỳ có sự biến thiên của xã hội và lịch sử nhanh chóng, phóng sự chính là thể loại đầu tiên có thể bắt mạch sự kiện, có thể nhận xét đâu là nhân tố mới, có thể làm bản kiểm kê của thời điểm một cách sinh động và hấp dẫn. Với bút pháp giàu chất văn học và cái tôi trần thuật vừa xúc cảm vừa trí tuệ, phóng sự đã chứng tỏ một cách sinh động rằng: việc thông tin về hiện thực có thể trình bày một cách độc lập và có nghệ thuật.

Tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của thể loại phóng sự, cũng như đặc điểm của thể loại phóng sự Việt Nam những năm 1932 – 1945 chúng ta thấy ranh giới mỏng manh giữa báo chí và văn học, giữa phóng sự với tiểu thuyết, tiểu thuyết với phóng sự đã tạo sức hấp dẫn mãnh liệt cho phóng sự. Đến

ngày nay những tác phẩm đó vẫn là thước phim nóng hổi về cuộc sống tối tăm của ông cha ta khi chưa có cách mạng và sự biến chuyển của xã hội Việt Nam trong bối cảnh giao thời trên các lĩnh vực chính trị - văn hóa - xã hội.

CHƯƠNG 2: SỰ VẬN ĐỘNG TRONG NỘI DUNG CỦA THỂ LOẠI PHÓNG SỰ 1932 - 1945

2.1. Những vấn đề xã hội nóng bỏng diễn ra ở các đô thị lớn

Một phần của tài liệu Phóng sự Việt Nam 1932 - 1945 nhìn từ sự vận động của thể loại (Trang 25)