Hiện nay, trong nền kinh tế tri thức cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm dịch vụ ngày càng cao, do đó, yếu tố con người với năng lực trí tuệ đáp ứng được yêu cầu của công nghệ được coi là tài sản quý giá của doanh nghiệp. Trong các nguồn lực của doanh nghiệp như tài chính, máy móc, khoa học công nghệ,…thì nguồn lực con người có trình độ chuyên môn vững vàng, thành thạo các kỹ năng, tay nghề và tâm huyết với công việc được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi tổ chức. Do vậy, phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật nói riêng là hoạt động quan trọng và cấp thiết đối với các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang nói riêng trong bối cảnh hiện nay.
Luận án có tiêu đề: “Phát triển nguồn nhân lực tại các khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang”, đã hệ thống hóa những lý luận về phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật; Tổng hợp lý thuyết về nội dung, biện pháp phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật tại các khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, luận án đã thu thập thông tin, phân tích thực trạng phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật tại các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Luận án đã chỉ ra những năng lực còn hạn chế của nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật và những điểm chưa hoàn thiện trong phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật tại các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Phần lớn nguồn n hân lực chuyên môn kỹ thuật còn hạn chế về khả năng ngoại ngữ, các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng tương tác xã hội và thái độ tác phong lao động công nghiệp chuyên nghiệp trong quá trình làm việc. Các biện pháp phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật của các doanh nghiệp chưa phát huy được hết năng lực nguồn nhân lực, chưa tạo động lực để nguồn nhân lực yêu thích, đam mê công việc, đặc biệt là
chưa xây dựng được lòng gắn kết và trung thành của nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật đối với tổ chức.
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá nêu trên, luận án đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu đối với doanh nghiệp khu công nghiệp, với Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, các huyện và Ban Quản lý khu công nghiệp nhằm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật trong các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang. Ba nhóm giải pháp chủ yếu cho các doanh nghiệp khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang, tầm nhìn đến năm 2030 là: (i) Nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các doanh nghiệp khu công nghiệp về phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn kỹ thuật; (ii) Phát triển năng lực thực hiện công việc cho nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật thông qua hoàn thiện công tác đào tạo và phát triển tinh thần học tập suốt đời cho nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật; (iii) Tăng cường gắn kết nguồn nhân lực bằng cách hoàn thiện công tác đãi ngộ tài chính và phi tài chính cho nguồn nhân lực, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực hợp lý, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nghiệp khu công nghiệp, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện, Ban Quản lý các khu công nghiệp cần hoàn thiện các chính sách tổng thể, vĩ mô nhằm khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp khu công nghiệp phát triển nguồn nhân lực nói chung và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn kỹ thuật nói riêng đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
25