Giải pháp cho phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Phát triển đô thị bền vững ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 29)

III. PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ BỀN VỮNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY 1 Đánh giá tình hình phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam hiện nay

2. Giải pháp cho phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam

Phát huy giá trị các bài học kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn xây dựng phát triển đô thị ở nước ta cũng như nhiều nước tiên tiến trên thế giới, Định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 và Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 (Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009) đã đề ra các định hướng, giải pháp tổng thể, toàn diện phát triển hệ thống đô thị quốc gia, xác định các giai đoạn phát triển, mục tiêu cụ thể và lộ trình thực hiện cho từng giai đoạn.

Theo đó, để quá trình phát triển của các đô thị trong cả nước đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, chính quyền đô thị các cấp cần đặc biệt lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, không ngừng đẩy mạnh vai trò công tác lập quy hoạch và nâng cao chất lượng quy hoạch. Công tác quy hoạch phải được ưu tiên đầu tư đi trước để định hướng và đảm bảo tính đồng bộ trong quá trình xây dựng phát triển cũng như cải tạo chỉnh trang đô thị. Đồng thời với việc áp dụng các tiến bộ trong phát triển đô thị, quy hoạch không những phải đáp ứng yêu cầu cao về tạo dựng chất lượng không gian đô thị mà còn phải đáp ứng tốt yêu cầu về dự báo gắn sát với thực tiễn và xu hướng phát triển của xã hội, thực sự trở thành nền tảng cho việc tạo dựng nguồn lực phát triển cho đô thị.

Thứ hai, tạo dựng nguồn lực phát triển đô thị từ chính nội lực của đô thị. Song song với các nguồn hỗ trợ phát triển mà đô thị có được, cần đặc biệt chú trọng việc đổi mới cơ chế, chính sách phát triển đô thị trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý quy hoạch, quản lý nhà, đất; quản lý đầu tư xây dựng, quản lý khai thác sử dụng công trình đô thị. Thông qua các giải pháp về quy hoạch đô thị kết hợp với các chính sách phù hợp để huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hoá đầu tư cho phát triển đô thị đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đẩy nhanh tiến trình nâng cấp chất lượng đô thị hoá.

Thứ ba, cần đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới tư duy trong quản lý nhà nước về đô thị đi đôi với việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trình độ cán bộ quản lý đô thị các cấp. Tăng cường phân cấp quản lý đô thị; nâng cao quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền đô thị các cấp, tổ chức bộ máy tinh giản gọn nhẹ nâng cao tính hiệu quả hiệu lực quản lý đồng thời chú trọng hơn nữa công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế trình độ, kinh nghiệm và kiến thức.

Thứ tư, cần chú trọng phát huy vai trò và trách nhiệm làm chủ của cộng đồng, của người dân đô thị. Việc xây dựng và duy trì chất lượng đô thị phụ thuộc một phần quan trọng trong ý thức của người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Do đó, cần có giải pháp tích cực để cộng đồng nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm tham gia xây dựng và quản lý đô thị được cụ thể hoá trong ngay từ trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng của đô thị.

KẾT LUẬN

Các đô thị thường giữ vị trí then chốt trong hoạt động kinh tế quốc gia, được coi là một nút trong mạng lưới các dòng lưu chuyển hàng hóa, vốn và thông tin toàn cầu, tạo nên những mạng lưới giao dịch có cường độ cao, làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế cuả các vùng đó rất cao, tuy nhiên cũng gây ra nhiều vấn đề môi trường và xã hội làm gia tăng sự chênh lệch trong từng quốc gia. Do đó, trong xu hướng toàn cầu hóa và trong tiến trình phát triển đô thị, phát triển các vùng đô thị bền vững sẽ tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập mạng lưới kinh tế toàn cầu. Phát triển đô thị phải phục vụ có nhiều mục tiêu, trong đó việc nâng cao chất lượng sống có những nội dung rất cụ thể về y tế, giáo dục, môi trường sạch, sự công bằng cho các thế hệ, sự tham gia vào đời sống xã hội… Để tiến hành phát triển bền vững, cần có một hệ thống các biện pháp, chính sách. Tuy nhiên, không thể có sự phát triển đơn lẻ mà cần sự phối kết hợp và phát triển đồng bộ giữa các giải pháp cũng như chính sách trên.

Một phần của tài liệu Phát triển đô thị bền vững ở việt nam hiện nay (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(29 trang)
w