Phạm tội vì động cơ đê hèn là một vấn đề không dễ trong nhận thức và áp dụng. Vì vậy việc nghiên cứu, bình luận, làm rõ khái niệm, các đặc điểm, dấu hiệu nhận biết, tiêu chí đánh giá tình tiết này là rất cần thiết. Trong Chương 1 của luận văn, tác giả đã cố gắng đưa ra những vấn đề mang tính chất lý luận về phạm tội vì động cơ đê hèn.
Phạm tội vì động cơ đê hèn là hành vi nguy hiểm cho xã hội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tự do của công dân, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý do sự thúc đẩy bởi những động lực mang tính chất xấu xa, ti tiện, thể hiện tính bội bạc, hèn nhát, phản trắc cao và không có tính người.
Trong thực tiễn xét xử để xác định dấu hiệu "phạm tội vì động cơ đê hèn", bên cạnh những vấn đề chung cần phải xem xét xem tội phạm xảy ra có thỏa mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm hay không như: mặt khách quan, mặt chủ quan, chủ thể, khách thể, lỗi… các tình tiết liên quan đến vụ án thì vấn đề quan trọng để xác định hành vi phạm tội có phải là vì động cơ đê hèn hay không cần phải xác định được động cơ thúc đẩy người phạm tội thực
hiện tội phạm, như để trả thù người tình vì đã bội bạc với mình, gây thương tích cho người khác vì đã cướp mất người yêu của mình, giết người vì muốn hưởng tài sản thừa kế của người đó, giết người vì muốn chiếm đoạt số tiền bảo hiểm, cưỡng ép người khác dùng chất ma túy vì nếu người đó mà cùng sử dụng thì mình sẽ không phải mất tiền mua thuốc… những động cơ thấp hèn, xấu xa, đê tiện bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện tội phạm chính là căn cứ cho thấy tính nguy hiểm xã hội của hành vì do những đối tượng thực hiện tội phạm vì động cơ đê hèn này so với các tội phạm khác.
Tuy nhiên khi xem xét đến hành vi phạm tội vì động cơ đê hèn cần quan tâm tới nhân thân của người phạm tội. Nhân thân người phạm tội có ảnh hưởng lớn tới hành vi của người phạm tội đó. Do vây, khi quyết định hình phạt Tòa án sẽ có những căn cứ để đưa ra những mức hình phạt tương đương với hành vi mà người phạm tội gây ra. Đồng thời cũng đạt được mục tiêu nhân đạo của luật hình sự là răn đe và giáo dục người phạm tội.
Chương 2
QUY ĐỊNH VỀ TÌNH TIẾT "PHẠM TỘI VÌ ĐỘNG CƠ ĐÊ HÈN"