7. Kết cấu
2.3.1. Một số tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn xét xử
Một là, trường hợp cần xử lý hình sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo phạm tội đánh bạc
Ví dụ: Tại bản án hình sự sơ thẩm số 14/2010/HSST, ngày 03/05/2010
của Tòa án nhân dân huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình :
Vào hồi 21 giờ ngày 25/11/2009 sau khi đi ăn cưới tại nhà hàng xóm,
Nguyễn Văn Thông sinh năm 1972 đã rủ một số đối tượng khác sang nhà anh Nguyễn Văn Bình trú tại xóm Tân Thành, xã Tuân Lộ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đánh bạc, với hình thức chơi ba cây đỏ đen.
Tham gia đánh bạc với Nguyễn Văn Thông còn có Đinh Quý Đông, Nguyễn Văn Luân, Phạm Văn Đoai, Bùi Văn Di, Bùi Hồng Hà, Đinh Công
Điền cùng trú tại xóm Tân Thành.
Đến khoảng 21h 45 phút cùng ngày thì có Bùi Văn Tuấn, Trần Quang Long trú tại xóm Hồng Dương, xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc đến tham gia. Đến khoảng 22 giờ ngày 25/11/2009 khi các con bạc đang say sưa sát phạt ,thì bị tổ công tác Công an huyện Tân Lạc bắt quả tang cùng tang vật là 10.000.000đ. Riêng hai đối tượng có Bùi Văn Tuấn, Trần Quang Long bỏ chạy, sau đó đã đến cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Tân Lạc đầu thú.
Tòa án nhân dân huyện Tân Lạc đã căn cứ vào khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn Thông, Đinh Quý Đông, Nguyễn Văn Luân, Phạm Văn Đoai, Bùi Văn Di, Bùi Hồng Hà, Đinh Công Điền, Bùi Văn Tuấn, Trần Quang Long. Việc truy cứu là đúng tội, đúng người, đúng pháp luật. Nhưng trong phiên tòa sơ thẩm Tòa án lại áp dụng Điều 25 Bộ luật hình sự khi cho bị cáo Bùi Văn Tuấn được miễn trách nhiệm hình sự với lý do bị cáo đã tự thú, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Tuy nhiên, việc này cần phải trước khi hành vi phạm tội bị phát giác. Song ở đây hành vi của Bùi Văn Tuấn đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Tân Lạc phát giác, qua điều tra xác minh biết Tuấn đã thực hiện hành vi đánh bạc. Việc Tuấn đến cơ quan Công an khai báo hành vi phạm tội sau đó 9 ngày không thể coi là tình tiết người phạm tội tự thú. Do đó việc Tòa án cho bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật hình sự là chưa đúng luật định.
Hai là, áp dụng án treo không đúng.
Ví dụ: Ngày 2/10/2009 tại Bến xe khách trung tâm huyện Lạc Thủy -
tỉnh Hòa Bình, Lê Văn Hanh sinh năm 1981 trú tại Phường Hữu Nghị - Thành
phố Hòa Bình - Tỉnh Hòa Bình (trước đó năm 12/2008 Lê Văn Hanh đã bị
Tòa án nhân dân huyện Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình kết án: 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách 48 tháng về tội " Tổ chức đánh bạc") cùng một số đối tượng Nguyễn Hoàng Quân, Trần Đình Hoan, Trần
Quý, Bùi Duy Tùng đánh bạc với nhau bằng hình thức chơi ba cây. Trong lúc các con bạc đang say mê sát phạt nhau thì bị tổ công tác Công an huyện Lạc Thủy bắt quả tang cùng với tang vật thu được tại chiếu bạc gồm: 02 bộ bài, 7.000.000đ, 07 điện thoại di động các loại.
Các bị cáo trên đã bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Lạc Thủy, truy tố về hành vi "đánh bạc" theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự.
Tại bản án số 23/2009/HSST ngày 24/11/2010, Tòa án nhân dân huyện Lạc Thủy - Hòa Bình đã tuyên bố các bị cáo Nguyễn Hoàng Quân, Trần Đình Hoan, Trần Quý, Bùi Duy Tùng, Lê Văn Hanh phạm tội đánh bạc theo khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Hoàng Quân, Trần Đình Hoan, Trần Quý, Bùi Duy Tùng, Lê Văn Hanh mỗi bị cáo 5.000.000đ là hình phạt chính. Riêng đối với trường hợp bị cáo Lê Văn Hanh, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt 5.000.000đ là hình phạt chính và không buộc phải chấp hành hình phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo của bản án trước.
Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính đối với Lê Văn Hanh là không thỏa đáng, vì bị cáo Hanh đã bị kết án 24 tháng tù, nay lại tái phạm. Việc Tòa án nhân dân huyện Lạc Thủy không buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án trước là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật hình sự. Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự hiện hành thì đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án buộc bị cáo phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự. Nếu hình phạt của bản án mới là hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ thì tổng hợp theo điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự, nếu hình phạt của bản án mới là hình phạt tiền và không thể tổng hợp với hình phạt tù thì người phạm tội phải chấp hành cả hình phạt tù và hình phạt tiền. Do Thẩm phán không nghiên cứu kỹ các chế định về án treo và việc tổng hợp hình phạt nên dẫn tới sai sót như đã nêu trên.
Ba là, thiếu sót về áp dụng các biện pháp tư pháp
+ Quyết định xử lý vật chứng không đúng
Ví dụ: Ngày 02/06/2008 tại ngã 3 Bưu điện huyện Yên Thủy- Tỉnh Hòa
Bình, Trần Văn Tuấn sinh năm 1978, trú tại tiểu khu 7- Thị trấn Hàng Trạm - Yên Thủy cùng 12 số đối tượng khác đang say mê sát phạt nhau bằng hình thức chơi đá gà, thì bị tổ công tác Công an huyện Yên Thủy phối hợp với ban Công an thị trấn Hàng Trạm bắt giữ cùng tang vật: 18.000.000đ ; 02 con gà chọi; 08 Điện thoại di động; 01 chiếc xe máy BKS 28F8 -5301 (xe mô tô là của Trần Văn Tuấn mua lại của anh trai là Trần Thái Toàn trú tại Tiểu khu 7- thị trấn Hàng Trạm -Yên Thủy với giá 10.000.000đ, việc mua bán có giấy viết tay, tuy nhiên chưa làm thủ tục sang tên đổi chủ)
Tại bản án số 22/2008/HSST ngày 23/08/2009, Tòa án nhân dân huyện Yên Thủy- Tỉnh Hòa Bình đã bố các bị cáo phạm tội đánh bạc theo quy định tại khoản 1 Điều 248 Bộ luật hình sự, đồng thời áp dụng Điều 41 Bộ luật hình sự và Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự tuyên trả lại chiếc xe mô tô BKS 28F8 - 5301 cho anh Trần Thái Toàn. Việc tuyên trả vật chứng của Tòa án nhân dân huyện Yên Thủy là không đúng, bởi lẽ tuy chưa hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ nhưng xe mô tô trên thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bị cáo Trần Văn Tuấn.
Những hạn chế trong việc áp dụng pháp luật hình sự nêu trên không phải do Bộ luật hình sự không quy định rõ ràng mà chủ yếu do thẩm phán chưa nghiên cứu kỹ các quy định của Bộ luật hình sự.