Phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, tổng hợp các hạt oxit sắt Fe3O4 kích thước nano bằng phương pháp đồng kết tủa để ứng dụng trong y học và sinh học (Trang 26 - 28)

CHƯƠNG 4:CÁC ỨNG DỤNG TRON GY SINH HỌC CỦA CÁC HẠT NANO TỪ

4.3.1.Phương pháp chụp ảnh cộng hưởng từ

Dựa trên cơ sở lý thuyết cộng hưởng từ, hai giáo sư Paul C. Lauterbur (Mỹ) và Peter Mansfield (Anh) đã tìm ra phương pháp để ứng dụng chúng trong y học để có thể chụp hình những cấu trúc khác nhau của cơ thể sống [8].

Giáo sư Lauterbur là người phát hiện ra rằng nếu tạo ra sự thăng giáng trong từ trường thì có thể làm hiện hình 2 chiều những cấu trúc mà các kỹ thuật khác không thấy được. Còn giáo sư Mansfield đã phát triển công việc của Lauterbur bằng cách tăng khả năng phát hiện các tín hiệu phát ra, nhờ đó có thể phân tích chúng hiệu quả hơn để chuyển chúng thành hình ảnh.

Ông đã chứng minh rằng có thể có được hình ảnh rõ nét nếu thay đổi sự thăng giáng từ trường cực nhanh (nên mới có tên là Echo-Plannar Scanning). Kỹ thuật này hiện nay đã được ứng dụng rộng rãi.

Từ khi ra đời, kỹ thuật chụp cộng hưởng từ được xem là một phát minh tối quan trọng trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh. Nó giúp ghi lại hình ảnh của tất cả các bộ phận cơ thể, đặc biệt là não bộ và tủy sống. Về cơ bản, kỹ thuật này đã biến các nguyên tử hydro trong mô cơ thể thành những bộ máy truyền sóng radio siêu việt. Chúng hiện diện ở mọi ngóc ngách trong cơ thể, do nguyên tử hydro có trong vô số phân tử nước ở khắp các nội tạng. Bằng việc truy tìm vị trí của các nguyên tử hydro, máy chụp MRI (hình 1.14) có thể ghi lại hình ảnh của tất cả các cơ quan.

MRI có giá trị rất lớn trong thăm dò não và cột sống. Các rối loạn trong não thường kéo theo thay đổi lượng nước trong mô. Chỉ cần có thay đổi khoảng 1% lượng nước là có thể phản ánh rất rõ trên MRI như xuất huyết não, viêm não, khối u trong não. Ðặc biệt trong bệnh xơ cứng rải rác (multiple sclerosis) có viêm não và tủy sống thì MRI dễ dàng phát hiện nơi nào bị viêm, nặng nhẹ ra sao và tác dụng điều trị đến đâu. Rõ ràng MRI ưu việt hơn hẳn các phương pháp cũ trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh.

Trong chứng đau thắt lưng dưới, MRI cho phép phân biệt được đau tại cơ, hay do tủy sống hay thần kinh bị chèn ép. Nếu là do đĩa đệm thì có hướng để điều trị bằng phẫu thuật.

MRI cũng là một phương tiện trợ giúp cho việc chuẩn bị và tiến hành phẫu thuật vì nó cho hình ảnh ba chiều của tổn thương nhờ đó phẫu thuật viên có thể biết rõ vị trí của tổn thương và tìm ra đường tiếp cận thuận lợi nhất.

Trong vi phẫu thuật não chữa chứng Parkinson, MRI cho hình ảnh (hình 1.15) đủ rõ để phẫu thuật viên có thể đặt điện cực một cách chính xác vào các nhân não.

Trong chẩn đoán ung thư, MRI cho thấy rõ số lượng và giới hạn rõ ràng của từng khối u, phần mô bị xâm lấn hay các hạch khi có di căn cho phép bác sỹ quyết định phương pháp điều trị bằng tia xạ hay phẫu thuật và theo dõi kết quả các biện pháp điều trị ung thư khác nhau.

Cuối cùng, MRI còn thay thế được một số thủ thuật thăm dò xâm nhập. Ví dụ: để khảo sát ống dẫn mật và ống tuyến tụy người ta thường dùng ống nội soi để bơm chất cản quang. Ngày nay dùng MRI có thể biết ngay tình trạng của các ống mà không cần can thiệp làm đau đớn bệnh nhân. Ðối với bệnh tại khớp cũng vậy, MRI cho phép khảo sát kỹ lưỡng tình trạng của sụn và dây chằng mà không phải sinh thiết hay dùng những thủ thuật có nguy cơ gây bội nhiễm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, tổng hợp các hạt oxit sắt Fe3O4 kích thước nano bằng phương pháp đồng kết tủa để ứng dụng trong y học và sinh học (Trang 26 - 28)