Nếu như người Kinh nuôi tằm dệt lụa , người Tày, ngườiThái trồng bông dệt thổ cẩm thì người H’mông lại trồng lanh lấy sợi dệt thành những tấm thổ cẩm bền đẹp không kém gì các tộc người trên. Nhu cầu quan trọng để duy trì cuộc sống của con người là nhu cầu về ăn và mặc. Đối với đồng bào H’mông thì cây ngô, cây lúa đáp ứng nhu cầu ăn. Còn cây lanh đáp ứng nhu cầu mặc. Cây lanh là loại cây cho sợi để dệt vải. Nó cũng giống như cây bông của đồng bào Thái, Tày. Tuy sợi của cây lanh không được mềm mịn như sợi bông nhưng cây lanh lại phù hợp với khí hậu lạnh của vùng núi cao.
Không chỉ phục vụ cuộc sống hàng ngày mà cây lanh còn là một cây thiêng trong tín ngưỡng của dân tộc H’mông. Khi chết về với tổ tiên thì ai cũng phải mặc đồ lanh, nếu không thì tổ tiên sẽ không nhận. Lanh còn là tín hiệu văn hóa tộc người. Chỗ nào mà thấy trồng lanh thì ở đó có người H’mông cư trú. Trang phục làm từ cây lanh trở thành tiêu chí để phân biệt tộc ngườiH’mông với
các tộc người khác. Nói như vậy để ta thấy rõ được tầm quan trọng của cây lanh trong đời sống của người H’mông. Chính vì nó rất quan trọng nên bất kì gia đình người H’mông nào ở Cát Cát đều trồng lanh.
Vào khoảng tháng 4, tháng 5 khi cây lúa, cây ngô đã mọc cao bằng đầu gối thì đồng bào chuyển sang làm đất trồng lanh. Đất trông lanh được làm rất kĩ. Đồng bào thường cày và bừa nhiều lần làm sao cho đất tơi nhỏ ra để khi gieo hạt lanh xuống sẽ mọc tốt, không bị thối hạt. Công việc làm đất trồng lanh được sự trợ giúp của người đàn ông trong gia đình. Nhưng từ lúc bắt đầu gieo hạt đến khi thu hoạch lanh và làm ra được bộ quần áo thì đều do bàn tay người phụ nữ đảm nhiệm.
Khi làm đất xong thì đồng bào chọn ngày gieo hạt lanh. Đồng bào thường chọn vào những ngày râm mát, tốt nhất là sau khi mưa khi đó đất còn ẩm sẽ giúp hạt lanh dễ nảy mầm hơn. Ngoài ra đồng bào còn chọn ngày tốt để gieo. Theo quan niệm của từng dòng họ thì sẽ có cách chọn ngày khác nhau. Họ Mã thì quan niệm trồng lanh từ nagỳ 11 đến ngày 15 (âm lịch) là ngày tốt nhất. Vì lúc đó trăng lên cao thì họ tin rằng trồng lanh vào ngày này thì cây lanh khi lớn lên sẽ mọc cao và thẳng. Họ Mã kiêng trồng lanh từ ngày 1 đến 10 (âm lịch). Theo quan niệm thì lúc đó trăng còn ở dưới thấp khi trồng lanh vào ngày đó thì cây lanh sẽ mọc thấp, còi cọc.
Họ Lù và họ Thào thì quan niệm trồng cây lanh vào cuối tháng từ 20 đến 30 (âm lịch) là tốt nhất. Theo quan niệm của 2 họ này thì con sâu có chu kì phát triển là đầu tháng thì con sâu ăn lá, phá hoại cây trồng. Đến cuối tháng thì con sâu này cuộn kén và hoá thành con bướm thì sẽ không phá hoại được cây trồng. Chính vì vậy họ cho rằng trồng lanh từ 20 đến 30 là không bị sâu bọ phá hoại , cây lanh sẽ mọc cao, thẳng. Còn trồng từ 1 đến 20 thì cây lanh se bị sâu phá hoại, mọc không thẳng không đều. Vì vậy họ kiêng trồng lanh vào đầu tháng từ 1 đến 20 (âm lịch). Còn họ Vàng thì không kiêng kị ngày nào.
Khoảng 3,4 tháng sau khi gieo hạt là cho thu hoạch. Khi đó lanh cao bằng đầu người , cành lá chưa kịp phát tán, thân to hơn đầu đũa ăn cơm một chút là có thể thu hoạch được. Khi thu hoạch những cây to được giữ lại để làm giống cho vụ lanh năm sau. Đồng bào dùng liềm để cắt lanh. Phần ngọn, lá sẽ được cắt bỏ
lại. Sau khi cắt lanh họ chuyển về nhà để phơi và tránh trời mưa làm hỏng lanh. Khi phơi họ túm lại trên ngọn và lấy tay xoay nhẹ gốc cây lanh xòe ra như hình chóp cụt. Làm như thế lanh sẽ được khô đều. Khi cây lanh khô thì công đoạn tiếp theo sẽ là tước sợi lanh. Những sợi lanh được hợp lại thành từng đọn và cho vào cối giã cho mềm và săn lại. Sau khi giã xong những sợ lanh sẽ được kết lại với nhau và se lại bằng guồng. Trải qua nhiều công đoạn như ngâm nước vôi cho trắng, dệt, nhuộm, vẽ hoa văn sẽ cho tấm vải lanh.
Để có được bộ quần áo bằng vải lanh thì người phụ nữ phải đổ bao mồ hôi công sức cộng thêm sự chăm chỉ khéo léo. Bộ quần áo lanh gắn bó với người H’mông từ lúc sinh ra đến lúc chết đi. Khi người con gái về nhà chồng phải mặc trang phục bằng vải lanh thì ma nhà chồng mới nhận. Khi chết đi ai cũng phải mặc đồ lanh thì tổ tiên mới nhận. Ngày nay khi kinh tế phát triển nhưng người H’mông ở Cát Cát vẫn cần mẫn với việc trồng lanh, dệt vải. Tất cả các gia đình vẫn duy trì nghề truyền thống này.
Các nghi lễ bảo vệ sự phát triển cây lanh tuy không có nhiều chỉ có quan niệm chọn ngày gieo hạt nhưng không phải vậy mà nó ít được đồng bào H’mông ở đây ít quan tâm chăm sóc. Tầm quan trọng của cây lanh trong đời sống không những không giảm đi mà ngày nay nó còn được nâng cao hơn. Khách du lịch đến với bản làng người H’mông rất thích những cảnh các chị em phụ nữ ngồi se lanh dệt vải, những tấm thổ cẩm do chính đồng bào ở đây làm ra. Nó là một trong những nguyên nhân thu hút khách du lịch đến với Cát Cát. Như vậy trồng lanh dệt vải ngoài nhu cầu phục vụ trong gia đình còn phục vụ du lịch.
Để phụ trợ cho cây lanh dệt thành được những tấm thổ cẩm bền màu, đẹp thì không thể thiếu cây chàm. Chàm là loại cây làm ra chất nhuộm để nhuộm vải lanh thành màu đen giúp cho vải có độ bền cao hơn và đẹp hơn. Nó cũng là một loại cây phục vụ nhu cầu mặc của đồng bào H’mông ở Cát Cát. Bất kì gia đình nào trồng lanh dệt vải thì đều trồng Chàm để nhuộm vải.
Chàm được trồng vào tháng cuối tháng 7 đầu tháng 8. Nó được trồng theo cách giâm cành. Khi nào thu hoạch lanh thì cũng là lúc thu hoạch Chàm và trồng Chàm luôn. Mảnh nương để trồng Chàm thường là nương gần nhà nhất. Mỗi gia
đình chỉ cần một mảnh nhỏ là đủ, khoảng chừng 50 đến 60 m2. Nương trồng Chàm thường cố định năm nào cũng trồng trên mảnh nương đó.
Ngày trồng Chàm thường không chọn theo quan niệm tâm linh mà chỉ chờ hôm nào có mưa thì đi trồng. Chàm trồng theo cách giâm cành nên nếu trồng vào ngày nắng thì sẽ bị cháy nắng, cành và lá sẽ bị héo, đất thiếu độ ẩm sẽ làm Chàm không mọc được. Vào ngày mưa độ ẩm cao sẽ giúp cành Chàm không bị héo, rễ sẽ nhanh phát triển hơn, Chàm không bị chết. Sau hôm trồng trời mà nắng thì họ sẽ lấy cây lá rừng để che lại đến khi nào Chàm mọc lá, bén rễ mới thôi. Trồng Chàm đoì hỏi sự cẩn thận vì vậy chỉ người lớn mới đi trồng, thường là hai vợ chồng. Chỗ Chàm để giống lại thường chọn khu chàm tốt, không bị rụi hay vàng lá. Cách trồng Chàm thường là dùng cuốc để tạo thành hố. Cây chàm khi thu hoạch cao khoảng 60 đến 70 cm. Đất tốt có thể cao hơn. Đây là dạng cây bụi, lá hình bầu dục, dài khoảng 8 đến 10 cm, rộng khoảng 3 đến 4 cm, có màu xanh thẫm. Thân chàm nhỏ. Cành lá mọc đối nhau. Rễ của cây chàm khi cấy bằng cách giâm cành mọc ra từ chỗ các cành đó.
Sau khi trồng không phải chăm sóc gì đặc biệt, chỉ làm cỏ. Đến tháng 7 năm sau cho thu hoạch. Khi thu hoạch họ cắt sát gốc lấy cả thân và lá. Đồng bào ngâm chàm trong thùng gỗ đến khi thối hết lá và thân thì vớt xác ra, lọc kĩ. Nười ta cho vôi bột, nước tro bếp khuấy đều để vài ngày nước lắng ở đáy chum, đấy là cao chàm dùng để nhuộm vải.