Đục thể thủy tinh ở trẻ em là một bệnh mắt khá phổ biến. Bệnh có thể ở một hoặc hai mắt, có ngay từ khi sinh ra hoặc xuất hiện muộn hơn. Đục thể thủy tinh có thể đơn độc hoặc kèm theo nhiều tổn thương khác ở mắt và toàn thân. Trước đây, đục thể thủy tinh ở trẻ em thường được xử lí muộn, do đó khả năng phục hồi thị lực rất hạn chế vì nhược thị. Hiện nay, nhờ những tiến bộ về máy móc cũng như những cải tiến về kĩ thuật, người ta đã có thể phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em từ rất sớm, nhờ đó tiên lượng thị lực trở nên tốt hơn rất nhiều.
3.1. Chẩn đoán
Chẩn đoán đục thể thủy tinh rất dễ dàng, phần lớn có thể thấy được bằng mắt thường với dấu hiệu chủ yếu là đồng tử màu trắng và mất ánh hồng của đồng tử. Để khám và đánh giá chi tiết, cần dùng thuốc giãn đồng tử. Nếu thể thủy tinh đục nhiều thì có thể không soi được đáy mắt. Đục thể thủy tinh có thể kèm theo những tổn thương khác của mắt như: rung giật nhãn cầu, nhãn cầu nhỏ, khuyết mống mắt, khuyết võng mạc, teo thị thần kinh, lác, v.v…
3.2. Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt đục thể thủy tinh với với một số bệnh khác của võng mạc ở trẻ em có thể có dấu hiệu đồng tử trắng như: ung thư võng mạc, bệnh võng mạc trẻ đẻ non, bệnh Coats, tồn lưu tăng sinh dịch kính nguyên thủy, bệnh giun toxocara, bong võng mạc, v.v. (xem thêm mục 2.2, chẩn đoán phân biệt ung thư võng mạc).
3.3. Các hình thái
Khám bằng sinh hiển vi với giãn đồng tử cho phép đánh giá chi tiết cũng như xác định vị trí đục và giúp phân loại đục thể thủy tinh theo các hình thái khác nhau: đục nhân (Hình 3.1), đục vỏ, đục lớp (nhiều lớp đục bên ngoài đường khớp chữ Y, nhân còn trong), đục dạng màng (nhân và lớp vỏ teo đi, bao trước và bao sau áp sát nhau, thương có canxi hóa), đục cực trước (Hình 3.2), đục dưới bao trước, đục cực sau, đục hình cây thông nôen, v.v. Việc phân loại đục thể thủy tinh này có thể cho biết thời gian xuất hiện đục thể thủy tinh và tiên lượng. Đục nhân và đục cực trước thường là bẩm sinh, đục lớp và đục dưới bao thường do mắc phải. Đục cực trước thường nhỏ (dưới 1- 2 mm), ít tiến triển ít ảnh hưởng thị lực, do đó thường không cần phẫu thuật.
Hình 3.1 - Đục nhân Hình 3.2 - Đục cực trước
3.4. Bệnh căn
Đục thể thủy tinh không rõ nguyên nhân chiếm khoảng 50 - 60% các trường hợp, khoảng 30% do di truyền, còn lại là do các bệnh toàn thân (các hội chứng Hallerman- Streff, Lowe, Down, Alport, Marfan, bệnh tăng galactoza huyết, giảm canxi huyết, thiểu năng tuyến cận giáp, v.v.) hoặc nhiễm trùng từ trong bào thai (rubella, lao, toxoplasma, herpes, v.v.).
3.5. Điều trị
Đối với đục thể thủy tinh bẩm sinh, phẫu thuật cần thực hiện càng sớm càng tốt để tránh nhược thị. Phương pháp phẫu thuật đục thể thủy tinh ở trẻ em khác với ở người lớn. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, thường chưa có chỉ định đặt kính nội nhãn. Phương pháp thường dùng là phẫu thuật rửa hút hoặc cắt thể thủy tinh (bằng đầu cắt dịch kính). Đối với trẻ trên 2 tuổi, có thể phẫu thuật đặt kính nội nhãn trong bao. Đục bao sau thường xuất hiện sớm sau phẫu thuật thể thủy tinh ở trẻ em, vì vậy trong khi phẫu thuật có thể đồng thời tiến hành cắt bao sau và cắt dịch kính phía trước để tránh nguy cơ đục bao sau thứ phát. Sau phẫu thuật cần sớm điều trị nhược thị (tức là sự giảm thị lực do mắt không được nhìn) bằng điều chỉnh khúc xạ (kính tiếp xúc, kính gọng) kết hợp với bịt mắt tốt hơn (trường hợp đục thể thủy tinh một mắt).