Bài học đối với Chính phủ Việt Nam

Một phần của tài liệu Vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa của việt nam trên thị trường hoa kỳ (Trang 36 - 44)

I. Những bài học rút ra từ vụ kiện chống bán phá giá cá tra và cá basa

1. Bài học đối với Chính phủ Việt Nam

Vụ kiện chống bán phá giá cá tra và cá basa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đã giúp chúng ta có cơ hội nhìn nhận chính xác hơn thực trạng thương mại quốc tế hiện nay. Nơi mà một mặt người ta kêu gọi tự do hoá thương mại mặt khác lại lạm dụng Luật thuế Chống bán phá giá như một công cụ hữu hiệu để bảo hộ các ngành công nghiệp trong nước trước cơn lũ hàng nhập khẩu giá rẻ. Từ sau vụ kiện này, Bộ Thương mại Việt Nam đã gấp rút hoàn chỉnh Pháp lệnh Chống bán phá giá với hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là văn bản đầu tiên quy định cách thức bảo hộ hợp pháp ngành sản xuất trong nước mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng. Biện pháp này nhằm phòng ngừa các doanh nghiệp nước ngoài bán phá giá tại thị trường Việt Nam đồng thời ngăn chặn một vài doanh nghiệp trong nước tự phá giá, tạo cớ cho phía đối tác kiện tụng, gây ảnh hưởng đến cả một ngành sản xuất, kinh doanh thậm chí làm mất một thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam. Việc ban hành pháp lệnh mới chỉ là bước đầu tiên, bởi để cơ chế này có hiệu lực, Việt Nam còn cần điều chỉnh, bổ sung hệ thống luật pháp, như Luật về bằng chứng, Luật về thống kê thị trường, thống kê thương mại, nguyên tắc xác định thị phần. Ngoài ra còn phải có hệ tiêu chí đánh giá về giá cả, về tính chất thị trường của nền kinh tế…Đây cũng là khung pháp lý cần thiết để thực hiện nhiều luật đã ban hành như Pháp lệnh Giá, Pháp lệnh về Tự vệ trong nhập khẩu hàng hoá nước ngoài vào Việt Nam. Tiếp đó, Chính phủ cần nhanh chóng đào

tạo đội ngũ chuyên gia chuyên về bán phá giá để tư vấn cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho Chính phủ khi xảy ra những vụ kiện tương tự vụ kiện này.

Hơn nữa cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký thương hiệu và hoàn thiện Luật Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu Việt Nam. Việt Nam hiện đã có một cơ sở luật khá tốt về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề ở đây là thực hiện như thế nào. Việc không thực thi được các cam kết về quyền sở hữu trí tuệ sẽ gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế đất nước. Sự trừng phạt sẽ không thấm vào đâu so với ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế như lượng đầu tư sụt giảm do sự e ngại của các nhà sản xuất nước ngoài.

Khuyến khích các doanh nghiệp không xuất khẩu hàng hoá dưới thương hiệu của nước ngoài, nhằm tránh việc cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu. Trước khi vụ kiện này diễn ra, chúng ta đã có được bài học khi Tổng thống Hoa Kỳ phê chuẩn đạo luật An ninh trang trại và Phát triển nông thôn trong đó có điều khoản 10860 quy định cá da trơn của Việt Nam không được xuất vào Hoa Kỳ dưới cái tên catfish và hậu quả là hàng vạn ngư dân nuôi cá được một phen điêu đứng vì sản lượng xuất khẩu giảm.

Thúc đẩy việc thành lập các hiệp hội ngành nghề và tăng cường vai trò của nó nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển xuất khẩu. Đây là một bài học rất hữu ích từ sau vụ kiện này. Trước khi xảy ra vụ kiện vai trò của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tỏ ra mờ nhạt trong hoạt động kinh doanh chế biến cũng như xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp, chính phủ cần tìm ra một giải pháp thích hợp như thành lập một tổ chức chuyên tính toán giá xuất khẩu hợp lý trên từng thị trường, cho từng mặt hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xuất khẩu, hoặc đề ra các quy định xử phạt khi các doanh nghiệp cùng ngành cạnh tranh nhau gây ra hậu quả giảm giá xuất khẩu dẫn tới các vụ kiện cáo.

2. Đối với các doanh nghiệp

Sự thất bại này, Việt nam rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Việt nam đã phải trả 469 USD/giờ cho một văn phòng luật sư tại Washington để bảo vệ quyền lợi cho mình, trong khi thu nhập của một người dân nuôi cá tra, basa ở đồng bằng sông Cửu Long chưa tới 35 USD/tháng. Kinh phí chi cho vụ kiện tổng cộng là 600.000 USD. Rất nhiều doanh nghiệp Việt nam phàn nàn về sự bất công trong vụ kiện. Một điều rõ ràng là rất nhiều người, cả Việt nam và Hoa Kỳ, cho rằng phán quyết về vụ cá da trơn là không công bằng, chỉ đem lại lợi ích cho một số công ty Hoa Kỳ và gây thiệt hại cho những người nông dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên việc tập trung vào khía cạnh công bằng hay không công bằng của vụ tranh chấp đòi hỏi Việt nam phải xem xét một vấn đề lớn hơn, đó là: Liệu bằng cách nào Việt nam có thể đối phó với những vụ kiện tương tự trong tương lai một cách hiệu quả nhất. Cần phải thừa nhận một thực tế là sẽ tiếp tục có những vụ kiện chống bán phá giá và đây chưa phải là vụ cuối cùng. Vụ kiện cá da trơn chỉ là một trong số 276 vụ kiện chống bán phá giá trên toàn thế giới năm 2002.

Qua đây, điều quan trọng nhất mà Việt nam rút ra được, đó là chuẩn bị cho mình một cách có hệ thống các biện pháp đối phó với các vụ kiện trong tương lai, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc chúng ta đã trở thành thành viên WTO, bởi WTO đưa ra một bộ quy tắc mà các nước nhập khẩu phải tuân thủ khi tiến hành các vụ kiện chống bán giá- cơ chế minh bạch để chống lại các phán quyết về chống bán phá giá được đưa ra không phù hợp với các quy tắc nêu trên. Trong vụ kiện cá da trơn, Việt nam không được áp dụng bộ quy tắc này vì khi dó chưa là thành viên WTO. Nói cách khác, mặc dù cho rằng phán quyết cuối cùng về chống bán phá giá của Mỹ đã vi phạm

các nguyên tắc của WTO, nhưng Việt nam cũng không thể khiếu nại phán quyết đó tại một hội đồng xét xử của WTO.

CBPG được xem như một cái “van an toàn” để điều tiết hàng hóa của từng quốc gia trong nền kinh tế mở. Đối phó với những vụ kiện CBPG rất tốn thời gian, tiền của và công sức. Do vậy, mỗi DN cần phải đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm nhiều thị trường hơn, có chiến lược xây dựng thương hiệu một cách bài bản để đủ sức đương đầu với những thương hiệu mạnh và xa hơn là đối phó với những vụ kiện CBPG có thể xảy ra.

Chúng ta có thể rút ra một số bài học sau qua vụ kiện:

+ Điều tiên quyết khi sản phẩm xuất sang một thị trường nào đó thì phải hiểu rõ tập quán thương mại và luật pháp của nước đó.

+ Nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề để tập trung sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp VN và của các nhà nhập khẩu.

+ Đối với những mặt hàng có tính cạnh tranh cao, nếu doanh số chiếm trên 2%/ tổng mức tiêu thụ của thị trường đó thì cần phải có sự kiểm tra thường xuyên giá cả so với giá của mặt hàng cùng loại của nước sở tại để điều chỉnh thích hợp, tránh kiện tụng về sau.

+ Sản xuất và xuất khẩu phải gắn liền với quy hoạch vùng nguyên liệu tránh biến động khủng hoảng.

+ Cần tăng cường kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm - đảm bảo chất lượng ổn định, quan tâm đến việc xây dựng và quảng bá thương hiệu.

+ Biện pháp vận động hành lang để gây sức ép của công luận đối với những vụ kiện tương tự là rất cần thiết và mang ý nghĩa thiết thực.

+ Làm tốt công tác lưu trữ hồ sơ, tài liệu để dễ truy xuất và làm bằng chứng chứng minh đỡ mất thời gian và công sức.

II. Các giải pháp đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của Việt Nam

tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, cần phải thực hiện các giải pháp sau:

1. Chủ động phòng chống các vụ kiện bán phá giá của nước ngoài

- Chính phủ tích cực triển khai đàm phán song phương,đa phương để tranh thủ nhiều nước thừa nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường, do đó không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với Việt Nam.

- Dự báo danh mục các ngành hàng và các mặt hàng Việt Nam có khả năng bị kiện phá giá trên cơ sở rà soát theo tình hình sản xuất,xuất khẩu từng ngành hàng của Việt Nam và cơ chế chống bán phá giá của từng quốc gia để từ đó có sự phòng tránh cần thiết.

- Xây dựng chiến lược đa dạng hoá sản phẩm và đa phương hoá thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một nước vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện bán phá giá. Theo hướng đó các doanh nghiệp cần chú trọng đến các thị trường lớn (Trung Quốc, Nhật Bản..) các thị trường mới nổi (Hàn Quốc, Úc..) các thị trường mới (SNG, Trung Đông, Nam Phi...). Bên cạnh đó cần tăng cường khai thác thị trường nội địa - một thị trường có tiềm năng phát triển. Đây là những kinh nghiệm ta đã rút ra được từ các vụ kiện bán phá giá cá tra, cá basa của Hoa Kỳ trước đây.

- Tăng cường áp dụng các biện pháp cạnh tranh phi giá để nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu thay cho cạnh tranh bằng giá thấp. Đó là phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh các dịch vụ hậu mãi, tiếp thị quảng cáo, áp dụng các điều kiện mua bán có lợi cho khách hàng...

- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về thị trường xuất khẩu,về luật thương mại quốc tế,luật chống bán phá giá của các nước... và phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết nhằm tránh những sơ hở dẫn đến các vụ kiện.

2. Các giải pháp đối phó với vụ kiện chống bán phá giá đã xảy ra

* Về phía chính phủ: cần tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong

kháng kiện

- Thành lập quỹ trợ giúp theo đuổi các vụ kiện để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp kháng kiện.

- Cung cấp cho các doanh nghiệp các thông tin cần thiết về các thủ tục kháng kiện, giới thiệu các luật sư giỏi ở nước sở tại có khả năng giúp cho doanh nghiệp thắng kiện...

* Về phía các hiệp hội ngành hàng: cần phát huy vai trò là tổ chức tập hợp và tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm nâng cao năng lực kháng kiện của các doanh nghiệp.

- Thông qua hiệp hội quy định hành vi bảo vệ lẫn nhau, phối hợp giá cả trên thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh có thể tạo ra cớ gây ra các vụ kiện của nước ngoài.

- Thiết lập cơ chế phối hợp trong tham gia kháng kiện và hưởng lợi khi kháng kiện thành công để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia kháng kiện.

+ Tổ chức cho các doanh nghiệp nghiên cứu thông tin về giá cả,định hướng phát triển thị trường, những quy định pháp lý của nước sở tại về chống bán phá giá... để các doanh nghiệp kháng kiện có hiệu quả giảm bớt tổn thất do thiếu thông tin.

* Về phía các doanh nghiệp: cần chủ động theo đuổi các vụ kiện khi bị nước ngoài kiện bán phá giá.

- Hoàn thiện hệ thống sổ sách chứng từ kế toán phù hợp với các quy định của luật pháp và chuẩn mực quốc tế, lưu trữ đầy đủ hồ sơ về tình hình kinh doanh nhằm chuẩn bị sẵn sàng các chứng cứ, các lập luận chứng minh không bán phá giá của doanh nghiệp, tổ chức nhân sự, dự trù kinh phí, xây dựng các phương án bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp...

- Tạo ra những mối liên kết với các tổ chức lobby để vận động hành lang nhằm lôi kéo những đối tượng có cùng quyền lợi ở nước khởi kiện ủng hộ mình. Như trong vụ kiện tôm đã có “Liên minh hành động ngành thương mại công nghiệp tiêu dùng Hoa Kỳ” (CITAC) “Hiệp hội các nhà nhập khẩu và phân phối tôm Hoa Kỳ” (ASDA) đứng về phía các doanh nghiệp Việt Nam chống lại vụ kiện bán phá giá của Hoa Kỳ.

- Chủ động thương lượng với chính phủ của nước khởi kiện thực hiện cam kết giá nếu doanh nghiệp thực sự có hành vi phá giá, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp cùng ngành hàng của nước nhập khẩu. Cam kết giá là việc nhà sản xuất, xuất khẩu cam kết sửa đổi mức giá bán (tăng giá lên) hoặc cam kết ngừng xuất khẩu với giá bị coi là bán phá giá hàng hoá. Đây là một thoả thuận tự nguyện giữa các nhà sản xuất, xuất khẩu và nước nhập khẩu. Khi một cam kết giá được chấp thuận. quá trình điều tra sẽ chấm dứt. Hiện nay, cam kết giá được coi là một biện pháp đối phó chủ động của các nước xuất khẩu trong các vụ kiện chống bán phá giá, đặc biệt đối với các sản phẩm công nghiệp. Trong giai đoạn 1995-2001 trên thế giới đã có 34 nước thực hiện cam kết giá, trong đó có 10 nước chưa phải là thành viên WTO. Cam kết giá có ưu điểm là nhanh chóng hơn và ít tốn kém hơn so với việc phải hoàn tất cuộc điều tra của cơ quan điều tra về bán phá giá. Hơn nữa các nhà sản xuất, xuất khẩu ở nước bị kiện sẽ được hưởng phần lớn chênh lệch trước và sau cam kết tăng giá bán thay cho việc nộp thuế chống bán phá giá cho nước nhập khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu lúc này cũng phải đối mặt với việc giảm khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu,chấp nhận thực hiện các thủ tục hành chính nghiêm ngặt và phức tạp hơn trong giao dịch xuất khẩu... Vì vậy cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố về kinh tế, xã hội, luật pháp, khả năng cạnh tranh... trước khi thực hiện biện pháp này.

KẾT LUẬN

Vụ kiện chống bán phá giá cá tra cá basa chưa thể kết thúc, từ vụ kiện có thế thấy để hội nhập và phát triển Việt Nam còn phải đối mặt với sức ép của những cuộc cạnh tranh thiếu công bằng của các nhà sản suất kinh doanh thủy sản, trong đó có Hoa Kỳ.Có thể thấy, với mức tăng trưởng xuất khẩu hàng năm gần 20% trong thời gian gần đây và việc một số mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đã bước đầu có được chỗ đứng vững chắc tại các thị trường lớn đã dẫn đến khả năng các vụ kiện chống bán phá giá ngày càng gia tăng. Điều này về lâu dài sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực do các vụ kiện bán phá giá gây ra, các doanh nghiệp Việt Nam cần có các biện pháp không chỉ ứng phó có hiệu quả mà phải chủ động ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá. Đó là phải thực hiện chiến lược đa dạng hoá sản phẩm và thị trường xuất khẩu, tăng cường vai trò của các hiệp hội ngành hàng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về thông tin, tiến hành cam kết giá khi cần thiết...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình kinh tế thương mại, GS.TS Đặng Đình Đào và GS.TS Hoàng Đức Thân

2. Giáo trình marketing thương mại, PGS.TS Nguyễn Xuân Quang 3. VnExpress.net 4. Chongbanphagia.vn 5. Viet.vietnamembassy 6. Kh-sdh.udu.vn 7. Worldcup.nld.com 8. Tin247.com 9. Vietbao.vn 10.Thuongmai.vn 11.Laodong.com.vn 12.Baocongthuong.com.vn

Một phần của tài liệu Vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa của việt nam trên thị trường hoa kỳ (Trang 36 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(44 trang)
w