Mục tiêu của quỹ phòng hộ giống như mục tiêu của các quy định pháp luật về bảo vệ nhà đầu tư đó là tối đa hóa tỷ suất lợi nhuận sau khi điều chỉnh rủi ro. Mặc dù quỹ phòng hộ chịu ảnh hưởng của các yếu tố rủi ro hệ thống và có khả năng bị lỗ nặng nhưng xét về tổng thể quỹ phòng hộ giảm được rủi ro đầu tư và do đó hỗ trợ đa dạng hóa danh mục đầu tư. Thực tế trong một vài hoàn cảnh, đầu tư vào danh mục đầu tư đa dạng của quỹ phòng hộ có thể ưu việt hơn so với bất kỳ cách đầu tư truyền thống khác.
1. Hoạt động trong ngành quỹ phòng hộ hiện đại
Hình thức của ngành quỹ phòng hộ đã thay đổi từ giữa thập kỷ 90. Trước đó, quỹ phòng hộ chỉ bằng 1% so với quy mô hiện nay, hoạt động của quỹ cũng kém phức tạp và chuẩn hóa hơn, và các dữ liệu cho ngành cũng ít hơn hiện nay. Nhiều nghiên cứu ước tính từ giữa những năm 1990 tỷ suất lợi nhuận trung bình của ngành nằm trong khoảng 9% - 12%. Kể từ đó lịch sử của ngành quỹ phòng hộ được chia làm 3 giai đoạn chứng tỏ khả năng của quỹ phòng hộ trong việc bảo vệ nhà đầu tư khỏi những biến động của thị trường. Giai đoạn đầu tiên là cuộc khủng hoảng nợ ở Nga năm 1998. Vào ngày 17/8/1998, chính phủ Nga đã tạo những sóng gió cho thị trường tài chính bằng việc phá giá đồng rúp và tuyên bố vỡ nợ. Cú sốc này đã làm cho nhiều quỹ phòng hộ lớn chịu thiệt hại khổng lồ và cuối cùng là khoản hỗ trợ trị giá 3.6 tỷ USD cho quỹ phòng hộ Long term Capital Management (LTCM). Mặc dù vậy, tháng 8/1998 toàn bộ ngành quỹ phòng hộ hoạt động vẫn hiệu quả hơn so toàn thị trường, cụ thể quỹ phòng hộ giảm 7.75% trong khi S&P500 mất tới 14.46%.
Giai đoạn nổi bật nhất chứng tỏ khả năng bảo vệ nhà đầu tư khỏi tác động của thị trường đó là thời kỳ suy thoái từ năm 2000 – 2002 sau khi ngành công nghệ thông tin bị sụp đổ. Từ năm 2000 – 2002, chỉ số S&P 500 bị giảm 15.5% và NASDAQ giảm 30.6%/năm trong khi quỹ phòng hộ lại tăng khoảng 3.4%. Hình 2 mô tả tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng năm của quỹ phòng hộ so
với tỷ suất chung của thị trường trong giai đoạn 1997 – 2007. Theo Bảng 2, xét về mặt số tuyệt đối thì tỷ suất lợi nhuận của quỹ phòng hộ thấp hơn của thị trường, tuy nhiên trong giai đoạn thị trường gặp khó khăn thì quỹ phòng hộ vẫn giữ được tỷ suất lợi nhuận dương cho nhà đầu tư.
Bên cạnh ưu điểm giúp nhà đầu tư tránh các khoản lỗ hàng năm của thị trường chứng khoán mà cả những khoản lỗ phát sinh hàng tháng. Tỷ suất lợi nhuận của quỹ phòng hộ thường cao hơn tỷ suất của thị trường chứng khoán trong những tháng khi thị trường chứng khoán bị lỗ. Theo ước tính từ tháng 1/1994 – 12/2005, bất kỳ tháng nào khi S&P 500 giảm sút trung bình khoảng 3.53% thì ngược lại quỹ phòng hộ chỉ lỗ khoảng 0.3%/tháng.
2. Quỹ phòng hộ trong khủng hoảng tín dụng
Trong giai đoạn 3 bắt đầu từ tháng 7/2007, trong bối cảnh thị trường vay thế chấp dưới chuẩn bắt đầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng toàn cầu, các quỹ phòng hộ vẫn đủ khả năng bảo vệ các nhà đầu tư không bị thiệt hại. Vay thế chấp dưới chuẩn là khoản vay mua nhà mà người vay không cần phải đáp ứng các yêu cầu cần thiết về khả năng trả nợ cho một khoản vay thế chấp chuẩn. Vì thế loại vay này có tỷ lệ vỡ nợ lớn hơn. Do thị trường nhà đất bị chững lại từ năm 2006 làm tăng tỷ lệ chậm trả và tỷ lệ mất khả năng thanh toán của các khoản vay dưới chuẩn. Quỹ phòng hộ cũng chịu ảnh hưởng của vay dưới chuấn do các khoản đầu tư của quỹ ở dạng công cụ nợ thế chấp bởi khoản vay dưới chuẩn và các loại chứng khoán có thế chấp khác. Ngân hàng thương mại cũng chịu rủi ro từ thị trường này do nắm giữ các khoản vay dưới chuẩn và các khoản đầu tư vào công cụ nợ có thế chấp bởi khoản vay dưới chuẩn. Ngân hàng đầu tư vốn kiếm lời từ bảo lãnh phát hành công cụ nợ có thế chấp bởi khoản vay dưới chuẩn cũng chịu thiệt hại do không thể bán được các khoản thế chấp này.
Tháng 2/2007 các công ty riêng lẻ bắt đầu chịu thiệt hại do thị trường dưới chuẩn suy thoái và đến tháng 7/2007 toàn bộ nền kinh tế chịu ảnh hưởng. Hàng loạt các ngân hàng thương mại và đầu tư lớn thua lỗ nặng nề tổng cộng khoảng 146 tỷ USD do các công cụ nợ dưới chuẩn bị giảm giá. Ngoài ra nhà đầu tư của các quỹ phòng hộ lớn như Bear Stearns, Goldman Sachs, Citibank và Sowood Capital chịu thiệt hại khổng lồ hoặc mất trắng, một số nhà đầu tư khác thì không thể thu hồi vốn do các quy định về nghiêm cấm rút vốn. Từ ngày 22//6/2007, khi Bear Stearns tuyên bố hỗ trợ hai quỹ phòng hộ đầu tư vào thị trường dưới chuẩn, đến ngày 30/5/2008 thị trường chứng khoán Mỹ giảm 6.8% trong khi chứng khoán của ngành tài chính Mỹ bị tụt dốc 29.59%. Các khoản lỗ từ vay dưới chuẩn buộc các đối tượng tham gia thị trường phải đặt dấu chẩm hỏi đối với giá trị của các công cụ nợ. Khủng hoảng tín dụng khiến các tổ chức cho vay phải thắt chặt hầu bao, vốn trở nên khan hiếm, phát hành và kinh doanh CDO và công cụ nợ khác giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiều quỹ phòng hộ bị thua lỗ, ngành quỹ phòng hộ trên tổng thể vẫn có lãi trong năm đầu của cuộc khủng hoảng tín dụng. Từ 1/6/2007 đến 30/5/2008, quỹ phòng hộ có tỷ suất lợi nhuận từ 1.83% đến 4.97% phụ thuộc vào loại dữ liệu và các chỉ số tổng hợp được sử dụng để phản ánh trung thực tỷ suất của quỹ. Trong khi ngành ngân hàng và tài chính bị lỗ nặng do các hoạt động vay dưới chuẩn, theo số liệu từ chỉ số Hedge Fund.Net các chứng khoán liên quan đến bất động sản kiếm lời 30.06% trong vòng 12 tháng kể từ 1/6/2007. Thực tế nhiều quỹ phòng hộ thu lợi khổng lồ từ thị trường dưới chuẩn do áp dụng các chiến lược kinh doanh sáng tạo.
Hiệu quả hoạt động vượt trội của quỹ phòng hộ so với các tổ chức tài chính khác và thị trường phần lớn là do đóng góp của các sáng kiến tài chính của quỹ và thể chế pháp lý thông thoáng tạo điều kiện cho những sáng kiến này. Thứ nhất cấu trúc quản lý và chính sách đầu tư linh hoạt cho phép quỹ phòng hộ vận dụng kịp thời chiến lược kinh doanh nhằm hạn chế hoặc thậm chí làm lợi từ thiệt hại của thị trường dưới chuẩn. Thứ hai, các biện pháp kích thích hiệu quả hoạt động đã giúp cho quỹ phòng hộ kiểm soát và hạn chế rủi ro phát sinh từ chứng khoán có thế chấp dưới chuẩn hoặc thậm chí còn cho phép quỹ phòng hộ tìm kiếm chiến lược thu lợi từ thị trường này. Công ty quản lý quỹ thường không dựa vào xếp hạng của các cơ quan đánh giá, thay vào đó công ty quản lý quỹ tự nghiên cứu và đánh giá các loại chứng khoán có thế chấp. Thứ ba, quỹ phòng hộ được phép bán khống và kinh doanh công cụ phái sinh với chi phí thấp do đó có thể sử dụng các chiến lược đầu tư sáng tạo để phòng chống rủi ro và kiếm lời từ các sai lệch trong đánh giá chứng khoán có thế chấp. Ví dụ quỹ phòng hộ do John Paulson quản lý đã thu lãi 15 tỷ USD từ việc thực hiện chính sách chiến lược đầu tư mới bao gồm mua bảo hộ CDS và bán khống CDO và chỉ số vay thế chấp dưới chuẩn ABX.
Khác với quỹ phòng hộ, do hạn chế của quy định pháp luật, quỹ tương hỗ và ngân hàng không thể bảo vệ nhà đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng tín dụng. Ban quản lý quỹ tương hỗ không được hưởng các biện pháp khuyến khích như thưởng trên kết quả hoạt động hay đồng đầu tư, do đó quỹ tương hỗ không có khả năng áp dụng linh hoạt chiến lược đầu tư trong điều kiện kinh tế thay đổi. Họ cũng bị hạn chế khả năng bán khống hay sử dụng công cụ phái sinh để có thể hạn chế rủi ro hoặc thu lợi nhuận từ rủi ro liên quan đến thị trường dưới chuẩn. Quỹ tương hỗ đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu nên chịu thiệt như các thành phần tham gia thị trường khác. Ngân hàng thương mại cũng không có những biện pháp khuyến khích hoạt động và quản lý rủi ro như quỹ phòng hộ. Do ngân hàng thương mại chỉ được phép thực hiện nghiệp vụ cho vay, các ngân hàng thương mại không thể đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm rủi ro từ các khoản vay thế chấp dưới chuấn. Có thể điều quan trọng nhất là do ngân hàng thương mại bị điều tiết bởi luật ngân hàng liên bang và luật này không tạo điều kiện cho ngân hàng quản lý rủi ro hiệu quả hay được phép tham gia vào các hình thức kinh doanh khác.
Ngân hàng đầu tư hơi giống với quỹ phòng hộ do có thể bán khống và sử dụng các công cụ phái sinh cũng như áp dụng các biện pháp khuyến khích nhằm phát huy tính sáng tạo trong chiến lược đầu tư và thẩm định khách hàng. Ngân hàng đầu tư do đó cũng kiếm lời từ chứng khoán thế chấp dưới chuẩn. Ví dụ, công cụ phái sinh và bán khống đã đem lại cho Goldman Sachs khoản lời 4 tỷ USD và cho Ngân hàng Deutsche 1 tỷ USD từ các khoản vay thế chấp dưới chuẩn. Tiền thưởng và cơ hội nghề nghiệp của các vị trí hàng đầu trong ngân hàng đầu tư khuyến khích ban quản lý ngân hàng thực hiện nghiên cứu sáng tạo các chiến lược đầu tư nhằm hạn chế rủi ro và thu lợi từ sự sụp đổ của thị trường dưới chuẩn. Tuy nhiên ban quản lý của ngân hàng đầu tư vẫn thiếu các biện pháp khuyến khích và cơ cấu quản trị linh hoạt để có thể thu lời từ các sáng kiến tài chính như CDO. Lý do tại sao Goldman Sachs và Ngân hàng Deutsche không có nhiều giao dịch là do người ra quyết định đầu tư của hai tổ chức này không phải là chủ sở hữu của chính tổ chức đó. Cấu trúc quản trị phi doanh nghiệp của các quỹ phòng hộ hướng đến chiến lược đầu tư và quản lý rủi ro. Các ngân hàng đầu tư lớn gặp khó khăn trong việc kết hợp sáng kiến về CDO với phương thức quản lý rủi ro đã có sẵn. Merrill Lynch bị lỗ 14.1 tỷ USD từ chứng khoán có bảo lãnh vay thế chấp dưới chuẩn do quản lý rủi ro tín dụng không được tách rời từ quản lý rủi ro thị trường. Cơ cấu tổ chức phân cấp và nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau là nguyên nhân dẫn đến các mâu thuẫn nội bộ khi ngân hàng đầu tư duy trì hai loại trạng thái mua và bán các công cụ nợ có thế chấp.
Chúng ta cũng cần chú ý rằng việc so sánh trực tiếp tỷ suất lợi nhuận của quỹ phòng hộ với thị trường vốn nói chung và tỷ suất của các tổ chức tài chính khác có thế sẽ thổi phồng ưu thế của quỹ phòng hộ. Như đã thảo luận ở trên quỹ phòng hộ không cho phép nhà đầu tư rút vốn theo ý muốn trong khi nếu đầu tư vào các công ty cổ phần thông thường khác trên sàn giao dịch thì nhà đầu tư có thể dễ dàng chuyển nhượng thông qua thị trường thứ cấp. Hơn nữa quỹ phòng hộ không được phép cho vay hay bảo lãnh phát hành chứng khoán, do đó không chịu rủi ro từ các khoản vay thế chấp và bảo lãnh chứng khoán cho những khoản vay này.
IV. KẾT LUẬN
Kết quả hoạt động của quỹ phòng hộ cho thấy cơ chế pháp luật điều chỉnh quỹ phòng hộ đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư vào quỹ hưởng lợi từ các sáng kiến tài chính bất chấp những rủi ro đặc thù và tính phức tạp phát sinh bởi các chiến lược đầu tư táo bạo. Các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm phương thức đảm bảo sự hài hòa giữa bảo vệ nhà đầu tư và các sáng kiến đầu tư táo bạo. Kết quả hoạt động của quỹ phòng hộ cho thấy rằng luật pháp, cơ cấu tổ chức, phương pháp quản trị đã tạo điều kiện cho các sáng kiến tài chính trong khi vẫn bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Thứ nhất luật pháp cho phép quỹ phòng hộ sử dụng đòn cân nợ, bán khống và công cụ phái sinh đã tạo sự linh hoạt cho quỹ trong đổi mới và sáng tạo các chiến lược đầu tư đồng thời giảm bớt ảnh hưởng từ rủi ro thị trường. Thứ hai, cơ cấu tổ chức và quản trị không theo kiểu công ty của quỹ phòng hộ mang lại các biện pháp khuyến khích hoạt động giúp quỹ phòng hộ áp dụng các sáng kiến tài chính và tạo điều kiện cho ban quản lý đạt được sự cân bằng giữa chấp nhận rủi ro và quản lý rủi ro. Bài học rút ra từ đặc điểm kinh tế và pháp lý của quỹ phòng hộ là các sáng kiến tài chính có thể sẽ bù đắp cho nhà đầu tư nếu thể chế pháp luật cho phép trung gian tài chính
có chiến lược đầu tư linh hoạt, có các biện pháp khuyến khích hoạt động như thưởng dựa trên kết quả hoặc nhà đầu tư tham gia quản lý.
Vai trò của quỹ phòng hộ trong việc bảo vệ nhà đầu tư cũng cho thấy quỹ này cần được mở rộng cho nhiều nhà đầu tư khác nhau để càng có nhiều nhà đầu tư có thể hưởng lợi. Điều này có thể thực hiện bằng cách hạ thấp tiêu chuẩn về mức vốn đầu tư tối thiểu vào quỹ. Ngoài ra các nhà hoạch định chính sách nên xem xét lại các quy định đối với quỹ tương hỗ ví dụ như cho phép quỹ này được thu phí kết quả hoạt động hoặc được sử dụng đòn cân nợ, bán khống, hay công cụ phái sinh. Một kiến nghị khác đó là sửa đổi Luật Công ty để cho phép quỹ tương hỗ sử dụng dễ dàng các chiến lược đầu tư tương tự như của quỹ phòng hộ. Tuy nhiên quỹ phòng hộ cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực từ những biến động của thị trường nói chung và khủng hoảng tín dụng nói riêng. Điều này chứng tỏ quỹ phòng hộ không phải là liều thuốc cho căn bệnh dai dẳng là rủi ro đầu tư. Nhà đầu tư, quản lý quỹ và nhà hoạch định chính sách cần thận trọng đối với tính phức tạp tiềm tàng của hoạt động đầu tư cũng như khả năng lan tỏa nhanh chóng của các khoản thiệt hại trong tất cả các trung gian tài chính cho dù tổ chức đó hoạt động dựa trên bất kỳ môi trường pháp lý nào.