CHƯƠNG 5: ỨNG DỤNG ADSL/VDSL CHO CÁC DỊCH VỤ TRUYỀN HÌNH CÁP Ở VIỆT NAM
5.1.3 Tình hình cung cấp dịch vụ VOD trên thế giớ i:
Bắt đầu có khả năng triển khai từ đầu những năm 1990, cho đến nay đã có rất nhiều dự án thử nghiệm và một số dự án cung cấp dịch vụ VOD đã được triển khai trên thế giới dưới nhiều mô hình cung cấp dịch vụ khác nhau. Ngoài ra còn có một loạt các dự án đã được triển khai ở mức độ mạng nội bộ trong các khách sạn, công ty lớn... Một số dự án điển hình sẽ được xem xét để rút ra kinh nghiệm trong việc triển khai dịch vụ này :
Quá trình triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ VOD có tên là Mạng dịch vụ đầy đủ FSN của hãng Time Warner Cable, một chi nhánh của tập đoàn thông tin hàng đầu nước Mỹ-Time Warner. Từ năm 1993, hãng đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về mạng FSN dựa vào cơ sở mạng truyền hình cáp (HFC) hiện có. Năm 1994, thử nghiệm VOD đầu tiên được tiến hành tại FSN Orlando. Năm 1997 có hai sự kiện quan trọng xảy ra là hãng General Instrument thông báo cung cấp thiết bị set-top box số thương mại đầu tiên DCT-1000 và Time Warner phát
hành yêu cầu đề xuất VOD. Cuối năm 1999, dịch vụ VOD đã bắt đầu được triển khai tại một số nơi miền Tây nước Mỹ. Theo dự tính, vào khoảng giữa năm 2000, dịch vụ VOD sẽ được cung cấp trên diện rộng tới nhà thuê bao trong cả vùng Bắc Mỹ.
Dự án cung cấp VOD đầu tiên của châu Âu được hãng YES Television đưa vào hoạt động tháng 10/1999 trong phạm vi thành phố Hull nước Anh. Đây là giai đoạn đầu tiên của dịch vụ Kingston Interactive Television cung cấp dịch vụ cho khoảng 1500 khách hàng đầu tiên trong tháng 10/1999 và dự kiến phát triển thành nhiều giai đoạn với số lượng khách hàng tăng thêm khoảng 150.000 vào cuối năm 2003. Dự án VOD của YES Television sử dụng video server của hãng Cube với khả năng vừa đảm bảo đầu tư ban đầu vừa có thể mở rộng trong tương lai. Chương trình được cung cấp trên cơ sở mạng ADSL tốc độ 4 Mbit/s cho phép duy trì chất lượng dịch vụ hình ảnh và âm thanh cao gần bằng truyền hình có độ phân giải cao (HDTV). Dự án cung cấp VOD tại Singapore có tên là Magix bắt đầu đưa vào hoạt động tháng 11/1999. Đây là một dịch vụ theo yêu cầu tổng hợp với các ứng dụng như phim theo yêu cầu, tin tức theo yêu cầu, học tương tác, âm nhạc theo yêu cầu... Dịch vụ được cung cấp thông qua mạng ADSL tới các máy tính có card giao diện ATM kết nối tới modem ADSL. Giá thuê dịch vụ VOD của Magix là 16 USD một tháng cộng với 1,88 USD cho một giờ sử dụng dịch vụ. Các dịch vụ số liệu khác được tính theo thời gian sử dụng dịch vụ theo hai mức 5 cent /phút vào giờ bình thường và 10 cent /phút vào giờ cao điểm.
Đầu năm 1996, SingTel đã đưa vào một dự án thử nghiệm VOD thông qua công nghệ ATM trên đường truyền là mạng cáp quang thụ động PON. Dự án này cung cấp cho 300 thuê bao gia đình. Tuy nhiên kết quả doanh thu của dự án thử nghiệm này không mấy thành công vì chi phí qúa lớn. Cuối cùng dịch vụ VOD được cung cấp trên nền mạng truy nhập ADSL đa dịch vụ có khả năng cung cấp cho 100.000 thuê bao. Tốc độ tối đa là 8 Mbit/s do bán kính phục vụ ngắn ở Singapore. Phần cứng video server được sử dụng là server Digital RS –8400 và Anphas 4100 với phần mềm Oracle Video Server. Kết quả ban đầu theo công bố của SingTel là rất khả quan với số lượng thuê bao ước tính sẽ tăng 5000 thuê bao/tháng. SingTel hiện có tỷ lệ tăng thuê bao ở mức 3/1 so với đối thủ cạnh tranh cung cấp dịch vụ cable TV của mình là Singapore Cable Vision. Điều đáng chú ý là các thuê bao của Magix đều sử dụng máy tính cá nhân làm thiết bị hiển thị.
Năm 1994, hãng British Telecoms (BT) bắt đầu thử nghiệm kỹ thuật cung cấp dịch vụ VOD cho 60 nhân viên của mình ở vùng Sufolk, Anh. Tiếp theo đó là nột dự án thử nghiệm thăm dò thị trường với khoảng 2500 khách hàng trả tiền được tiến hành
từ năm 1995. Kết quả của cuộc thử nghiệm này cho phép BT chọn ra một công nghệ thích hợp và hiệu quả để triển khai. Trong khoảng thời gian thử nghiệm, ba công nghệ truy nhập thuê bao được sử dụng là truy nhập cáp quang, truy nhập cáp đồng và truy nhập vô tuyến. Đường truy nhập cáp quang tới thuê bao sử dụng công nghệ mạng PON có chất lượng cao với tốc độ bit lớn, khoảng cách xa nhưng giá thành quá cao nếu chỉ để truy nhập VOD đơn thuần. Đường truy nhập cáp đồng sử dụng công nghệ ADSL có khả năng cung cấp dịch vụ với đầu tư ban đầu thấp mà chất lượng dịch vụ đảm bảo, khoảng cách cung cấp dịch vụ lên tới 6 km và có khả năng chống ảnh hưởng của nhiễu cũng như các vấn đề đi dây khác. Đường truy nhập vô tuyến trong dự án thử nghiệm này là sử dụng cáp quang để truyền tín hiệu đã được ghép kênh từ tổng đài xuống tới gần thuê bao và chuyển đổi thành tín hiệu vô tuyến 29 GHz truyền tới thuê bao. Đường kết nối này cũng được sử dụng cho chiều thông tin ngược lại. Người sử dụng dùng máy truyền hình thông thường với giao diện trên phần điều khiển của set-top box tương tự như đầu video thông thường.
Điểm qua một số dự án có thể nhận thấy yếu tố chi phí luôn là yếu tố chính ảnh hưởng tới tính khả thi của dự án. Trong khi giá thành của các thiết bị video server và set-top box đang giảm nhanh chóng do sự phát triển của ngành công nghiệp điện tử và vi điện tử thì gía thành thiết bị mạng băng rộng và chi phí vận hành vẫn còn cao.
Tại Việt nam, các đài PTTH Hà Nội và đài TH Trung ương cũng đã có kế hoạch xây dựng mạng truyền hình cáp và tìm kiếm một giải pháp phù hợp có thể mở rộng các dịch vụ của họ một cách nhanh nhất với chi phí thấp nhất.