Hiện nay nhiều lưu vực sông đang bị suy thoái nghiêm trọng và không đảm bảo dòng chảy ở hạ du mà nguyên nhân chính là do việc mất cân đối trong khai thác, sử dụng nước cũng như việc coi nhẹ bảo vệ môi trường. Tình trạng này đã diễn ra các thảm họa như: thiếu nước cho các nhu cầu sử dụng ở hạ du, sự cạn kiệt dòng chảy trong mùa cạn, dẫn đến tình trạng đứt dòng của sông ở vùng hạ du (điển hình là thủy điện Srepok 4 không xả nước xuống hạ du, chỉ xả xuống sông Sêrêpốk 8,23 m³/giây, trong khi dòng chảy tự nhiên của sông là 220 m³/giây, tức chỉ bằng 1/26 so với dòng chảy tự nhiên khiến cả một đoạn sông dài trên 20 km cạn kiệt nước). Sự gia tăng các hiểm hoạ do nước gây ra như lũ lụt và sa bồi thuỷ phá; sự suy giảm chất lượng nước khiến cho nước sông không còn sử dụng được; sự gia tăng xâm nhập mặn ở vùng cửa sông. Do tính cấp thiết về khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên nên trong vài thập kỷ gần đây các nước trên thế giới đã quan tâm đến giới hạn khai thác và duy trì dòng chảy môi trường. Dòng chảy môi trường đã được nghiên cứu và ứng dụng trong quy hoạch và quản lý nguồn nước các lưu vực sông ở hơn 25 nước trên thế giới trong đó có Mỹ , Úc, Nam Phi....
Đối với Việt Nam, dòng chảy môi trường mới được quan tâm trong khoảng 15 năm trở lại đây không phải hoàn toàn do nhận thức mà do trước đây chất lượng nước trên các sông chưa bị ô nhiễm. Trong chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020 được chính phủ thông qua tháng 4/2006 đã đưa ra 6 mục tiêu bảo vệ tài nguyên nước trong đó có mục tiêu về dòng chảy môi trường là: “Bảo đảm dòng chảy tối thiểu duy trì hệ sinh thái thuỷ sinh theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trọng điểm là các sông có hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng”. Trên lưu vực sông Srepok, đến nay mặc dù đã có một số số liệu về chất lượng nước nhưng vẫn còn khá rời rạc. Chúng ta cũng đã đưa ra các quan điểm về dòng chảy môi trường thông qua việc kế thừa các phương pháp luận và phương pháp của thế giới tuy nhiên cần phải lược giản đi cho phù hợp với thực trạng số liệu và điều kiện của Việt Nam.