3.4.2.1. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng trong điểm đến du lịch.
Căn cứ vào các tiềm năng du lịch ở Hương Sơn cần đầu tư, khai thác phát triển các loại hình du lịch sau:
+ Du lịch sinh thái
+ Du lịch nghỉ ngơi, thư giãn cuối tuần
+ Du lịch tham quan nghiên cứu, văn hoá, lịch sử + Du lịch vui chơi giải trí kết hợp với thể thao.
Căn cứ vào tiềm năng, sự phân bố tài nguyên và các điều kiện có liên quan, tổ chức không gian du lịch Hương Sơn sẽ bao gồm các khu chức năng chính là:
Khu đón tiếp: bao gồm toàn bộ khu bến đò Yến Vĩ, khu dân cư và dịch vụ tư nhân (3 thôn Đục Khê, Yến Vĩ, Hợi Xá), khu Đền Trình và một phần núi Ngũ Nhạc, đây là đầu mối đi các khu chức năng khác.
Cụm du lịch tham quan, lễ hội Hương Tích: Bao gồm các đền chùa hang động phía Bắc Thiên Trù, Hương Tích, Giải Oan, dịch vụ du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu dự trữ phát triển, rừng cảnh quan, rừng bảo vệ...
Cụm du lịch tham quan lễ hội Hinh Bồng, Long Vân, Động Người Xưa, gồm khu đền chùa, dịch vụ du lịch, rừng cảnh quan và rừng bảo vệ.
Cụm du lịch tham quan lễ hội Tuyết Sơn: Bao gồm các đền chùa, hang động, cảnh quan vùng núi Tuyết Sơn nằm ở Đông Nam núi Hương Tích.
Khu du lịch sinh thái rừng: Nằm giữa khu Thiên Trù và khu Long Vân, Hinh Bồng; gồm các rừng cây hoang dã, các thung mơ, các bãi đất ở trung tâm dãy núi Hương Tích.
Cụm du lịch sinh thái hồ là cầu nối giữa khu Hương Tích và khu Tuyết Sơn. 3.4.2.2. Đầu tư các cơ sở lưu trú phục vụ khách du lịch
Cần tập trung đầu tư để nâng cấp các phòng khách sạn hiện có để đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 1-2 sao (chủ yếu cho khách nghỉ qua đêm), ngoài ra có thể xây dựng một số bungalow, camping... để phục vụ khách nghỉ trong ngày. Giai đoạn này cần tập trung đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình (như cơ sở hạ tầng, bến bãi...), các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, các cơ sở dịch vụ khác với quy mô thích hợp để đáp ứng kịp thời cho nhu cầu khách du lịch.
3.4.2.3. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch tại Hương Sơn:
- Tiến hành tổng kết, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động du lịch từ huyện cho đến địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ của Ban quản lý thắng cảnh Hương Sơn, để nắm có thực trạng toàn diện các mặt, các đặc trưng phẩm chất, năng lực, các mặt mạnh yếu... từ đó xây dựng các định hướng phương pháp quản lý phù hợp với điều kiện thực tế của Khu du lịch thắng cảnh Hương Sơn.
- Đổi mới chính sách tạo nguồn và đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý khu vực Hương Sơn. Nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo hướng trọng tâm vào những kiến thức cơ bản cần thiết và phù hợp với yêu cầu quản lý hoạt động du lịch ở Hương Sơn.
- Đồng thời, cần xây dựng cơ chế đãi ngộ thoả đáng nhằm thu hút những cán bộ có năng lực chuyên môn, tạo ra động cơ vật chất khuyến khích sự cống hiến một cách xứng đáng. Đây chính là yếu tố cơ bản để đảm bảo cho các giải pháp nêu trên được thực hiện đạt hiệu quả.