Đặc trưng của quyền con người

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người trong quá trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Trang 25)

Theo nhận thức chung của cộng đồng thế giới, quyền con người có những đặc trưng cơ bản sau đây:

* Tính phổ biến

Tính phổ biến của quyền con người thể hiện ở chỗ quyền con người được áp dụng chung cho tất cả mọi người, không phân biệt màu da, dân tộc, giới tính, tôn giáo, độ tuổi, thành phần xuất thân. Con người, dù ở trong những chế độ xã hội riêng biệt, thuộc những truyền thống văn hóa khác nhau vẫn được công nhận là con người và được hưởng những quyền và sự tự do cơ bản.

* Tính đặc thù

Mặc dù tất cả mọi người đều được hưởng quyền con người nhưng mức độ thụ hưởng quyền có sự khác biệt, phụ thuộc vào năng lực cá nhân của từng người, hoàn cảnh chính trị, truyền thống văn hóa xã hội mà người đó đang sống. Ở mỗi vùng, mỗi quốc gia khác nhau, vấn đề quyền con người mang những sắc thái, đặc trưng riêng gắn liền với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đó. Ví dụ: ở các nước Tây Âu, do điều kiện kinh tế phát triển nên con người ở đây được hưởng chế độ an sinh xã hội tốt hơn nơi khác. Ngược lại, ở một số nước châu Á, do kinh tế còn chậm phát triển nên mức độ thụ

hưởng an sinh xã hội thấp hơn.

* Tính không thể bị tước bỏ

Trong quan niệm chung của cộng đồng quốc tế, quyền con người không thể tùy tiện bị tước bỏ hay hạn chế một cách tùy tiện bởi bất cứ chủ thể nào, kể cả các cơ quan và quan chức nhà nước. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định được pháp luật quy định trước, chỉ có những chủ thể đặc biệt mới có thể hạn chế quyền con người. Ví dụ: tù nhân bị giam do thực hiện hành vi phạm tội.

* Tính liên hệ và phụ thuộc lẫn nhau giữa các quyền

Tất cả các quyền con người đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, việc thực hiện tốt quyền này sẽ là tiền đề để thực hiện quyền kia. Ngược lại, khi có một quyền bị xâm phạm thì sẽ ảnh hưởng đến các quyền khác. Ví dụ: nếu một người không được làm việc, không có một mức sống đảm bảo cho sự sống còn của cá nhân thì người đó sẽ ít chú ý đến các quyền dân chủ như: Quyền bầu cử hoặc quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội.

Hiện nay có hai trường phái cơ bản nghiên cứu về quyền con người là trường phái quyền con người tự nhiên và trường phái quyền con người pháp lý.

Những đại diện tiêu biểu cho học thuyết quyền con người tự nhiên gồm Thomas Hobes (1588 - 1679), John Locke (1632 - 1704), Thomas Paine (1731 - 1809). Họ cho rằng, quyền con người là những gì bẩm sinh, vốn có của con người mà tạo hóa ban tặng cho họ. Con người phải được hưởng những quyền này không phụ thuộc vào phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa hay ý chí của nhà nước. Vì vậy, không một ai, kể cả nhà nước, có thể ban phát hay tước bỏ các quyền bẩm sinh, cố hữu của con người.

Ngược lại, học thuyết về quyền pháp lý cho rằng quyền con người không phải là do tự nhiên ban tặng mà phải do nhà nước xác định và pháp điển hóa thành các điều luật. Do đó, quyền con người bị ảnh hưởng bởi tập quán văn

hóa và truyền thống chính trị. Các học giả tiêu biểu của trường phái quyền pháp lý gồm có Edmun Burke (1729 - 1797) và Jeremy Bentham (1748 - 1832).

Một phần của tài liệu Bảo đảm quyền con người trong quá trình áp dụng các biện pháp xử lý hành chính (Trang 25)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)