Báo Singapore The Straits Times (TST) vừa phanh phui vụ cơ sở đào tạo tư nhân Brookes Business School cấp bằng cử nhân giả mạo của Học viện Kỹ thuật hoàng gia Melbourne (RMIT) với mức học phí và thời gian học chỉ bằng 1/3 so với bằng thật.
Hơn một chục sinh viên “tốt nghiệp RMIT” đã kể lại với TST rằng họ đăng ký vào năm 2005 và cuối năm 2008, trả từ 8.200-12.300 USD cho khóa học. Ít nhất một sinh viên trong số đó vẫn còn đang theo học. Các sinh viên bị mê hoặc do Trường Brookes Business cho biết bằng được cấp từ một đại học uy tín. Ngoài ra, cơ sở đào tạo này cũng có đăng ký với Bộ Giáo dục Singapore và có con dấu chất lượng của Hiệp hội Người tiêu
dùng Singapore (CASE).
Giảng viên phập phù!
Sinh viên theo học các lớp dạy về kinh doanh và tiếp thị một hoặc hai buổi tối mỗi tuần trong khóa học một năm, được giao viết từ 8-10 bài luận mà theo những người tổ chức lớp, sẽ tính vào điểm tốt nghiệp. Giảng viên chủ yếu làm việc bán thời gian và theo các sinh viên này, thay đổi liên tục. Hiện trang web của cơ sở đào tạo này vẫn có một danh sách gồm bảy giảng viên, trong đó có hai người nước ngoài.
Nghi ngờ bắt đầu xuất hiện từ cuối năm ngoái khi có tin đồn một “cử nhân” học chương trình này bị một ngân hàng từ chối sau khi cô nộp hồ sơ xin việc ở đó với bằng tốt nghiệp RMIT giả. Trong số hơn một chục người được TST phỏng vấn, hai “cử nhân” cũng xác nhận đã sử dụng bằng đó để xin được công việc hiện giờ. Những người khác cho biết họ vẫn chưa sử dụng “tấm bằng” của mình do lo ngại trước tin đồn.
Ít nhất ba người đã tìm cách lấy lại học phí, dù trước đó họ đã ký đơn cam kết không có hành động chống lại cơ sở đào tạo. Điều này xảy ra sau khi Benny Yap, lãnh đạo Trường Brookes Business, lên tiếng phủ nhận việc bằng cấp của họ là giả lúc mới xuất hiện tin
đồn. Một trong số những “cử nhân” đã tốt nghiệp nói lúc đầu ông Yap đề nghị với cô đổi “bằng RMIT” lấy bằng của một trường đại học khác, nhưng cô không đồng ý. “Tôi đổi một cái bằng giả lấy một cái bằng giả khác để làm gì” - nạn nhân giấu tên nói với TST. Một “cử nhân RMIT” khác hiện đang làm việc trong ngành giáo dục nói cô đã thức trắng nhiều đêm do lo sợ cấp trên phát hiện cô dùng bằng giả. “Tôi cứ nghĩ đó là bằng thật và đã chăm chỉ làm các bài luận” - cô kể. Các bài luận của cô không bao giờ được chấm và trả lại, nhưng vào cuối năm học cô lại nhận được một bảng điểm ưu tú. Hàng trăm nạn nhân
Ngoài việc bán bằng RMIT giả, cơ sở đào tạo nói trên còn bán cả bằng cử nhân kinh doanh của các trường khác ở Anh và Xứ Wales, rất có thể cũng là bằng giả. TST nói cho tới giờ không rõ có bao nhiêu người đã mua phải bằng RMIT và các bằng cấp giả của Trường Brookes Business, nhưng dựa trên thực tế có 30-50 sinh viên mỗi lớp, TST ước tính số nạn nhân có thể lên đến hàng trăm người.
RMIT xếp thứ 10 trong danh sách những trường đại học tốt nhất của Úc theo đánh giá của QS World University Rankings và khá nổi tiếng ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là với các khóa học kinh doanh và công nghệ thông tin. Tiến sĩ Madeleine Reeve, phó giám đốc phụ trách quốc tế và phát triển của RMIT, nói trường đã biết về các hoạt động của Brookes Business School từ tháng 4-2007 và qua các luật sư, RMIT đã nhận được một văn bản của ông Yap nói sẽ gỡ bỏ tất cả thông tin liên quan đến RMIT trên trang web và các tài liệu khác của trường này. Ông Yap cũng cam kết sẽ nhắc sinh viên rằng trường ông không có hợp tác gì với RMIT. Nhưng đầu năm nay, lại có một số sinh viên gửi thư điện tử cho Trường RMIT hỏi xem họ có phải đã đăng ký là sinh viên của RMIT qua Brookes Business hay không. Tiến sĩ Reeve nói kể từ đó họ đã thông báo mọi việc cho cảnh sát.
Bà Reeve cho biết Trường RMIT có hợp tác với nhiều cơ sở đào tạo tại Singapore trong nhiều năm mà lớn nhất là Học viện Quản lý Singapore (SIM), nơi hiện có khoảng 6.000 sinh viên bản xứ và người nước ngoài đang theo học chương trình của RMIT. Học phí ở SIM hiện khoảng 20.500 USD cho ba năm học. Một chương trình học tương tự ngay tại Melbourne sẽ tốn khoảng 68.500 USD cho học phí và sinh hoạt phí trong ba năm. Giám đốc điều hành của SIM, ông Lee Kwok Cheong, khẳng định bằng giả là một vấn đề hết sức nghiêm trọng và “cần phải có luật lệ mới để giám sát các cơ sở đào tạo tư nhân”. Ông Lee cũng nói các sinh viên phải kiểm tra cẩn thận trước khi đăng ký học và phải đặc biệt cảnh giác với những “đường tắt” dẫn đến bằng cấp.
Ông chủ Trường Brookes Business, Benny Yap Chee Mun, 39 tuổi, nói với TST rằng ông cũng là nạn nhân của một cú lừa vì có người đã bán cho ông quyền mở chương trình học lấy bằng của RMIT vào tháng 8-2007. Ông Yap khẳng định đã trình báo với cảnh sát về một “ông Suong” đến từ Học viện RMIT VN đã bán cho ông quyền sử dụng đề cương giảng dạy và cấp bằng với giá 10.000 USD. Cảnh sát xác nhận đã nhận được trình báo của ông Yap vào ngày 24-12-2008. Ông Yap phân bua phải tới tháng 10-2008 ông mới nhận ra có điều gì đó không đúng khi các “cử nhân” cho biết “bằng đại học” của họ có
những lỗi chính tả rất cơ bản.
Tháng 12-2008, ông Yap đến RMIT ở Melbourne để thông báo lại với trường này. Các vị lãnh đạo của RMIT Melbourne xác nhận chuyến thăm của ông Yap nhưng cho biết tại cơ sở VN của họ không có nhân viên nào tên “Suong”. Trong một tuyên bố gửi cho TST, tiến sĩ Madeleine Reeve, phó giám đốc phụ trách quốc tế và phát triển của RMIT ở Úc, khẳng định trường này không có bất kỳ sự hợp tác nào với Brookes Business và “bác bỏ thông tin của ông Yap cho rằng có một nhân viên của RMIT VN được giao quyền thỏa thuận với Brookes Business và cho phép Brookes Business giảng dạy chương trình của RMIT”.
Tổng giám đốc RMIT VN GS James Barber tại TP.HCM xác nhận không hề có nam nhân viên nào tại RMIT VN tên “Suong” và RMIT VN cũng không hề có bất kỳ chương trình hợp tác đào tạo nào với Trường Brookes Business ở Singapore.