2. Vấn đề kế thừa quốc gia của Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay
2.1. Kế thừa về lãnh thổ và biên giới quốc gia
Vào đầu thập niên 1990, thế giới chứng kiến sự thay đổi địa chính trị lớn lao ở châu Âu, ảnh hưởng đến ranh giới lãnh thổ của nhiều nước trong khu vực như Đức, Liên Xô, Nam Tư, Tiệp Khắc... Cùng với tranh chấp lãnh thổ thường xuyên xảy ra, sự thay đổi địa chính trị này góp phần gia tăng hiểu biết về quyền kế thừa lãnh thổ, thông qua quyết định của Tòa án Quốc tế.
Thông thường để quản lý có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế – xã hội, … trong lãnh thổ và khu vực biên giới, các quốc gia sẽ ban hành các văn bản pháp luật dựa trên các quy định của luật quốc tế để xác lập quy chế pháp lý và bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Cho đến đầu thế kỷ XX, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Nhưng ngay sau chiến tranh thế giới thứ hai, Hiến chương Liên Hợp Quốc được thông qua năm 1945 có điều 2, khoản 4 cấm sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia. Cuộc đấu tranh kiên cường, bền bỉ và quyết liệt của các dân tộc thuộc địa sau chiến tranh thế giới thứ hai mà dân tộc ta là một đội ngũ tiên phong với chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ đã dẫn tới nghị quyết cụ thể và đầy đủ hơn của Liên Hợp Quốc về vấn đề này.
Nghị quyết 1514 ngày 14/12/1960 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về việc trao trả nền độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa đã viết: “Mọi hành động vũ trang và mọi biện pháp đàn áp, bất kể thuộc loại nào, chống lại các dân tộc phụ thuộc sẽ phải được chấm dứt để các dân tộc đó có thể thực hiện quyền của họ về độc lập hoàn toàn một cách hoà bình và tự do, và toàn vẹn lãnh thổ của họ sẽ được tôn trọng”.
Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc lại viết: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe doạ hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên gỉới quốc tế
hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.
Trong bối cảnh địa lí và chính trị của nước ta sau 1975, trước sự phát triển của luật pháp quốc tế về biển, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam phải giải quyết một loạt vấn đề về biên giới – lãnh thổ với các nước láng giềng trên cơ sở các điều ước về biên giới lãnh thổ mà Pháp và chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đã kí kết.
Với Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào
Do đặc điểm địa lý và lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam và Lào, giữa hai nước đã có một đường ranh giới tự nhiên hình thành trên thực tế từ lâu đời (từ thế kỷ XIV) chạy dọc theo các dải núi cao từ Phù Xám Xậu (Lai Châu) tới Trường Sơn.
Từ giữa thế kỷ XIX đến năm 1945, Việt Nam và Lào bị thực dân Pháp thống trị, giữa hai nước là những ranh giới hành chính trong cái gọi là “Đông Dương thuộc Pháp”. Trong thời kỳ này, để thực hiện chính sách “chia để trị” và triệt để khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã tùy tiện cắt, nhập một số khu vực đất đai của Việt Nam sang Lào và của Lào sang Việt Nam. Nhưng nói chung, toàn bộ đường biên giới giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao đã được thể hiện trên bản đồ Pháp vẽ và cơ bản phù hợp với đường biên giới đã hình thành trên thực tế.
Đến năm 1945, sau khi Việt Nam và Lào cùng giành được độc lập, ranh giới hành chính giữa các xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Ai Lao được hai nước thỏa thuận là đường biên giới quốc gia.
Tháng 2/1976, lãnh đạo hai nước đã cho ý kiến về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước. Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào là đường biên giới trên bản đồ của Sở Địa dư Đông Dương (SGI) năm 1945 tỷ lệ 1/100 000, thông dụng trước năm 1954.
Hai bên đã giải quyết vấn đề biên giới theo nguyên tắc Uti possidetis (anh hãy làm chủ cái anh đang có), một nguyên tắc đã được áp dụng ở châu Mỹ la tinh trong thời kì phi
thực dân hóa và đã được Tổ chức thống nhất Châu Phi chấp nhận với nội dung “Tôn trọng các đường biên giới tồn tại vào lúc mà các nước Châu Phi giành được độc lập”.
Để xác lập một đường biên giới rõ ràng, phù hợp với luật pháp quốc tế, ngày 18/7/1977, ta và Lào đã ký Hiệp ước hoạch định biên giới và ngày 24/01/1986 ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định. Trong giai đoạn 1978 – 1987, hai bên đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa, còn lại 18 đoạn biên giới tồn đọng do địa hình hiểm trở và bom mìn, với chiều dài khoảng 150km và cắm được 199 vị trí mốc (214 cột mốc). Kết quả đó được ghi nhận tại Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới ký ngày 24/01/1986, Nghị định thư bổ sung Nghị định thư về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới ký ngày 16/10/1987.
Từ năm 1996 - 2003, hai bên đã hoàn thành đo vẽ bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000. Hai bên cũng đã giải quyết xong toàn bộ các tồn đọng về biên giới lãnh thổ vào năm 2007 và từ năm 2008 đến nay đang thực hiện “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào” – theo kế hoạch hai bên sẽ hoàn thành toàn bộ công tác cắm mốc trên thực địa vào tháng 6/2013 và hoàn thành toàn bộ các văn kiện pháp lý ghi nhận kết quả cắm mốc vào năm 2014.
Với Campuchia
Đường biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia chủ yếu được hình thành từ thế kỷ XVII – XVIII, nhưng chưa được quy định rõ ràng giữa hai nước. Trong thời kỳ Pháp thuộc, đường biên giới này được hoạch định bằng các Thoả ước Pháp - Campuchia và các Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ và Toàn quyền Đông Dương.
Đường ranh giới hành chính nêu trên đã được chính quyền Pháp thể hiện đầy đủ trên 26 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do SGI xuất bản.
Dựa theo nguyên tắc Rebus Sic Stantibus, Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện hiệp ước hoạch định biên giới mà Pháp đã ký kết trước đó với Campuchia. Dẫn chứng là: năm 1985, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Campuchia đã được ký kết (có
hiệu lực năm 1986) thống nhất lấy đường biên giới thể hiện trên bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 do Sở Địa dư Đông Dương xuất bản gần năm 1954 nhất làm đường biên giới giữa hai nước. Từ cuối tháng 4/1986 đến cuối tháng 7/1988, hai nước đã tiến hành phân giới được hơn 200km đường biên và cắm được 72 mốc. Tuy nhiên, đến năm 1989, công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới giữa hai nước bị ngưng trệ.
Từ năm 1999 đến năm 2005, đàm phán Việt Nam - Campuchia về biên giới đã được nối lại trong khuôn khổ Uỷ ban liên hợp. Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 đã được ký chính thức tại Hà Nội ngày 10/10/2005. Hiệp ước đã được cơ quan quyền lực cao nhất của hai nước phê chuẩn. Hiện nay, hai bên đang tiến hành phân giới, cắm mốc. Đến hết tháng 4/2013, hai bên đã tiến hành phân giới được 849,6km/1.137km (theo Hiệp ước năm 1985); xác định được 287 cột mốc; xây dựng được 279 cột mốc.
Với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa
Theo pháp luật quốc tế, Việt Nam kế thừa toàn bộ lãnh thổ và đường biên giới với Trung Quốc sau khi giành được độc lập mà các quốc gia để lại kế thừa. Lịch sử ghi nhận lại như sau:
Đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được hình thành qua quá trình lịch sử và tồn tại một cách tương đối ổn định kể từ khi Việt Nam thoát khỏi ách Bắc thuộc từ thế kỷ thứ X. Tuy nhiên biên giới Việt Nam - Trung Quốc mang khái niệm biên giới vùng, chưa phải là đường biên giới được phân giới cắm mốc, đánh dấu bằng một hệ thống mốc giới chính xác.
Đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên được pháp lý hóa bởi Công ước ngày 26/6/1887 và Công ước bổ sung ngày 20/6/1895 giữa Chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và triều đình Mãn Thanh, Trung Quốc. Đường biên giới theo Công ước Pháp - Thanh đã được hoạch định và phân giới cắm mốc và cụ thể hóa trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới (314 mốc) từ Móng Cái đến tận biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào. Đến trước khi Việt Nam giành được độc lập năm 1945, hai bên Pháp - Thanh
thực hiện quản lý theo đường biên giới và hệ thống mốc giới theo Công ước 1887; 1895 và có tiến hành một số hoạt động kiểm tra, sửa chữa mốc giới hoặc bổ sung một số mốc giới.
Trong những năm 1950 - 1960, hai bên chủ yếu quản lý đường biên giới theo tập quán và theo các bản đồ của Pháp hoặc Trung Quốc xuất bản. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, với mục tiêu giải quyết các tranh chấp về quản lý biên giới lãnh thổ giữa hai nước, ta và Trung Quốc đã tiến hành 3 lần đàm phán giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền, sau đó đàm phán bị gián đoạn do những biến cố của lịch sử. Sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ năm 1991, từ năm 1994 - 1999, hai bên thống nhất tiến hành đàm phán giải quyết các vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 30/12/1999, hai nước đã ký Hiệp ước biên giới trên đất liền. Sau khi Hiệp ước biên giới được Quốc hội hai nước phê chuẩn và có hiệu lực tháng 7/2000, hai bên thống nhất triển khai phân giới cắm mốc trên thực địa.
Công tác phân giới cắm mốc trên thực địa được bắt đầu triển khai từ tháng 12/2001 bằng việc cắm mốc 1369 tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - Đông Hưng (Quảng Tây). Sau 8 năm phấn đấu không biết mệt mỏi, ngày 31/12/2008 hai bên chính thức ra Tuyên bố kết thúc toàn bộ công tác phân giới cắm mốc trên thực địa. Trong năm 2008 - 2009, hai bên tập trung vào soạn thảo 3 văn kiện pháp lý về biên giới lãnh thổ gồm Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 18/11/2009, hai bên chính thức ký 3 văn kiện này. Ngày 14/7/2010, tại cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang), hai bên chính thức tuyên bố 3 văn kiện biên giới có hiệu lực và chính thức quản lý biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc theo 3 văn kiện biên giới và hệ thống mốc quốc giới mới.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được cụ thể hóa trên thực địa một cách khoa học, chi tiết, phù hợp với thực tế bằng một hệ thống mốc giới hiện đại
gồm 1.971 cột mốc (trong đó có 1 mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, 1.548 cột mốc chính; 422 cột mốc phụ).
Hiện nay, hai nước đang quản lý biên giới theo 3 văn kiện và xúc tiến ký kết Hiệp định hợp tác khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch khu vực thác Bản Giốc và Hiệp định tàu thuyền tự do đi lại tại khu vực cửa sông Bắc Luân.
Với Indonesia, Malaysia, Philippin, Thái Lan: Việt Nam kế thừa toàn bộ đường biên giới trên biển mà Pháp và Việt Nam cộng hòa đã thỏa thuận trước đó.