Chương 3: ĐÁNH GIÁ CHUNG VỀ CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY ĐA QUỐC GIA NHẬT BẢN VÀ HOA KỲ
3.3 Kiến nghị về chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài chính cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Trước ngưỡng cửa hội nhập kinh tế ngày càng thêm sâu sộng (CEPT/AFTA - ASEAN, APEC, WTO), đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, vấn đề thiết lập một chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài chính nói riêng để cạnh tranh quốc tế có bài bản ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp vẫn còn là một rào cản không dễ dàng vượt qua. Chiến lược của doanh nghiệp phải khai thác được những điểm mạnh cơ bản của mình, đồng thời phải tính đến những cơ hội và thách thức của môi trường kinh doanh.
Có thể khái quát thực trạng chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua ở 3 điểm chủ yếu sau:
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp đặt cơ sở cho các hoạt động của mình trên mức lương thấp và hao phí nhiều lao động có trình độ thấp. Các phương pháp sản xuất chưa phải đạt mức tối ưu. Không ít doanh nghiệp bắt chước mẫu mã sản phẩm từ bên ngoài hay sử dụng lại thiết kế của các đối thủ cạnh tranh. Số ít doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và triển khai , tiếp thị hay đào tạo chuyên nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ỷ lại vào những ưu tiên từ phía Nhà nước như giấy phép độc quyền sản xuất, hạn ngạch buôn bán, trợ cấp và bảo hộ.
Điều này có căn nguyên từ một thực tế là các DNNN của Việt Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi căn bản từ phương thức kinh doanh theo định hướng mục tiêu sản xuất sang kinh doanh hướng mục tiêu vào lợi nhuận, tuân thủ những yêu cầu của thị trường, khách hàng và chất lượng sản phẩm. Còn các doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài nhà nước tuy năng động, nhạy bén hơn nhưng trong một môi trường kinh doanh chậm chuyển đổi như ở nước ta thì hiện trạng cũng không mấy sáng sủa hơn. Quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đã đến hồi "nước rút"! Đây sẽ là liều thuốc thử khắc nghiệt đối với các doanh nghiệp nói chung, không cứ gì doanh nghiệp công nghiệp - do chậm thay đổi mục tiêu chiến lược kinh doanh từ trọng tâm lợi thế dựa trên giá lao động rẻ hay tài nguyên thiên nhiên dồi dào sang lợi thế cạnh tranh hơn dựa vào chi phí thấp, đa dạng hoá sản phẩm và quy trình độc đáo.
Thứ hai, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam ít nỗ lực trong việc tạo ra vị thế cạnh tranh dài hạn dựa trên sự khác biệt của sản phẩm và hệ thống dịch vụ hỗ trợ hoàn hảo sau bán hàng. Điều này làm giảm hình ảnh thương mại của doanh nghiệp trước các đối thủ cùng ngành ở cả thị trường trong và ngoài nước. Một doanh nghiệp mà cấu thành giá trị của những sản phẩm được đóng góp nhiều hơn từ những đơn vị gia tăng thuộc phía dịch vụ chăm sóc khách hàng và marketing... sẽ cho phép thành công hơn khi đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Thứ ba, rất ít doanh nghiệp trong hệ thống doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường thế giới (các thương hiệu trong những ngành có nhiều sản phẩm xuất khẩu như giày da, dệt nói chung sức mạnh cũng chỉ ở mức trung bình). Vấn đề bảo hộ và xây dựng thương hiệu mới còn nhiều yếu kém lại phải gặp một thách thức to lớn là chưa thành lập và kiểm soát được các kênh
phân phối quốc tế. Phần lớn hàng hoá công nghiệp Việt Nam không được các doanh nghiệp trong nước đưa đến "tận tay" khách hàng mà phải dựa vào các doanh nghiệp buôn bán trung gian nước ngoài, do đó, doanh nghiệp phải chia sẻ một phần không nhỏ lợi nhuận với người khác.
Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp là sự hội tụ nhiều loại chiến lược khác nhau gắn với từng lĩnh vực cụ thể của doanh nghiệp như: chiến lược về vốn; chiến lược khoa học và công nghệ; chiến lược phát triển nguồn nhân lực; chiến lược sản phẩm; chiến lược khai thác thị trường và phục vụ khách hàng; chiến lược cạnh tranh với từng đối thủ xác định... Thành công ở từng chiến lược cụ thể là bằng chứng xác đáng nhất về hiệu quả của chiến lược kinh doanh. Do thời gian nghiên cứu hạn hẹp và để đi sâu vào nội dung chính của đề tài này, chúng tôi chỉ đánh giá về chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài chính trong chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam
Chiến lược khai thác và sử dụng nguồn tài chính
Mặc dù cơ cấu đầu tư toàn xã hội đã có sự chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, nhưng nhìn chung hiệu quả sử dụng vốn (khu vực DNNN) và hiệu quả huy động vốn phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất (khu vực doanh nghiệp công nghiệp ngoài Nhà nước) còn nhiều yếu kém, bất cập. NSNN eo hẹp, hiệu quả kinh doanh không cao, lại chưa có cơ chế huy động mạnh nguồn vốn trong dân, vì vậy hầu như các doanh nghiệp ít có khả năng tự đổi mới công nghệ và thiết bị ở quy mô lớn. Số lượng doanh nghiệp tiếp xúc với nguồn vốn vay của ngân hàng chỉ ở mức 74% vì các ngân hàng rất ngặt nghèo trong vấn đề xem xét dự án đầu tư và các điều kiện thanh toán nợ, đồng thời phải yêu cầu thế chấp. Phần lớn doanh nghiệp ngoài quốc doanh phải huy động vốn đầu tư từ các nguồn khác có rủi ro cao, lãi suất lớn, gây ra một số vụ đổ bể làm mất ổn định xã hội.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần hoàn thiện công nghệ xây dựng chiến lược kinh doanh nói chung và chiến lược về khai thác và sử dụng nguồn tài chính phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn để từng bước bảo đảm cho sự tồn tại và đi lên của doanh nghiệp trong xu thế kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
KẾT LUẬN
Qua việc tìm hiểu về những chính sách tài chính của các công ty đa quốc gia Nhật Bản và Hoa Kỳ, chúng ta thấy chính sách tài chính thật sự đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh quốc tế của các công ty đa quốc gia. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được những điểm đặc trưng trong chính sách tài chính của các công ty đa quốc gia Nhật Bản và Hoa Kỳ. Chính các điểm khác biệt này trong chính sách tài chính đã ảnh hưởng và tạo nên chiến lược kinh doanh đặc trưng cho các công ty đa quốc gia của Nhật Bản hay Hoa Kỳ cụ thể là một chiến lược kinh doanh quốc tế dàn trải, dài hạn và đa dạng hóa lĩnh vực của các công ty đa quốc gia Nhật Bản hay
một chiến lược kinh doanh tập trung, ngắn hạn và chuyên môn hóa lĩnh vực của các công ty đa quốc gia Hoa Kỳ. Hơn nữa, chúng ta nhận thấy tác động của việc quản lý thông qua ba chính sách: tài chính, quản lý rủi ro và phân bổ ngân sách ảnh hưởng như thế nào tới những cơ hội tài chính cho các doanh nghiệp toàn cầu.
Đồng thời, qua tìm hiểu chính sách tài chính của các công ty đa quốc gia của hai cường quốc kinh tế Nhật Bản và Hoa Kỳ, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đối phó với diễn biến phức tạp khi thâm nhập thị trường quốc tế cũng như từng bước đưa doanh nghiệp vươn lên tầm cỡ công ty đa quốc gia.
Nhóm chúng tôi xin chân thành cảm ơn Cô T.S Tạ Thị Mỹ Linh - Trường đại học kinh tế TPHCM đã hết lòng và tận tình truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức quý báu trong suốt thời gian học môn Quản trị kinh doanh quốc tế ở trường để từ đó tạo cơ sở cho nhóm chúng tôi thực hiện và hoàn thành tốt đề tài này.