Đối với thị trường trong nước: Lượng khách du lịch trong những năm qua có lúc tăng ổn định và trở thành thị trường chủ đạo của du lịch Hà Nội, đòi hỏi phải có chính sách và biện pháp thích hợp để khai thác tốt thị trường này.
Khách du lịch nội địa đến Hà Nội có thể là khách tham quan tự do. Đây là loại khách đi du lịch theo nhóm nhỏ, gia đình, bạn bè với mục đích vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng và tham quan thủ đô trong đó có các di tích Nho học. Thị trường khách này khá đa dạng, có nhiều sở thích khác nhau; tuy nhiên họ đều có chung động cơ du lịch, thời gian lưu trú dài hơn, khả năng chi tiêu khá nhiều vào các hoạt động và dịch vụ du lịch.
Khách du lịch theo các đoàn thường là học sinh, sinh viên, cơ quan đoàn thể. Các đoàn khách trong nước là các cơ quan, đoàn thể đến với các di tích này chủ yếu để tìm hiểu về một loại hình di tích lịch sử, văn hóa, đồng thời cũng tìm hiểu về lịch sử Nho giáo, bề dày của nền giáo dục Nho học nước nhà.
Khách du lịch hội nghị, hội thảo chiếm thị phần khá lớn. Là trung tâm đầu não của cả nước, lưu lượng khách hội nghị, hội thảo từ các tỉnh qua lại Thủ đô là rất lớn, diễn ra hàng ngày, quanh năm. Nhóm khách này thường là những người có trình độ văn hóa cao, tranh thủ thời gian rỗi, thích tìm hiểu về truyền thống văn hóa của đất nước, nên các tour du lịch chuyên đề về Nho học có khả năng hấp dẫn cao đối với họ.
Du khách trong nước đến với thủ đô Hà Nội từ khắp cá tỉnh thành trong cả nước, bởi thế cần tiến hành hợp tác với các công ty lữ hành hoặc mở văn phong đại diện ở các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh …, coi trọng mở rộng phát triển thị trường với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Với vai trò là đầu mối trung tâm phân phối khách quốc tế của miền Bắc, Hà Nội có những ưu thế nhất định đối với thị trường khách quốc tế. Điều này càng đặt ra cho ngành du lịch Hà Nội phải tận dụng được những lợi thế này, đưa ra các chiến lược để hoạt động du lịch đạt kết quả cao nhất.
Thị trường khách du lịch Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong thị trường khách du lịch quốc tế tại Hà Nội. Với lượng dân số lớn, khoảng cách địa lý gần; từ các chính sách cởi mở giữa hai nước và sự tương đồng văn hóa Nho học, Trung Quốc sẽ vẫn là thị trường lớn mà thủ đô Hà Nội cần hướng tới.
Đối với thị trường khách du lịch Nhật Bản, Hàn Quốc: Cũng như Việt Nam, các quốc gia Đông Bắc Á chịu ảnh hưởng khá sâu sắc nền văn hóa Nho giáo Trung Quốc. Đối với số đông, sự không xa lạ về văn hóa tuy không gợi lên sự tò mò nhưng ngược lại giúp họ bớt e ngại khi chọn điểm đến là Việt Nam. Họ có thể đi du lịch nhiều lần tới một điểm du lịch nếu như mỗi lần đến lại có những điều mới lạ.
Khách du lịch các nước Đông Nam Á là thị trường quan trọng mà du lịch Việt Nam đang quan tâm thu hút. Hà Nội, trung tâm vùng Bắc Bộ và trung tâm của cả nước sẽ là điểm đến quan trọng của các thị trường khách này khi điều kiện đi lại được cởi mở và thuận tiện hơn. Lào, Thái Lan, Campuchia là những nước có đường biên giới và khoảng cách gần với Việt Nam.
Thị trường khách du lịch Châu Âu: Đến từ những nước xa xôi, hấp thụ nên văn hóa có tính duy lý, sự tò mò muốn hiểu nhiều hơn về văn hóa phương Đông trọng tình là sự quan tâm và là động cơ du lịch chính của phần lớn khách đến từ Châu Âu.
Ngoài những thị trường khách trên đây, các thị trường khách thuộc các nước Tây Âu, Đông Âu, châu Mỹ, Bắc Á khác cũng cần được quan tâm khai thác.
2.5. Kiến nghị
- Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội cần phải tiến hành kiểm kê, phân loại các di tích Nho học. Trên cở sở đó phát hiện, chọn lọc, đầu tư bảo vệ các di tích Nho học. Đồng thời đánh giá từng di tích để phân loại chúng theo tiêu chí có sức hấp dẫn du lịch hay không có hoặc ít có sức hấp dẫn du lịch để phát triển có định hướng, trọng tâm, hiệu quả các di tích Nho học trên địa bàn thủ đô thành điểm thăm quan du lịch.
- Xác định thị trường khách và mục đích du lịch cho loại hình du lịch các di tích Nho học. Từ đó, đưa ra những chiến lược và sản phẩm du lịch phù hợp cho từng đối tượng khách.
- Phải đưa ra một đề án quy hoạch tổng thể về loại hình du lịch văn hóa di sản Nho học trong phạm vi thủ đô. Bản quy hoạch này phải đáp ứng được mọi nhu cầu cần thiết về không gian, thời gian của tất cả các điểm di tích Nho học được liên kết lại tạo thành một chương trình du lịch văn hóa hoàn thiện.
Đưa các điểm du lịch trên vào các chương trình du lịch của các công ty du lịch. Phải khuyến khích đầu tư và quảng bá rộng rãi tất cả các di tích Nho học trên địa bàn thành phố để các công ty du lịch biết đến và tổ chức vào các tour du lịch của mình.
- Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội cũng cần phải phối hợp với Thành phố để quy hoạch du lịch và quy hoạch đô thị được thống nhất. Đảm bảo các dự án xây dựng không làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan của các di tích. Ngược lại, nếu quy hoạch tốt các dự án xây dựng như: làm đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống mạng lưới điện, ... lại góp phần hỗ trợ phát triển cho du lịch tại các di tích trên địa bàn thành phố. Quy hoạch các di tích lịch sử, danh thắng nói chung và di tích Nho học nói riêng trên cơ sở quy hoạch của thủ đô Hà Nội sẽ đưa các di tích Nho học có giá trị trở thành điểm thăm quan du lịch hấp dẫn của thủ đô.
- Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội và các ban ngành chức năng phải hoạch đi ̣nh chương trình xúc tiến quảng bá di sản Nho học , giới thiệu quảng bá loại hình du lịch di sản văn hóa Nho học của thủ đô với cả nước, cũng như đưa hình ảnh di sản văn hóa Nho học này ra thế giới nhằm thu hút du khách đến với các di sản văn hóa Nho học của thủ đô.
- Các BQL di tích Nho học trên địa bàn thành phố cần có sự liên kết với nhau. Một mặt nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiêm trong công tác quản lý, tu bổ di tích, mặt khác cùng nhau hợp tác xây dựng tour du lịch chuyên đề tổ chức cho khách thăm quan các di tích Nho học.
KẾT LUẬN
Hà Nội là một trong rất ít thủ đô trên thế giới có lịch sử 1000 năm, chứa trong mình những di sản văn hóa vô giá cả vật thể và phi vật thể. Trong suốt thời gian qua, các giá trị di sản văn hóa đặc sắc Thăng Long-Hà Nội đã từng bước được phát huy phục vụ mục tiêu phát triển du lịch, tạo sức hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
Trong kho tàng di sản văn hóa quý báu đó, có sự đóng góp không nhỏ của các di sản văn hóa Nho học. Cả về mặt nội dung lẫn hình thức, di sản văn hóa Nho học đều có
tiềm năng lôi cuốn du khách. Đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn cần được khai thác trong mục tiêu phát triển của ngành du lịch Hà Nội nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.
Thời gian qua, số lượng khách du lịch tại các di tích Nho học trên địa bàn Hà Nội cũ đã có sự tăng trưởng đều đặn qua các năm. Trong một vài năm gần đây, hầu như các khách du khách đến thăm thủ đô Hà Nội đều đến thăm quan di tích Nho học (chiếm tới 80 đến 90% lượng khách của Hà Nội).
Tuy nhiên, khách du lịch của các di tích Nho học này phân bố không đều, hầu như chỉ tập trung ở một vài di tích như di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ở đa số các di tích Nho học khác hoạt động du lịch vẫn chưa được chú trọng và phát triển. Mặc dù tỷ lệ khách du lịch thăm quan các di tích Nho học cao so với tổng lượng khách vào Hà Nội, nhưng doanh từ hoạt động du lịch tại các di tích này lại không đáng kể so với tổng doanh thu từ du lịch của Hà Nội.
Di sản văn hóa Nho học là nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn nhưng vẫn chưa được khai thác xứng với tiềm năng. Nguyên nhân một phần do chúng ta chưa có sự nhìn nhận và đầu tư một cách thích đáng để phát huy các giá trị của di sản phục vụ du lịch, phần khác là do chưa đủ các tiềm lực và chưa có các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu nhằm đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đầy tiềm năng này.
Luận văn là công trình nghiên cứu dựa trên những khảo sát thực tế về thực trạng khai thác các giá trị di sản văn hóa Nho học tại Hà Nội cũ, từ đó đưa ra những biện pháp nhằm đẩy mạnh khai thác các giá trị di sản văn hóa này trên địa bàn để phục vụ du lịch. Để giải quyết vấn đề này, tác giả đã tập trung nghiên cứu và làm rõ những nội dung sau đây:
1. Làm rõ vai trò của di sản văn hóa Nho học với tư cách là tài nguyên du lịch nhân văn trong phát triển du lịch.
2. Đánh giá thực trạng khai thác các giá trị di sản văn hóa Nho học phục vụ du lịch tại Hà Nội cũ trong giai đoạn 2000 - 2010 như: thực trạng khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch, hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch và công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Nho học. Trên cơ sở đó đề ra những khó khăn, thuận lợi trong việc khai thác các giá trị di sản văn hóa này.
3. Nghiên cứu mục tiêu, định hướng phát triển của ngành du lịch Hà Nội trong thời gian sắp tới. Từ đó đề ra những biện pháp đồng bộ, phù hợp với mục tiêu và hướng phát triển du lịch của thủ đô Hà Nội nhằm đẩy mạnh khai thác các giá trị di sản phục vụ du lịch.
Hy vọng các kết quả nghiên cứu cũng như những giải pháp đã được đưa ra trong đề tài sẽ có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp phát triển của ngành du lịch Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Để hoàn thành luận văn này, tác giả đã nhận được nhiều quan tâm và giúp đỡ của các cơ quan, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành tới giảng viên - GS.TS Lê Chí Quế người đã tận tình hướng
dẫn trong suốt qua trình thực hiện đề tài. Tác giả xin gửi lời cảm ơn tới Tổng cục du lịch, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội, BQL Di tích và danh thắng Hà Nội, Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu-Quốc Tử Giám, BQL các di tích Nho học và các đồng nghiệp, các dòng họ tiến sĩ,... đã giúp đỡ trong việc điều tra, thu thập các tài liệu, số liệu phục vụ cho luận văn. Xin gửi lời cảm ơn tới các thầy cô trong khoa đã giúp đỡ và đóng góp những ý kiến quý báu để tác giả có thể hoàn thành luận văn của mình. Xin cảm ơn gia đình và bạn bè đã động viên, tạo điều kiện để luận văn được hoàn thành.
Trong thời gian và khả năng có hạn, luận văn không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Kính mong các thầy cô và bạn bè đóng góp ý kiến để luận văn được hoàn thiện hơn.
References.