Từng bước xây dựng thị trường chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán

Một phần của tài liệu Các giải pháp đề xuất đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 41 - 43)

Thị trường chứng khoán là trung tâm phản ánh hoạt động kinh tế của các công ty, là nơi cung ứng các nguồn vốn và phân phối các cơ hội đầu tư cho công ty và công chúng. Trên thực tế, thị trường chứng khoán là điều kiện cho sự ra đời và hoạt động của các công ty cổ phần. Vì vậy, cùng với sự ra đời và hoạt động của các công ty cổ phần theo Luật công ty và quá trình cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước, Nhà nước cần phải gấp rút tạo điều kiện để xây dựng thị trường chứng khoán và các sở giao dịch chứng khoán.

Thông thường thị trường chứng khoán bao gồm hai bộ phận: - Thị trường sơ cấp là thị trường phát hành các chứng khoán mới.

- Thị trường thứ cấp là thị trường mua, bán các chứng khoán đã phát hành.

Hoạt động của thị trường này được thực hiện qua các trung gian tài chính có tác dụng "cầu nối" giữa công chúng và công ty. Các trung gian tài chính thường là các công ty tài chính, các ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí... Các cơ quan này hoạt động trong hệ thống sở giao dịch chứng khoán theo nguyên tắc phát hành các phiếu ghi nợ (sổ tiết kiệm, tín phiếu...) hoặc được uỷ quyền phát hành cổ phiếu cho các công ty để thu hút tiền vốn của công chúng, sau đó dùng tiền này đầu tư vào các lĩnh vực để thu lợi nhuận như mua trái phiếu, cổ phiếu của các công ty và Nhà nước, đầu cơ bất động sản... Nhờ hoạt động với quy mô lớn và thành thạo nghiệp vụ đầu tư, các tổ chức này đã góp phần làm cho nguồn vốn trong xã hội được phân phối một cách có hiệu quả, giúp cho công chúng giảm thiếu được các rủi ro trong việc lựa chọn và giữ các loại chứng khoán, đồng thời sự cạnh tranh giữa các tổ chức này sẽ làm cho lãi suất bị hạ thấp xuống, nhưng nguồn vốn thực tế được đầu tư vào kinh doanh đạt được mức cao nhất. Điều đó làm tăng khả năng tích luỹ trong nội bộ nền kinh tế và cho phép đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế.

Ở nước ta, tuy đã có các ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư phát triển sau khi đã chuyển đổi hệ thống ngân hàng từ một cấp thành hai cấp, nhưng phương thức và phương pháp hoạt động còn chưa đổi mới kịp với những đòi hỏi của thị trường vốn trong xã hội. Hệ thống các quỹ tín dụng và ngân hàng cổ phần mới ra đời và hoạt động trong thời gian ngắn, chưa đủ thực lực và kinh nghiệm để làm điều kiện cho các công ty cổ phần ra đời và hoạt động. Hiện nay, nhận thức được tính cấp bách của vấn đề này, Chính phủ đã cho phép chính quyền ở hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xúc tiến việc nghiên cứu và xây dựng thị trường chứng khoán mà bước đầu là xây dựng thị trường sơ cấp.

Phải chuẩn bị một số điều kiện sau:

- Nhà nước phải gấp rút xây dựng bộ Luật về thị trường chứng khoán và sở giao dịch chứng khoán làm cơ sở pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của loại thị trường này bao gồm các quyết định về phát hành, mua bán, chuyển nhượng chững khoán và các loại văn tự có giá khác; trách nhiệm, quyền hạn và xử lý vi

phạm đối với các chủ thể tham gia, vai trò, chức năng, quy chế hoạt động và trách nhiệm của sở giao dịch chứng khoán...

- Xây dựng hệ thống kiểm toán độc lập và có những văn bản luật quy định vai trò chức năng, quyền hạn và trách nhiệm hoạt động của tổ chức này.

- Đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm đến mọi đối tượng và thành lập các công ty bảo hiểm như là một tổ chức tài chính quan trọng sẽ tham gia vào hoạt động của thị trường chứng khoán.

- Ngoài việc củng cố và tiếp tục đổi mới hoạt động của các ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư phát triển và các quỹ tín dụng để làm nòng cốt cho việc tổ chức bước đầu phát hành chứng khoán cho các công ty, thực hiện các nghiệp vụ về mua bán chứng khoán, chiết khấu và tái chiết khấu, lựa chọn, các cơ hội đầu tư và phân tán rủi ro... Nhà nước cần thành lập một Công ty tài chính Quốc gia có trách nhiệm quản lý, sử dụng và kinh doanh nguồn vốn thuộc sở hữu nhà nước trong các doanh nghiệp được cổ phần hoá. Công ty này sẽ góp phần quan trọng cho sự ra đời và hoạt động của thị trường chứng khoán, đồng thời cũng là một công cụ điều tiết của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường này.

- Nhà nước cũng cần soạn thảo những quy định cụ thể nhằm chọn lựa, cho phép một số tổ chức tài chính quốc tế tham gia vào thị trường này để tạo môi trường và động lực cạnh tranh đối với các tổ chức tài chính của Việt Nam, qua đó, học tập, rút kinh nghiệm, dần dần nâng cao trình độ ngang tầm với đòi hỏi của hoạt động thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế.

Một phần của tài liệu Các giải pháp đề xuất đối với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở nước ta hiện nay (Trang 41 - 43)