Hướng hoàn thiện:

Một phần của tài liệu VƯỚNG mắc lớn NHẤT CHO CÔNG CUỘC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT đất ĐAI tại VIỆT NAM (Trang 27 - 30)

Có ba điểm cần thay đổi đối với lĩnh vực sở hữu đất đai.

Trước hết phải có chủ trên từng thước đất, trên từng thửa ruộng, từng cánh rừng, từng khoảnh đất. Phải rõ ràng: chủ là ai, không rõ chủ thì khó mà quản lý. Chủ đó có thể là của kinh tế tư nhân, của kinh tế tập thể, hoặc của Nhà nước. Khi rõ rồi thì khó có ai xâm phạm được. Xưa nay tôi làm về lâm nghiệp, rừng luôn bị phá hoại vì chủ không rõ: đâu là của người nông dân, đâu là của lâm trường, đâu là của cộng đồng dân cư, đâu là của Nhà nước. Sau khi quy định quyền sở hữu thì quy định quyền sử dụng. Vừa qua có sự đan chéo giữa sở hữu và sử dụng. Mỗi thửa đất, mỗi cánh rừng đều phải có chủ rõ ràng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Nhà nước phải là người quản lý thống nhất.

Thứ hai, phải vận dụng những quy luật kinh tế về đất đai. Đất đai là hàng hoá đặc biệt, nhưng dù đặc biệt thì đặc tính thứ nhất vẫn là hàng hoá nên phải vận dụng quy luật về hàng hoá, quy luật thị trường để phù hợp cơ chế thị trường theo định hướng XHCN: giá đất nông nghiệp phải được vận dụng theo cơ chế thị trường, nếu không, việc áp đặt một giá do chúng ta nghĩ ra sẽ bị lợi dụng, khi bị lợi dụng thì không thể sử dụng có hiệu quả.

Thứ ba là cải tiến bộ máy quản lý đất đai. Ngày xưa ta có bộ máy quản lý địa chính. Sau khi được giao cho dân, cho cộng đồng và Nhà nước thì bộ máy này chuyên quản lý hành chính về đất đai, nhưng bây giờ vừa quản lý hành chính, vừa quản lý kinh tế nên không rành mạch. Giờ phải xác định lại, có một tổ chức thống nhất từ Trung ương đến làng xã quản lý cả về sử dụng, sở hữu cho mọi thành phần kinh tế.

Để cho đất đai mang lại hiệu quả như tài sản quý giá, có thời chúng ta đã thực hiện đa sở hữu về đất đai. Tức có đất của Nhà nước, có đất của cộng đồng – tập thể, có đất của tư nhân. Như trong nông nghiệp, đất thổ cư, đất vườn xưa nay vẫn thuộc về quản lý của chủ hộ, dù ta vẫn nói về sở hữu toàn dân thì họ vẫn quản lý rất chặt. Hoặc ở trong thôn, làng, bản vẫn có đất công ích của cộng đồng không ai dám xâm phạm vì họ quản lý chặt vừa về mặt pháp lý vừa về mặt tâm linh.

Hiện trong nông nghiệp có phần đất nông dân quản lý, có phần do nông lâm trường quản lý, một bộ phận nữa Nhà nước giao cho các tập thể cộng đồng…, tức là thực chất đang diễn ra quản lý đa thành phần như vậy nhưng không được hợp pháp hoá, biến nó thành điều luật với sở hữu hẳn hoi.

Và muốn thực hiện được những điều đó cần nghiêm túc nhìn nhận lại vấn đề “ đất đai thuộc sở hữu toàn dân “, chỉ khi bản chất của sự việc được nhìn nhận một cách đúng đắn, khi đó mới có thể có những bước tiến trong công cuộc hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai tại Việt Nam, qua đó đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tiểu kết chương 2 :

Thông qua những bất cập khó khăn trong quản lí hành chính về đất đai cũng như hoạt động xét xử của tòa án dễ dàng nhận ra nguyên nhân cốt lõi của những bất cập khó khăn này chính là xuất phát từ khái niệm “ đất đai thuộc sở hữu toàn dân “, thật vậy khi người dân không hoàn toàn sở hữu, làm chủ mảnh đất của mình thì quyền lợi của họ rất dễ bị xâm phạm bởi các cơ quan nhà nước, người dân trong mọi trường hợp luôn ở thế yếu vì quyền sở hữu của họ đối với đất đai là không rõ ràng, cơ quan công quyền chỉ cần viện

dẫn việc thu hồi đất nhằm phát triển kinh tế đất nước là có thể xâm phạm quyền của chủ sở hữu. Vì thế nếu quan niệm “ đất đai thuộc sở hữu toàn dân “ được nhìn nhận lại thì những khó khăn, bất cập, nêu trên sẽ phần nào giảm bớt, tạo điều kiện cho đời sống nhân dân ổn định, kinh tế đất nước sẽ ngày càng phát triển một cách bền vững.

KẾT LUẬN:

Việt Nam đang trên con đường trở thành một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, một nhà nước “ của dân, do dân và vì dân “, muốn như vậy bên cạnh việc cố gắng xây dựng phát triển nền kinh tế, hệ thống pháp luật cũng cần dần dần được hoàn thiện, trong đó hệ thống pháp luật đất đai là ưu tiên hàng đầu trong công cuộc cải cách, không chỉ vì đất đai là tài sản lớn của nhân dân, của đất nước mà đây là còn là lĩnh vực phức tạp, mập mờ rất dễ dẫn đến tiêu cực trong xã hội, qua đó gây bất ổn cho xã hội, trì trệ nền kinh tế.

Nhưng muốn thay đổi cả một hệ thống pháp luật về đất đai, điều kiện đầu tiên chính là phải nhìn nhận, thay đổi lại tư duy “ sở hữu toàn dân “ bấy lâu nay, có thể nói đây là chốt chặn, là vướng mắc lớn nhất cho công cuộc hoàn thiện pháp luật đất đai. Trong thời đại hội nhập, thương mại kinh tế toàn cầu như hiện nay có thể nói đây là công việc cấp thiết, mang tính sống còn cho cả dân tộc. Tuy rằng bây giờ thay đổi vẫn là muộn nhưng dù sao “ muộn còn hơn không “, muốn đất nước phát triển, vững mạnh chúng ta không còn lựa chọn nào khác bằng việc phải thay đổi tư duy...

Một phần của tài liệu VƯỚNG mắc lớn NHẤT CHO CÔNG CUỘC HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT đất ĐAI tại VIỆT NAM (Trang 27 - 30)